Hai mươi gương mặt tiêu biểu cho thế hệ họa sĩ kế cận đã được chọn từ cuộc tuyển chọn của ngành mỹ thuật, hội họa mang tên "Art Republik: Next Gen", trong đó có 16 nghệ sĩ ở các ngành nghề sáng tạo và 4 tác giả nghiên cứu, phê bình. Họ đều từ 35 tuổi trở xuống, được xếp vào thế hệ Y và Z, những đại diện trẻ của thế kỷ này.
Bước dịch chuyển thú vị
Nhìn lại lịch sử, cứ bước qua thập niên thứ 3 của thế kỷ mới là nhiều nơi có nhu cầu tìm kiếm hoặc khẳng định về thế hệ kế cận. Ở nghệ thuật hội họa, cuộc tuyển chọn "Art Republik: Next Gen" do tạp chí nghệ thuật Art Republik Vietnam (hướng đến nghệ thuật đương đại mà trong đó mỹ thuật là kênh chính) tổ chức đã khép lại với 20 gương mặt đáp ứng được các tiêu chí tìm kiếm (sẽ công bố vào ngày 30-6).
Một trong những bức tranh của nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sẽ mở đầu buổi bán đấu giá chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam .Ảnh: SƠN ĐÔNG
Art Republik Vietnam là ấn phẩm nghệ thuật có bản quyền từ Singapore với những thông tin gói gọn trong giới hội họa, kiến trúc, thời trang cho đến các sản phẩm thủ công và nhiều diễn biến trong thị trường đấu giá nghệ thuật khắp thế giới, với những góc nhìn đa chiều về thế giới nghệ thuật cùng khẩu hiệu "Elitism for All" (Chủ nghĩa ưu tú dành cho tất cả).
Buổi thảo luận "Art of next gen: Một diễn ngôn mới" cùng giám tuyển nghệ thuật Zoe Butt và nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao diễn ra vào ngày 27-6 tại TP HCM, sẽ bàn luận xoay quanh chủ đề "Mỹ thuật Việt Nam đã có được thế hệ kế cận?". Các thảo luận nhằm đào sâu về vai trò và ảnh hưởng của thế hệ Next Gen (thế hệ Y và Z của thế kỷ 21) trong bối cảnh nghệ thuật hiện tại và tương lai của Việt Nam Giám đốc nghệ thuật The Factory Contemporary Arts Centre, Zoe Butt, sẽ xuất hiện với tư cách diễn giả khách mời, thông qua những trải nghiệm của mình tại thị trường Việt Nam và trên thế giới, giúp mở mang tầm nhìn và cách thức thực hành bền bỉ cho thế hệ sáng tạo trẻ.
Cú hích mạnh mẽ
Một trong những sự kiện gây chú ý là phiên đấu giá nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế đầu tiên mang tên "Arts du Vietnam - Nghệ thuật Việt Nam" sẽ diễn ra trực tiếp vào ngày 27-6 tại khách sạn Sofiel Metropole (Việt Nam) và nền tảng Drouot Digital tại Paris. Đây là kết quả hợp tác chính thức từ sàn đấu giá Drouot tại Pháp, nhà đấu giá PI Auction House để có được phiên đấu giá nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Bốn bức tranh của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, tác giả của ca khúc "Hà Nội trái tim hồng", sẽ mở màn cho buổi đấu giá này.
Ngoài 4 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhiều tác phẩm của những tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam hiện đại cũng góp mặt: Tô Ngọc Vân ("Chân dung thiếu nữ", chì và phấn màu trên giấy, 28 x 14 cm), Nguyễn Sáng ("Mèo", sơn mài trên đĩa gỗ, đường kính 29 cm), Nguyễn Tư Nghiêm ("Tiên cưỡi rồng", bột màu trên giấy, 39 x 52 cm), Bùi Xuân Phái ("Chân dung thiếu nữ", sơn dầu trên toan, 39 x 29 cm), Lê Bá Đảng ("Không gian", chất liệu tổng hợp trên vóc, 60 x 40 cm)…
PI Auction House quyết định giới thiệu các tác phẩm xuất sắc nhất của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn để mở màn cho phiên đấu giá lớn nhất trong năm này bởi tác giả ca khúc "Quê em miền trung du" cùng nhiều bài hát nổi tiếng khác còn là một họa sĩ tài năng, từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cha ông là cụ Nguyễn Đức Thục, một điêu khắc gia nổi tiếng nhưng ít người biết. Lần theo những dấu ấn sáng tạo của ông, những người yêu mỹ thuật không khỏi ngạc nhiên trước khối lượng tranh đồ sộ mà ông đã sáng tác để lại cho đời.
Với hơn 150 tác phẩm nghệ thuật trải dài từ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương vàng son đến mỹ thuật kháng chiến và đương đại nổi bật, đây là phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật quy mô nhất từng được tổ chức tại Việt Nam.
Giới chuyên môn đánh giá phiên đấu giá mỹ thuật đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam này sẽ là cú hích mạnh mẽ, dấu mốc quan trọng trong việc tạo nên sự liên kết giữa thị trường nghệ thuật Việt Nam với nghệ thuật toàn cầu. Ông Đô Sơn (Giám đốc của PI Auction House) gọi phiên đấu giá mang chủ đề "Arts du Vietnam - Nghệ thuật Việt Nam" như một làn gió mới cho thị trường sưu tầm tác phẩm mỹ thuật Việt Nam và thế giới.
Hơn hết, với người trong giới, đây cũng chính là cơ hội cho thế hệ sáng tác mới giới thiệu về mình với công chúng trong và ngoài nước. Ngành nghề nào cũng cần thế hệ kế cận. Chính họ sẽ là nguồn lực mới và khác lạ. Không có thế hệ kế cận có thể nói là không có sự tiếp nối, lịch sử bị dừng lại. Nền mỹ thuật Việt Nam đang cần điều đó.
Chủ động tiếp cận công chúng thế giới
Lần đầu tiên tại Việt Nam, những tác phẩm hội họa trong nước do nhà đấu giá Việt Nam giới thiệu có thể chủ động tiếp cận được người yêu nghệ thuật và những nhà sưu tập lớn trên thế giới. "Với vị thế hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đưa các tác phẩm tốt nhất, đẹp nhất, mang tính đại diện của nghệ thuật Việt Nam đến với quốc tế. Sau các phiên đấu giá theo quy chuẩn quốc tế, các giao dịch trong nước đã có thể bắt đầu được ghi nhận trong hệ quy chiếu giá của thế giới. Sự công khai, minh bạch này là một bước tiến lớn đối với thị trường Việt Nam. Bởi, việc thiếu thông tin về hệ thống giá cả và lịch sử giao dịch là một trong những trở ngại lớn nhất của ngành kinh doanh nghệ thuật" - ông Đô Sơn khẳng định.
Từ trước đến nay, những tác phẩm của Việt Nam được đấu giá ở nước ngoài phần lớn là của các họa sĩ sống và làm việc tại nước ngoài hoặc được các nhà sưu tập nước ngoài sở hữu, điều đó có thể khiến nền hội họa Việt Nam bị thu hẹp dưới góc nhìn của người yêu nghệ thuật quốc tế. Chưa kể đến những tác phẩm mỹ thuật giao dịch trên các sàn đấu giá nước ngoài "có vấn đề" trong xác định thật - giả hoặc bị đánh tráo giá trị nghệ thuật. Giới chuyên môn từng cho rằng nếu chúng ta còn chậm trễ trong việc chủ động đưa nghệ thuật của mình đến thế giới thì tham vọng trở thành mắt xích trong mạng lưới liên kết nghệ thuật toàn cầu sẽ còn rất xa.
Bình luận (0)