Dù chưa chính thức khai mạc nhưng Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM đã có nhiều hoạt động thu hút người quan tâm.
Sáng 4-2, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức buổi toạ đàm "Dòng thơ giữa phố", bàn về sức sống thi ca giữa đô thị. Buổi tọa đàm nhận được sự hưởng ứng, bàn luận sôi nổi từ các nhà thơ nhiều thế hệ, các nhà nghiên cứu, người yêu thơ.
Tại buổi toạ đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng TP HCM tuy có lực lượng sáng tác thơ được bổ sung và tiếp nối thường xuyên, tạo ra một dòng chảy văn hoá, tạo ra nhiều khuynh hướng thẩm mỹ nhưng thành tựu thi ca vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và đánh giá đúng mức.
Nhà thơ Trần Đức Tín chia sẻ tại buổi toạ đàm
Với nhà thơ Trần Đức Tín, thơ trẻ không hoàn toàn trầm lắng mà sôi động, cập nhật và thay đổi hằng ngày theo tiến độ phát triển của thành phố. Thách thức lớn nhất của người trẻ lăn xả với văn chương là sự đánh đổi giữa sự nghiệp, công việc hằng ngày với con chữ nên nhiều người còn e dè, thiếu tâm huyết.
Nhiều nhà thơ cũng trăn trở liệu thơ ca thành phố có thể xuất khẩu và đến với độc giả quốc tế hay không? Làm sao để thơ Việt dịch ra các thứ tiếng mà vẫn giữ được tinh thần của tác giả?...
Suốt buổi toạ đàm, dù nhiều giải pháp và ý kiến tranh luận được đưa ra nhưng chưa đi đến được tận cùng gốc rễ. Để thơ ca vươn tầm, cần nhiều hơn sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, cùng nhiệt huyết sáng tác bền bỉ của người cầm bút.
Nhà thơ Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, nhận định thơ ca đã là một phần của lịch sử, đồng hành với dân tộc. Cái gốc của thơ là tình và thơ vẫn chảy âm ỉ, có đời sống riêng của nó.
Tối 4-2, lễ hội Nguyên tiêu và Đêm thơ Việt Nam năm 2023 đã diễn ra tại công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM) với chủ đề "Gieo vần yêu thương - Sức sống ngày mới".
Đêm thơ năm nay gồm hai phần: "Thơ ca truyền thống: Gieo vần yêu thương" và "Thơ ca hiện đại: Sức sống ngày mới".
Phần thơ ca truyền thống gồm nhiều tiết mục như: hoạt cảnh đối thơ "Trẩy hội Nguyên tiêu", thơ múa "Dáng sen", chùm thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bài "Người đi tìm hình của nước", "Bài thơ Nguyên tiêu", đờn ca tài tử - ngâm thơ lục bát "Về miền Tây", đồng dao "Úp lá khoai", "Chi chi chành chành", "Trâu ơi ta bảo trâu này"...
Ngâm thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thơ ca hiện đại được trình diễn độc đáo như: Ngâm thơ và trình diễn ca khúc "Áo lụa Hà Đông", thơ và rap "Chú bé loắt choắt" lấy cảm hứng từ bài thơ "Lượm" của Tố Hữu...
Không khí lễ hội Nguyên tiêu với cảnh sắc đất trời chào xuân, lồng đèn sáng đỏ khắp nơi, người người đi trẩy hội, trống lân rộn rã... được khắc hoạ sinh động, đặc sắc. Đó là tình yêu thiên nhiên, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình yêu gia đình trong nghệ thuật thơ ca, tình yêu đôi lứa chan hòa với tình yêu quê hương và sự hồn nhiên của trẻ thơ qua những khúc đồng dao quen thuộc...
Bên cạnh đó là các màn biểu diễn thể hiện tình yêu, sự tự hào về thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình. Đồng thời, tưởng nhớ những người dân đã mất vì COVID-19, gửi lời tri ân đến những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.
Bình luận (0)