Nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết đang hướng đến việc sáng tác thanh xướng kịch, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh sáng tạo dòng nhạc world music, nhạc sĩ Việt Anh là khí nhạc, nhạc sĩ Hoài An chọn dân gian đương đại và nhạc sĩ trẻ Huỳnh Việt Anh Khang đang khai phá nhạc cổ phong thuần Việt.
Nhạc sĩ Quốc Bảo bộc bạch: "Vẻ đẹp của âm nhạc nằm ở những nốt im lặng sau khi âm thanh vang lên. Cái dư thanh đó mới tuyệt vời". Ông đã chuyển tải thông điệp này trong show "Lụa", một vở thanh xướng kịch đầu tiên được diễn ở Việt Nam. Quốc Bảo đã và đang chuyển xu hướng nhạc kịch thành ca khúc và theo anh "trường phái âm nhạc này khiến người nghe phải thay đổi lối sống, suy nghĩ, giúp cho tâm hồn bay lên".
Các nhạc sĩ Quốc Bảo, Hoài An và Anh Khang đang chung tay làm mới nhạc Việt (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cùng quan điểm, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói: "Âm nhạc mà tôi muốn hướng tới vẫn là tình yêu nhưng là tình yêu rộng lớn hơn để người nghe cảm thấy được an lạc và hạnh phúc". Một bản nhạc của Võ Thiện Thanh được viết như vẽ một bức tranh. Mỗi ngày anh làm một ít, chỉnh sửa nhiều lần như cách mà các họa sĩ hoàn thiện bức tranh của họ. Có thể phủ lên giấy toan nhiều màu mực, nhiều lớp vẽ, nhiều hình ảnh khác nhau cho đến khi bản thân thấy thật hài lòng.
"Âm nhạc với tôi không đơn giản chỉ là giải trí. Nó có thể nâng tâm hồn bạn lên cao, biến tình yêu nhỏ bé trong bạn ngày càng rộng lớn hơn, rồi một ngày bạn sẽ nhận ra việc nghe nhạc gì không còn là một vấn đề tùy tiện và dễ dãi nữa vì nó sẽ biến đổi con người bạn theo đúng thứ âm nhạc mà bạn lựa chọn, theo thái độ mà bạn nghe nhạc" - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh bày tỏ.
Nhạc sĩ Việt Anh là tác giả của những bản hit một thời như "Những mùa hoa bỏ lại", "Điều cuối cùng đợi chờ", "Dòng sông lơ đãng"… hiện đang theo khóa học master sáng tác tại New Zealand và đang chú tâm vào các tác phẩm khí nhạc mang đậm tính lãng mạn, tự sự. Nhạc sĩ Hoài An cũng chăm chỉ sáng tác các tác phẩm theo xu hướng dân gian đương đại.
Đáng chú ý là nhạc sĩ trẻ Huỳnh Việt Anh Khang đang đầu tư cho nhạc cổ phong thuần Việt, gửi gắm tâm tình và câu chuyện tiền nhân trong từng nốt nhạc cổ kính pha chút nét hiện đại.
Anh Khang cho biết: "Nhạc cổ phong Việt Nam được định hình bằng những âm giai xây dựng từ ngũ cung Việt Nam hoặc có thể được dựng lên từ những giai điệu dân gian quen thuộc với đời sống thường nhật. Từ đó, các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc sẽ sử dụng những nhạc cụ hiện đại và cổ điển để cùng phối hợp tạo nên một bản nhạc có đủ các yếu tố cổ - kim giao thoa. Thứ âm nhạc này vừa cổ mà vừa mới, vừa khoan thai, mê hoặc của quá khứ mà lại vừa hối hả, mới mẻ của hiện tại".
Đặc trưng của thể loại cổ phong chính là lời ca trau chuốt, tinh tế, cách gieo vần hài hòa, đẹp như một áng thơ cổ. Ca từ điểm xuyết hình ảnh cổ xưa, gợi các điển tích, điển cố; giàu tính ước lệ tượng trưng, mượn cảnh tả tình. Nội dung ca từ thường nhẹ nhàng, âm điệu du dương, lãng đãng u buồn, thiên nhiều về tự sự. Do vậy, nhạc cổ phong không đơn thuần chỉ để nghe giải trí mà còn gợi cho người nghe nhiều suy ngẫm về nhân tình thế thái, về lịch sử, về tâm tình của tiền nhân. "Nhạc cổ phong Việt Nam không chỉ nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc mà còn giúp công chúng xuyên không về quá khứ để hiểu người xưa, yêu thêm câu chuyện lịch sử nước nhà" - Anh Khang tâm đắc.
Có thể nói, chính sự tâm huyết sáng tạo của các thế hệ nhạc sĩ đã và đang tạo nên một bức tranh mới cho nhạc Việt. Không chỉ là một bức tranh nhiều màu sắc mà thực sự có giá trị với mục tiêu chung là hướng đến thẩm mỹ thưởng thức chất lượng cao cho cộng đồng.
Giới chuyên môn cho rằng "trong sáng tạo luôn luôn có sự kế thừa". Con đường âm nhạc của thế hệ sau sẽ được bước đi trên những viên gạch mà thế hệ đàn anh xây dựng, sáng tạo nên những điều tử tế không chỉ là một lựa chọn mà còn là trách nhiệm bởi lòng tự tôn cần phải có của mỗi người nhạc sĩ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-9
Bình luận (0)