Làn sóng tẩy chay này đang có chiều hướng tăng cao nên nhà sản xuất rất lo lắng phim lên sóng bị ảnh hưởng lượng người xem. "Hoa hồng trên ngực trái" được nhà sản xuất đầu tư lớn với kỳ vọng sẽ vượt được thành tích ăn khách của phim "Về nhà đi con" nhưng khả năng này trở nên khó khăn hơn khi nổ ra vụ bê bối của Kiều Thanh. Đây không phải lần đầu khán giả tuyên bố tẩy chay phim có diễn viên gây xì-căng-đan.
Kiều Thanh trong buổi ra mắt phim “Hoa hồng trên ngực trái”. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Công chúng chỉ trích dữ dội Kiều Thanh, cho rằng về mặt đạo đức, đây là hành vi "cướp chồng", về mặt pháp lý là vi phạm luật hôn nhân. Họ kêu gọi tước danh hiệu NSƯT của Kiều Thanh. Người phát ngôn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hứa sẽ xem xét xử lý nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận Kiều Thanh vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình.
Trước đó, phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" cũng từng khốn đốn với bê bối tình cảm giữa Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn - An Nguy. Phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con" cũng lỗ nặng khiến nhà sản xuất tuyên bố đi kiện diễn viên vì chính họ gây ra hậu quả này. Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn khó lấy lại tình cảm từ công chúng, minh chứng cho điều này là phim "Hạnh phúc của mẹ" do cả hai đóng chính, không thành công về doanh thu dù cách thời điểm xảy ra bê bối khá xa…
Theo nhiều người trong giới, một diễn viên gây bê bối có thể do chính bản thân người đó muốn tạo chú ý, hâm nóng tên tuổi theo cách tiêu cực; cũng có thể, có sự bắt tay làm PR giữa diễn viên và nhà sản xuất theo kiểu "dư luận càng chửi càng hot". Dù là thế nào đi nữa thì việc chọc giận khán giả, bôi nhọ hình ảnh đều dẫn đến sự trừng phạt, sản phẩm họ tham gia bị tẩy chay. Nhà sản xuất chịu tổn thất nhiều nhất, gánh hậu quả nhiều nhất. Nó cũng cho thấy, khán giả Việt ngày càng tinh tế, không còn chấp nhận kiểu "tai tiếng" để "nổi tiếng" và sẵn sàng tẩy chay nếu đó là hành vi không phù hợp các quy chuẩn đạo đức thông thường.
Bình luận (0)