Dự thảo 3 của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra đóng góp ý kiến tại hội thảo, ban soạn thảo đề xuất bổ sung tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi. Cụ thể, trong điều 27 về phân loại phim theo độ tuổi sẽ có thêm mức phân loại PG - phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) với điều kiện có cha mẹ hoặc người giám hộ đi theo. Mức C21 sẽ cấm người dưới 21 tuổi đi xem phim.
Hiện tại, điện ảnh Việt có các mức phân loại: P - phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả, C13 - phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13, C16 - phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16, C18 - phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18, C - phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất thêm mức phân loại PG nhưng lại cho rằng C21 không phù hợp trừ khi chúng phải thực sự thoáng, mở hết cỡ so với mức phân loại C18. Nếu không, việc có thêm C21 sẽ làm rối thêm cho phía kiểm duyệt cũng như nhà sản xuất lẫn phía phát hành trong việc quản lý đối tượng khán giả đến thưởng thức phim. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhận định: "Dự thảo đề xuất mức phân loại C21 với tiêu chí phim sẽ có những cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với C18. Tuy nhiên, đây chỉ mới là dự kiến để xin ý kiến, góp ý".
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành CGV Việt Nam, cho rằng: "Thực tế, tiêu chí phân loại C21 không phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và trình độ nhận thức của người Việt, bởi người đủ 18 tuổi được pháp luật xem là người thành niên. Do đó, chúng tôi đề xuất bỏ tiêu chí phân loại C21 như dự thảo 3".
Đại diện Công ty CP Phim Thiên Ngân (Galaxy) nhận định mức phân loại C21 sẽ làm hạn chế khả năng đưa phim điện ảnh đến khán giả nên không cần mức phân loại này và đề nghị quy định thông thoáng hơn cho C18, vì đây cũng là độ tuổi thành niên theo quy định pháp luật Việt Nam. Ngoài góp ý phân loại phim, các đại biểu còn góp ý thẩm quyền phân cấp cho địa phương cấp phép duyệt phim, phổ biến phim trên môi trường mạng, thành lập và vận hành quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…
Luật Điện ảnh năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và đưa vào thực thi 14 năm, bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh. Năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), được Chính phủ thông qua. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 44 điều.
Bình luận (0)