Thế nhưng, còn tùy ngữ cảnh nữa, chẳng hạn, một người hỏi: "Ủa, họp mặt đông đủ thế này, X đi đâu, sao không thấy?", câu trả lời: "X đã về buôn". Có thể hiểu, X đã về nhà lo chuyện buôn bán của mình chăng? Chắc gì. Buôn còn là từ mà người dân tộc thiểu số còn dùng để chỉ làng, bản, không liên quan gì đến "Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện", "Buôn ngược bán xuôi"…
Đã buôn thì bán, tất nhiên, nhưng ta hãy nghe câu đối thoại này, chẳng hạn A hỏi B: "Ủa, họp mặt đông đủ thế này, X đi đâu, sao không thấy?", B trả lời: "X đi bán muối rồi". Chẳng phải buôn với bán gì cả. Đơn giản X đã "ngủm củ tỏi", đã "đi tàu suốt", đã "đi hụi nhị tì", nói cách khác là X đã "ăn muối/ ăn bùn/ ăn đất"… Các từ này, dù khi nói không thể hiện ra ngoài mặt biểu cảm của bất kỳ sắc thái nào, nhưng ta hoàn toàn có thể biết thái độ, cảm nghĩ dành cho X.
Xét ra từ buôn cũng "rắc rối" lắm đây, bằng chứng là trong cuốn "Bên lề sách cũ" (NXB TH TP HCM-2013), học giả Vương Hồng Sển cho biết chính Trương Vĩnh Ký đã viết trong Tiểu địa dư: "Lá buôn là bối diệp; lá buông là hồng diệp". Rõ ràng hai loại lá khác nhau, đó là "lá buôn dùng để chép kinh; lá buông dùng lợp nhà, làm quạt"… Thế nhưng khi tra tự điển hiện nay, ta chỉ thấy có mỗi từ "lá buôn", chẳng hạn, "lá buôn: thứ lá trắng người ta hay dùng mà dệt đệm buồm" - "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895), "lá buôn dùng dệt buồm" ("Việt ngữ chính tả tự vị"-1959 của Lê Ngọc Trụ). Rất tiếc hiện nay "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) lại bỏ sót từ buôn/ lá buôn theo nghĩa này.
Trong câu tục ngữ : "Bán đong buông, buôn đong be" thì buông là gì? Là thả, tỉ như "Buông sào bỏ lái", "Buông tay cỏ, bỏ tay gầu"… ta hiểu là không giữ lại nữa, cho vật đó rời khỏi tay. Từ "đong" trong ngữ cảnh này, cho biết đó là động tác dùng cái lon, lon bơ/ lon gạo đong/ đựng, chẳng hạn, đong gạo/ đong đậu. Khi bán, đong một cách bình thường gọi là "đong buông", được bao nhiêu là được, không thêm không bớt. Nhưng khi mình đi mua thì không thể buông mà phải be. "Be: Đong cái gì đã đầy rồi lại dùng ngón tay ngăn lại không cho rơi lăn xuống" ("Việt Nam tự điển"-1931), tức số lượng nhiều hơn.
Qua động tác "buông" và "be" trong ngữ cảnh này, ta có thể thấy cách đong trong mua bán không chỉ ngày trước, mà, nay vẫn thế.
Bình luận (0)