xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Độc đáo tài danh khơi dòng văn hóa Việt

LÊ MINH QUỐC

Khi khảo cứu văn hóa Việt, hẳn chúng ta sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao

Với một đất nước có hơn 4.000 năm văn hiến, vấn đề văn hóa đã tác động thế nào trong đời sống tinh thần lẫn tâm linh của người Việt? Một câu hỏi có thể trả lời từ các tài liệu đâu đó. Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quát, cần sắp xếp và hệ thống chỉn chu. Công việc này, một cá nhân thực hiện, nếu thiếu sót hoặc còn phiến diện là lẽ tất nhiên. Nhưng không ai ngăn cản, thậm chí còn khuyến khích, nếu có người chú tâm làm việc khó nhọc này. Thật lòng nghĩ thế nên từ những năm 1998, tôi bắt đầu tìm kiếm tài liệu và nghiên cứu một cách có chủ đích.

Những câu hỏi thú vị

Trong quá trình này, có những câu hỏi thú vị đã đặt ra, thú thật, tôi không thể biết cách lý giải nhưng cũng nêu ra và mong rằng người sau sẽ tiếp tục đi tìm câu trả lời. Chẳng hạn, trong tâm thức của người Việt từ ngàn xưa đến ngàn sau đã tồn tại ý thức tín ngưỡng Tứ bất tử: Thánh Tản Viên, Đức Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh. Nhưng trước đó, ít ra từ thời Lê sơ (1428-1527), vị trí của Thánh mẫu Liễu Hạnh chính là Từ Đạo Hạnh - "Địa dư chí" của Nguyễn Trãi cho biết. Vậy lúc nào và tại sao có sự hoán đổi này? Nhà sử học Bùi Thiết cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Há chẳng phải một điều độc đáo còn đang thử thách giới nghiên cứu đó sao?

Thiết nghĩ, văn hóa của một dân tộc còn thể hiện rõ nét qua lãnh vực căn bản: ăn, ở, mặc - được đặt trong quá trình giữ nước và dựng nước. Dù cùng mục đích phục vụ cho đời sống của cư dân vùng miền đó nhưng chính nét văn hóa của từng dân tộc đã tạo ra sự dị biệt, nói cách khác văn hóa chính là sự quy định then chốt. 

Tôi nhận ra rằng có thể khẳng định toàn bộ tư tưởng văn hóa giữ nước của dân tộc ta suốt mấy ngàn năm gói trọn trong chữ "đánh", không bao giờ ươn hèn quỳ gối, mại quốc cầu vinh. Chiến lược dụng binh thiên tài của cha ông ta đánh giặc, còn là nghệ thuật "mưu phạt tâm công" (đánh vào lòng người) mà Nguyễn Trãi đã nêu bật trong "Bình Ngô sách". Và không chỉ lãnh vực này, nhìn sang các vị tổ ngành nghề, ta còn thấy cả yếu tố thần linh nữa. Nếu Lý Thường Kiệt vận dụng "Thơ thần" thì nhân dân cũng tôn thờ những nhân vật thần thoại như một cách biểu hiện cảm quan mỹ cảm, nếu tước bỏ là làm nghèo đi văn hóa Việt.

Độc đáo tài danh khơi dòng văn hóa Việt - Ảnh 1.

Nhà thơ, nhà khảo cứu Lê Minh Quốc với cuốn sách “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt” - công trình khảo cứu mới của ông. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Khi khảo sát, tôi nhận ra rằng thêm một điều rất đáng quý đã thuộc phẩm chất vẫn là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhờ nguồn" - hễ những ai có công truyền bá, cải thiện nghề nghiệp nhằm nâng cao đời sống thì thế hệ sau bao giờ cũng tôn vinh, biết ơn từ máu thịt. Mà các cống hiến đó phải nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đồng, cho tập thể bởi vì rằng, xin nêu trường hợp của Lê Trừng - một kỹ sư tài ba lỗi lạc đã chế ra súng thần cơ sang pháo nhưng khi bị bắt sang Trung Quốc lại truyền "bí kíp" cho quân đội nhà Minh sử dụng chống lại cuộc kháng chiến của anh hùng Lê Lợi thì nhân dân không tôn vinh tổ nghề. Có thêm một điều độc đáo nữa là các ngành nghề, trải qua năm tháng, chính người Việt đã bổ sung, ngày một hoàn thiện hơn.

Văn hóa là tiến trình vận động

Như ta đã biết văn hóa là tiến trình vận động. Vào cuối thế kỷ XX, lịch sử cận đại nước nhà đã ghi nhận sự thay đổi khốc liệt trong mọi sinh hoạt văn hóa, thưởng thức nghệ thuật, có thể lấy từ cột mốc năm 1858 - khi liên minh Pháp, Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Sau khi người Pháp chiếm lấy nước Nam, đặt ách đô hộ thực dân, theo đó là du nhập văn hóa phương Tây. Ban đầu, người Việt yêu nước dị ứng với những thứ "xa lạ" đó nhưng dần dần lại thích ứng với những tiện ích, văn minh, nhu cầu tự thân, cần dùng đến, phải dùng đến. Những gì tiên tiến của người ta đem lại, người Việt cũng tiếp nhận - một nhận thức mới trong thời buổi giao thoa Pháp - Việt. Chính nó đã từng bước dẫn đến thay đổi mỹ cảm, tâm lý sử dụng của người Việt trong sinh hoạt hằng ngày và có tác động dẫn đến sự thay đổi trong văn hóa nói chung.

Vậy, những bậc tài danh nào đã tiếp thu và có công khơi dòng văn hóa mới như một cách đặt nền móng từ thuở ban đầu? Để có được câu trả lời, tất nhiên, tôi phải thừa kế, tiếp thu và chọn lọc từ nhiều nguồn tài liệu của người đi trước đã nghiên cứu. Trong chừng mực nào đó, tôi bổ sung thêm những thông tin mới. Chẳng hạn, lâu nay nhiều người cho rằng "Một kiếp hoa" của Nguyễn Văn Tuyên là ca khúc đầu tiên được công bố trên báo chí nước nhà. Thật ra, vinh dự này thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với "Bình minh", phổ thơ Thế Lữ, in trên Báo Ngày Nay số 121 (31.7.1938)...

Khi khảo cứu văn hóa Việt, hẳn chúng ta sung sướng nhận ra người Việt mình cực kỳ cầu tiến và luôn có suy nghĩ tích cực là một khi tiếp thu giá trị văn hóa mới bao giờ cũng chọn lọc, cải tiến, nâng cao những gì mình đã có; nếu chưa có thì làm theo nhưng vận dụng phù hợp với tâm lý, tính cách của dân tộc mình, tùy vào điều kiện thực tế. Việc làm của các tài danh như Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa… chế tạo súng hiện đại; bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch… bào chế thuốc Tây là một trong những ví dụ hùng hồn. Rồi nhìn sang cải lương, kịch nói, xiếc, mỹ thuật…, ta thấy những gì?

Đi tìm câu trả lời, tôi đã dành cả hàng chục năm hoặc nhiều hơn nữa nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh, đầy đủ. Tuy nhiên, có một điều thích thú khi nghĩ rằng công việc của mình dẫu còn thiếu sót thì người sau sẽ hoàn thiện bổ sung thêm miễn là trong quá trình đó ta luôn tự nhủ lòng: "Chẳng phải công đâu, may khỏi tội/Bao nhiêu chữ đó, bấy nhiêu tâm" (Phan Bội Châu). 

Nguồn cổ xúy trực tiếp cho sự phát triển

Đã từ lâu, tôi ghi trong sổ tay câu nói của ông Federico Mayor Zaragoza (Tổng Giám đốc UNESCO giai đoạn 1987- 1999): "Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế và văn hóa; tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy, phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động cơ và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa... Từ nay trở đi, văn hóa cần coi mình là một nguồn cổ xúy trực tiếp cho phát triển; và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo