Sau hơn 2 năm khởi công và xây dựng, nhà trưng bày Hoàng Sa (tọa lạc ở góc ngã ba Hoàng Sa - Phan Bá Phiến, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã hoàn thành. Nơi đây sẽ là nơi lưu giữ lại toàn bộ lịch sử về quần đảo Hoàng Sa, khẳng định một lần nữa với bạn bè trong nước và quốc tế rằng "Hoàng Sa là của Việt Nam".
Nơi Việt Nam khẳng định chủ quyền biển đảo
Được khởi công xây dựng vào cuối năm 2015, đến nay công trình nhà trưng bày Hoàng Sa đã hoàn thành và được UBND TP Đà Nẵng tổ chức khánh thành vào ngày 28-3. Công trình được thiết kế, xây dựng trên phương án kiến trúc mang chủ đề "con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam" theo đồ án của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang. Đồ án này đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc nhà trưng bày Hoàng Sa năm 2014.
Ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc phụ trách nhà trưng bày Hoàng Sa, cho hay trong 3 tầng nổi của nhà trưng bày sẽ trưng bày tư liệu, hiện vật theo 5 chủ đề gồm: vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn, Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam vào thời Nguyễn, Hoàng Sa trong thời Pháp thuộc, Hoàng Sa từ năm 1975 đến nay. Mỗi chủ đề gồm có nhiều mục, tất cả đều có giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho rằng công trình nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng một cách sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế. Đây cũng là nơi giáo dục về biển đảo với hơn 200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh, được tổ chức trưng bày thông suốt, xâu chuỗi, phản ánh cả quá trình lịch sử chủ quyền theo chiều lịch đại, từ những ngày đầu khi các Chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền đến thời điểm hiện nay.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, vị chủ tịch đầu tiên của huyện đảo Hoàng Sa được cho là người lên ý tưởng đầu tiên để xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa này. Theo ông Ngữ, ý tưởng này được thực hiện bởi những người có tâm huyết với Hoàng Sa. Trong quá trình đi thu thập tài liệu, hiện vật và gặp gỡ các nhân chứng đã từng sống ở Hoàng Sa, ông Ngữ nảy sinh ý định đưa các tư liệu, hiện vật trên ra giới thiệu với công chúng, với bạn bè thế giới.
Theo ông Ngữ, sở dĩ mô hình thiết kế chủ đề "con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam" được chọn bởi nó mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử. Trong đó, có con dấu thời vua Minh Mạng hình vuông, cột mốc xuyên suốt từ dưới lên trên. Phía trước là lá cờ Tổ quốc dùng điện tử thắp sáng cả ngày cả đêm tựa như một hải đăng trên biển.
Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm bên bờ biển Đà Nẵng hướng về quần đảo Hoàng Sa với hình con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam
Kéo Hoàng Sa về đất liền
Nhiều tư liệu tại nhà trưng bày là các hiện vật, các bản đồ được những người có tâm huyết, có cả kiều bào nước ngoài sưu tầm. Trong đó, Việt kiều Trần Thắng là người sưu tầm nhiều bản đồ cổ, có cả bản đồ cổ của Trung Hoa từ năm 1808 đến 1833 xác định lãnh thổ của Trung Hoa cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam. Tư liệu tại nhà trưng bày cũng cho thấy trong thời nhà Nguyễn, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền của mình dưới thời vua Minh Mạng. Cụ thể là vào năm 1838, vua Minh Mạng đã có triện cử thành lập một đội Hoàng Sa. "Tất cả những hiện vật này đều khẳng định việc quản lý của nhà nước ta đối với Hoàng Sa là liên tục và đầu tiên" - ông Ngữ nói.
Ông Ngữ cho rằng với lá cờ Tổ quốc thắp sáng phía trước nhà trưng bày, những ngư dân ở biển Đông bất cứ giờ nào nhìn vào cũng thấy Hoàng Sa. "Chúng tôi muốn thông điệp đó đến với mọi người. Trong nhà trưng bày còn có ngọn lửa vĩnh cửu, thắp lửa nhiệt tình, kêu gọi đưa Hoàng Sa về Việt Nam" - ông Ngữ nói.
Ông Ngữ cho biết theo kế hoạch, chiếc tàu ĐNA 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (chủ tàu cá ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa vào năm 2014 cũng sẽ được đưa ra đặt trước nhà trưng bày. Theo ông Ngữ, đó là minh chứng sống hùng hồn nhất chứng tỏ chúng ta đã đấu tranh liên tục với Trung Quốc để khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa. "Chúng tôi muốn gửi gắm cho mai sau thông điệp rằng chúng ta phải có trách nhiệm với Hoàng Sa. Tất cả người dân Việt Nam đều có mong muốn lớn nhất là làm sao kéo Hoàng Sa về đất liền. Tức là ở trong đất liền phải có đất, có dân để tiếp tục câu chuyện đấu tranh đòi chủ quyền của mình, đấu tranh giành lại Hoàng Sa" - ông Ngữ trải lòng.
Bình luận (0)