NSƯT Lê Tứ, NSƯT nhạc sĩ Nguyễn Văn Môn, nghệ nhân Huỳnh Tuấn đã có một chuyến lưu diễn sang Pháp, mang đờn ca tài tử (ĐCTT) trong nước giao lưu cùng các nghệ sĩ Việt tại thủ đô Paris.
Giữ gìn cội nguồn
Không phải đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ trong nước sang Pháp biểu diễn nghệ thuật ĐCTT. Trước đó, rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã đến Paris, phối hợp với các nghệ sĩ kiều bào tổ chức thành công nhiều chương trình nghệ thuật cải lương, ĐCTT.
Nhóm "Cội nguồn" của nghệ sĩ Trúc Tiên (kiều bào tại Pháp) cùng các nghệ sĩ trong nước đã tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả Paris, lan tỏa tinh thần cùng chung tay gìn giữ nghệ thuật cổ truyền của ông cha.
NSƯT Lê Tứ cho biết cách kể chuyện về "Kiều" bằng nhạc kịch Việt và ĐCTT đã được công chúng người Việt và cả khán giả Pháp cổ vũ nồng nhiệt. "Đó là niềm hạnh phúc rất lớn của chúng tôi, với sự phối hợp giữa nghệ sĩ trong nước và kiều bào. Nhóm "Cội nguồn" là những nghệ sĩ mang trong mình sứ mệnh cùng chung sức gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Các nghệ sĩ đều có việc làm riêng nhưng hễ có dịp là quy tụ lại thì cùng nhau thực hiện những đêm nghệ thuật ý nghĩa" - NSƯT Lê Tứ cho hay.
Chương trình “Kiều” tại Paris - Pháp được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Nghệ sĩ Cung Thị Ngọc Phượng (học cùng lớp với NSƯT Thành Hội, Minh Hạnh), thành viên tham gia chương trình "Kiều", cho biết: "Suốt ba giờ Truyện Kiều được kể lại bằng âm nhạc ĐCTT của Việt Nam cùng dàn nhạc tân, được thể hiện bằng hai ngôn ngữ Việt - Pháp".
"Kiều" bằng nhạc kịch Việt và ĐCTT do nghệ sĩ Trúc Tiên biên soạn kết hợp hài hòa giữa 3 bài tân nhạc sáng tác riêng cho "Kiều" bởi nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu, với dàn nhạc tây như violon, trompette, saxophone của ban nhạc Souppaya và dàn nhạc cổ do các nhạc sĩ từ Việt Nam sang. "Nghệ sĩ Trúc Tiên xuất sắc trong vai Thúy Kiều. Giọng ca ngọt ngào, lối diễn xuất chân thật của cô làm khán giả khóc hết nước mắt trước thân phận gian truân của nàng Kiều" - nghệ sĩ Cung Thị Ngọc Phượng thông tin.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM) - người có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ - cho biết vào đầu thế kỷ XIX người Pháp đã biết đến ĐCTT qua buổi trình diễn của nhóm ông Tư Triều trong Hội chợ đấu xảo Marseille.
Hơn 100 năm sau tại đất Pháp, nhiều nhóm nghệ sĩ yêu nước đã tiếp tục lan tỏa ĐCTT, giúp giới trẻ hiểu hơn về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, qua đó cùng chung sức gìn giữ cội nguồn.
Vị thế mới cho ĐCTT
Góp mặt trong chuyến lưu diễn tại Pháp lần này là NSƯT nhạc sĩ Văn Môn chuyên về guitare phím lõm và nghệ nhân Huỳnh Tuấn đàn sến, hòa cùng các nhạc sĩ Việt ở Paris như: Thu Thảo (đàn tranh), Mai Thành Nam (trống, thổi sáo), Tố Lan - người dẫn truyện với 2 ngôn ngữ Việt - Pháp.
Theo kế hoạch, vở "Kiều" lẽ ra được công diễn ở Pháp năm 2020 nhưng do dịch bệnh phải dời đến năm nay và dịp này nhóm nghệ sĩ thực hiện đã đưa vào nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, mang lại cho khán giả những trải nghiệm thú vị về "Kiều" khi kết hợp giữa nhạc kịch và ĐCTT. "Khán giả đến xem đã không ngớt lời khen. Khán phòng với sức chứa 500 ghế đã bán hết vé không còn chỗ trống, có những khán giả chấp nhận đứng suốt mấy giờ để xem biểu diễn" - NSƯT Văn Môn phấn khởi.
Góp phần lớn cho thành công của nhạc kịch và ĐCTT "Kiều" không thể không nhắc đến nghệ sĩ Trúc Tiên, cô lớn lên ở Pháp nhưng tâm hồn luôn hướng về Việt Nam, cô luôn đau đáu việc gìn giữ văn hóa Việt ở Pháp. Nghệ sĩ Trúc Tiên vừa là người biên soạn kịch bản, đạo diễn, diễn viên chính của nhạc kịch và ĐCTT "Kiều".
Nghệ sĩ Trúc Tiên đã từng tổ chức thành công các chương trình "Dạ" (2017), "Thương" (2018), "Lục Vân Tiên" (2019) và đến nay là "Kiều" (2022).
Có thể nói "Kiều" đã tạo vị thế mới cho sự xuất hiện của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên đất Pháp, cũng là nơi đặt trụ sở của tổ chức UNESCO - tổ chức vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được công nhận năm 2013.
Bình luận (0)