xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá

Bài-ảnh: Bích Vân

(NLĐO)- Bằng chính niềm say mê đầy sáng tạo, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ - người từng được mệnh danh là kỷ lục gia ở lĩnh vực thạch ảnh lại thành công với môn nghệ thuật độc đáo là diệp ảnh.

Ghé thăm nhà của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ (tên thật là Lê Đức Vỹ, SN 1950) trong một kiệt nhỏ trên đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng vào ngày cuối năm, ông Vỹ vẫn đang say sưa với môn nghệ thuật độc đáo có một không hai của mình. Đó là diệp ảnh hay là in ảnh lên lá.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 1.

Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ

Mới nghe tưởng chừng như đùa nhưng những bức ảnh được ông Vỹ khắc trên lá có thể giữ nguyên màu đến hơn 100 năm. Để đến với nghệ thuật diệp ảnh, người nghệ nhân này đã dày công sức, thời gian lẫn tiền bạc cùng với kinh nghiệm gần 20 năm với nghệ thuật thạch ảnh. Trước khi đến với diệp ảnh, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ cũng từng là một kỷ lục gia, được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2007. Năm 1995, từ niềm đam mê ảnh, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ đã tự mày mò, tìm hiểu để tạo ra nghệ thuật của riêng mình. Ông đã sáng tạo ra tác phẩm thạch ảnh đầu tiên thành công vào năm 2006, đó là hình ảnh của vợ ông.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 2.

Hình ảnh vợ được ông Lê Nguyên Vỹ phóng lên lá

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 3.

Nghệ nhân này chỉ có duy nhất 1 bức diệp ảnh in chân dung của chính mình

Từ đó, nghệ thuật thạch ảnh của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ được cả nước biết đến. Cơ sở sản xuất thạch ảnh của ông cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng vì loại hình nghệ thuật hiếm hoi này. Không dừng lại ở đó, nghệ nhân Vỹ lại bắt đầu sáng tạo nên môn nghệ thuật độc đáo khác. Cũng chính vì ý tưởng, đá khó mang đi di chuyển lại dễ vỡ, cồng kềnh, nghệ nhân Vỹ bắt đầu nghĩ tới việc phóng ảnh lên… lá. "Những chiếc lá bỏ đi, có thể là rác nhưng chúng ta lại biến nó thành tác phẩm nghệ thuật. Tính tôi thích lấy rác để kiếm tiền" – Nghệ nhân Vỹ cười.

Nói là vậy, nhưng để có được sự thành công từ thạch ảnh, diệp ảnh, nghệ nhân này đã phải bán nhiều căn nhà, đất ở Đà Nẵng thậm chí có lúc cầm cố cả xe để có thể tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật. "Không phải dễ để biến rác thành tiền đâu, cũng có những lúc tôi mệt mỏi nhưng với tôi nghệ thuật là phải sáng tạo. Nó phải là của mình và không giống một ai khác" – nghệ nhân Vỹ tâm sự. Chỉ mất hơn 1 năm, người nghệ nhân đầy tài hoa này đã thành công với tác phẩm diệp ảnh đầu tiên của cuộc đời. Những chiếc lá được ông Vỹ chọn in ảnh là lá bồ đề, lá de đỏ hay lá phong có ở Đà Lạt. Trước đây, ông thường rong ruổi lên Tây Nguyên, đến các chùa để xin lá về làm diệp ảnh. Sau này, ông tự trồng bồ đề trong khoảng sân nhỏ trước nhà.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 4.

Muốn in ảnh lên lá phải được ngâm trong nước hơn 1 tháng

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 5.

Trong khoảng sân nhỏ trước nhà, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ trồng nhiều cây để thu hoạch lá

Ở khoảng sân nhỏ của ông có nhiều chiếc thau nhỏ, bên trong chứa nước và lá. Theo nghệ nhân này, để làm nên tác phẩm diệp ảnh, lá phải được lựa chọn kỹ sau đó ngâm trong nước hơn một tháng. Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân này cho hay hiện tại ông chưa truyền nghề cho ai cả. Một tác phẩm diệp ảnh của ông bây giờ ngoài công đoạn ngâm lá ra thì có thể phóng ảnh lên trong khoảng từ 4 đến 6 ngày để cho ra một tác phẩm. "Nhìn đơn giản nhưng bức diệp ảnh này có thể giữ màu sắc nguyên gốc trong thời gian hơn 100 năm. Tôi làm cho khách và có thể bảo hành vĩnh viễn nghĩa là cả đời không phai màu ảnh" – Nghệ nhân Vỹ khẳng định.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 6.

Ông rất kỹ càng trong việc lựa chọn ảnh chân dung để đưa lên diệp ảnh. Một tác phẩm như thế này được ông bán với giá 6 triệu đồng

Người nghệ nhân này ngoài sáng tạo còn có đặc điểm là cực kỳ "kỹ tính". Có nhiều người muốn ông thực hiện chân dung bằng diệp ảnh nhưng ông từ chối vì cho rằng khách cung cấp ảnh không có "cái thần". Theo nghệ nhân này, mỗi người đều có một thần thái khác nhau và nếu bắt được "cái thần" thì bức ảnh mới đẹp. "Mà bức ảnh đẹp thì tôi mới thực hiện in lên lá, nếu xấu thì tôi không nhận. Tôi thích in ảnh do chính mình chụp hơn. Ví dụ để lấy chân dung của một người, tôi có thể phải chụp hơn 100 tấm ảnh chỉ để chọn 1 tấm" – ông Vỹ nói.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 7.

Ông có sở thích săn ảnh voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà để làm diệp ảnh

Nghệ thuật diệp ảnh của ông Vỹ đã nhiều lần được TP Đà Nẵng chọn làm quà lưu niệm cho các vị lãnh đạo các nước tới thăm. Trong năm 2018, ông Vỹ đã thực hiện diệp ảnh chân dung tổng thống Ấn Độ, Quốc vương Campuchia trong dịp 2 vị lãnh đạo này đến thăm Đà Nẵng. Ngoài ra, ông Vỹ còn thực hiện diệp ảnh vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 8.

Bản đồ đất nước được làm diệp ảnh

Dù đã ngấp nghé 70 tuổi nhưng nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ vẫn ấp ủ nhiều dự định. Trong đó ông mong muốn năm 2019, ông sẽ thực hiện một triển lãm diễn ra ở cả Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội trưng bày chân dung những người bạn, những người cùng làm nghệ thuật với ông.

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 9.

Toàn bộ phòng khách ở nhà nghệ nhân này là nơi để trưng bày các sản phẩm thạch ảnh và diệp ảnh

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 10.

Ông từng in ảnh chân dung toàn bộ thành viên trong gia đình của mình lên đá

Độc đáo nghệ thuật in ảnh lên lá - Ảnh 11.

Bằng xác lập kỷ lục là người làm thạch ảnh đầu tiên của Việt Nam

"Từ nhỏ tới lớn tôi đam mê những cái mới, thích làm những cái không giống người khác. Tôi tìm thấy viên đá tự nhiên không có viên nào giống viên nào, không có màu sắc nào giống màu sắc nào. Khát vọng của người nghệ sĩ là tìm kiếm những cái gì mới lạ và thế là tôi luôn đi tìm những điều mới lạ để thực hiện những tác phẩm của mình để không "đụng hàng" với bất cứ ai" – nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ.

Làm những tác phẩm mang tự hào dân tộc

Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ từng in thành công một ngàn chữ trên diện tích hòn đá gần 4 cm2. Đặc biệt, ông đã từng đưa các tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn Độc lập... lên từng viên sỏi nhỏ. Trong đó, tác phẩm Bình Ngô đại cáo, ông đã in lên thạch ảnh, diệp ảnh với ba ngôn ngữ khác nhau, tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung trên nền bản đồ đất nước Việt Nam, hoặc lấy nền là chân dung Nguyễn Trãi. Theo nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ, ông mày mò sáng tạo ra các tác phẩm trên nhằm truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử của đất nước để người dân thêm tự hào, bạn bè quốc tế biết đến.