CLB hoạt động vì tâm huyết của nhiều người
. Phóng viên: Bước vào tuổi thứ 9 của CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ, với vai trò chủ nhiệm - anh Hồ Nhựt Quang có thể chia sẻ năm qua CLB đã có những bước phát triển như thế nào?
- Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang: Tuy năm qua là một năm kinh tế nhiều khó khăn nhưng CLB chúng tôi vẫn cố gắng duy trì các hoạt động văn hóa. Hàng tuần các thành viên đều dành thời gian gặp gỡ để chia sẻ về các nét truyền thống văn hóa Việt Nam từ nhiều vùng miền khác nhau, sáng tác và tập tuồng mới, cùng trao đổi về các định hướng hoạt động của CLB.
. Khó khăn lớn nhất để duy trì CLB là gì, thưa anh?
- Là vấn đề về kinh tế. Có lúc CLB tạm ngừng hoạt động vì thiếu kinh phí. Nhưng chưa bao giờ ngọn lửa đam mê với nghề và trách nhiệm của tôi dành cho CLB bị suy giảm. Tuy nhiên, hiện tại thời mọi thứ dần cải thiện hơn, các hoạt động đã bắt đầu khởi động lại.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận bởi việc nghiên cứu và vinh danh văn hóa chính là đam mê lớn nhất trong cuộc đời của tôi. Đã là đam mê thì mình càng làm càng có thêm niềm vui, hạnh phúc. Những điều này trở thành động lực để tôi dễ dàng vượt qua mọi khó khăn vất vả.
. Có bao giờ anh cảm thấy việc duy trì CLB là "quá sức" và muốn dừng lại không?
- Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc dừng lại. Bởi CLB chính là tâm huyết mà thầy tôi - cố GSTS Trần Văn Khê - đã mong muốn CLB được ra mắt đúng thời điểm dù rằng khi đó thầy đang nằm viện cấp cứu nhưng vẫn không cho tôi dời ngày thành lập.
Tuy thầy không còn tại thế nhưng trong các hoạt động của CLB luôn có sự hiện diện của thầy. Thành công của chúng tôi chính là món quà mà chúng tôi dành cho thầy mình. Đến hôm nay, các thành viên đã gắn bó với CLB suốt 9 năm qua, đã có nhiều người trưởng thành hơn, thành đạt hơn cả về học vị và có được vị trí thăng tiến rõ rệt, đó cũng là niềm vinh dự, cũng như là động lực lớn lao cho chúng tôi nhìn về phía trước với các mục tiêu và tầm nhìn đầy lạc quan.
Vì niềm đam mê văn hóa Việt
. Hẳn anh cũng đã có sẵn hoạch định để CLB sẽ đi dài hơi?
- Chúng tôi kết hợp hoạt động của CLB với một số cơ quan, tổ chức có tính lan tỏa và mang đến hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong thời gian tới, CLB sẽ kết hợp cùng với các đơn vị lữ hành đưa chương trình "Chặp cải lương" vào các tour du lịch để quảng bá văn hóa đến du khách thông qua nghệ thuật cải lương.
"Chặp cải lương" sẽ biểu diễn thường xuyên tại các chương trình văn hóa do chính các thành viên của CLB Nghiên cứu và vinh danh Văn hóa Nam Bộ tham gia thực hiện. Tính đến nay, tôi đã có được hơn 100 tác phẩm hát "chặp cải lương" ca ngợi về quê hương đất nước, anh hùng dân tộc và nói lên đạo lý nhân sinh.
Đặc biệt CLB dự định cho ra mắt sách về văn hóa - thuần phong mỹ tục của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập CLB trong thời gian tới. Trong đó có một số nội dung đã được chia sẻ với khán thính giả trong các chương trình văn hóa trên các đài phát thanh và truyền hình.
Có lúc CLB rơi vào khó khăn
. Liệu có sự thay đổi và đổi mới nào để các vở diễn của CLB thu hút được khán giả không?
- Sự đổi mới chính là các "chặp cải lương" sẽ có sự tương tác tại chỗ với khán giả chứ không chỉ là trình diễn. Điều này sẽ tạo nên sự thú vị cho khán giả. Chúng tôi cũng sẽ có những vở diễn mang tính thời sự chứ không chỉ là tuồng xưa tích cũ. Cùng với đó là việc áp dụng phương pháp AIDA (Attention: Thu hút, Interest: Thích thú, Desire: Khao khát, Action: Hành động) để đo lường, đánh giá và luôn cải thiện để đạt được hiệu quả tốt hơn.
. Trước kia, các gánh hát đều có "át chủ bài" của riêng mình nhằm thu hút vào tạo sự khác biệt trong mắt khán giả, vậy CLB có sự "khác biệt" ấy không?
- Mỗi thành viên trong CLB đều là ắt chủ bài. Chúng tôi tin vào sự chuyên nghiệp của mỗi thành viên. Như Tú Quyên là nữ chính của "Gánh hát Thiên Lý" cũng là nữ chính của CLB, nghệ sĩ Xuân Lan từng là diễn viên trong đoàn "Thanh Minh - Thanh Nga", cô Lý Kiều Hạnh cũng là nghệ sĩ cải lương được đào tạo trường lớp chuyên nghiệp thời trước về ca diễn vẫn luôn đồng hành cùng chúng tôi. Còn có nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng đàn tranh, nhạc sĩ Châu Minh Tâm đàn guitar phím lõm là những nhạc công chính của CLB.
Nhưng mọi người phải cùng nhau vượt qua
. Anh có nghĩ cải lương sẽ tiếp cận được với khán giả trẻ?
- Đó là mục tiêu hoạt động của chúng tôi. Cụ thể là các chương trình được tổ chức tại trường học qua hình thức sân khấu hóa cũng góp phần nào đó để các em được tiếp cận cải lương, hiểu về cải lương và thêm yêu thích bộ môn văn hóa nghệ thuật truyền thống của nước nhà, để cải lương không bị mai một hay chỉ dành cho đối tượng khán giả lớn tuổi.
Tôi tự xem mình là người bạn đồng hành cùng các bạn trẻ, sẵn sàng đón nhận và chia sẻ với khả năng hiểu biết của mình. Có lẽ chính vì vậy mà đã có nhiều bạn trẻ quan tâm sâu sắc, nhắn tin, gửi thư về cho CLB hỏi thăm và mong muốn được trở thành một thành viên của CLB.
Bình luận (0)