Sự kiện do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý của các đại biểu là chuyên gia, nhà sản xuất, nhà phát hành, đạo diễn… để đưa ra các tiêu chí xây dựng thông tư phù hợp.
Thông tư nhằm phân loại phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, địa điểm chiếu phim công cộng và các phương tiện nghe - nhìn khác. Thông tư cũng hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim.
Theo dự thảo mới nhất của thông tư, các mức phân loại phim sẽ gồm có: Loại P - phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại T18 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại T16 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T13 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại K - phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại C - phim không được phép phổ biến.
Cảnh trong phim “Mặt trời khuyết” thuộc thể loại phim hình sự, trinh thám đang được dư luận quan tâm. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Mức phân loại K là mức phân loại mới so với hệ thống phân loại phim hiện hành trước khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua. Mức phân loại mới này cũng góp phần giúp nhà làm phim mở rộng lượng khán giả đến với tác phẩm của mình.
Việc đánh giá, phân loại từng phim dựa vào mức độ chênh lệch xoay quanh các yếu tố chính gồm: Chủ đề - nội dung; bạo lực; khỏa thân - tình dục; ma túy - các chất kích thích - gây nghiện; kinh dị; hình ảnh - âm thanh - ngôn ngữ thô tục; hình ảnh nguy hiểm dễ bắt chước và yếu tố khác. Về việc hiển thị mức phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh thông báo công khai đến khán giả tại rạp chiếu phim.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc góp ý cần định lượng cụ thể, rõ ràng hơn nữa trong các tiêu chí giữa các mức phân loại phim được đưa ra trong thông tư, nhất là giữa T16 và T18. Càng cụ thể, nhà làm phim cũng như các cơ quan cấp phép duyệt phim được trao quyền sau này cũng dễ dàng trong việc phân loại, tránh tranh cãi.
Đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan góp ý: "Phim kinh dị hiện được nhà làm phim khai thác nhiều vì thế cần thông tư nêu rõ về phần định lượng, như bao nhiêu phần trăm thời lượng của phim được gọi là thường xuyên, bao nhiêu phần trăm là kéo dài".
Nhiều ý kiến cũng đề nghị về vấn đề chế tài những đơn vị phát hành nếu không tuân thủ việc phân loại; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần thiết kế bộ dán nhãn phân loại thống nhất để tạo sự đồng bộ.
Bình luận (0)