Du khách Ấn Độ gảy đàn bầu do giảng viên Nguyễn Hoàng Linh hướng dẫn
Sáng 11-12, tại Bưu Điện TP HCM, đông đảo khán giả, trong đó có du khách đã cổ vũ nồng nhiệt chương trình Giới thiệu nhạc cụ dân tộc và sân khấu cải lương do Trường Đại học FPT TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức.
Giảng viên Vũ Kim Yến (phụ trách bộ môn Nhạc cụ dân tộc Trường ĐH FPT TP HCM) - người sáng lập chương trình ý nghĩa này đã giới thiệu với khán giả tại không gian văn hóa Bưu Điện TP HCM xuất xứ và tính năng của các loại nhạc cụ dân tộc mà Trường ĐH FPT TP HCM đã đưa vào giảng dạy gồm: bầu, tranh, sáo, nguyệt và tỳ bà.
Hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại Bưu Điện TP HCM do Trường ĐH FPT TP HCM tổ chức
Nhiều du khách nước ngoài đã trầm trồ thích thú khi cùng lên sân khấu thử gảy đàn bầu. Những câu đố vui như: nghe giai điệu từ nhạc cụ dân tộc đoán tên bài hát; giới thiệu ngắn về các loại nhạc cụ dân tộc Việt mà bạn biết… đã thu hút du khách cùng tham gia.
Giảng viên Vũ Kim Yến - phụ trách bộ môn nhạc cụ dân tộc Trường ĐH FPT TP HCM - người sáng lập và thực hiện chương trình ý nghĩa này
Giảng viên Vũ Kim Yến cho biết hoạt động ý nghĩa này đã được đưa vào học đường qua nhiều chương trình tổ chức từ đầu năm học 2022 tại các trường cấp 2, cấp 3 tại TP HCM, TP Thủ Đức. "Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ đồng hành của Nhà hát Trần Hữu Trang để giới thiệu thêm về nét đẹp của sân khấu cải lương với các trích đoạn, ca cảnh về lịch sử hào hùng của dân tộc. Khán giả tại Bưu Điện TP HCM đã mang lại cho chúng tôi thêm động lực để tiếp tục làm công tác lan tỏa, gìn giữ những nhạc cụ dân tộc mà thế hệ tiền nhân đã sáng chế" - Giảng viên Vũ Kim Yến nói.
Từ trái sang: NS Nguyễn Nhuận, Võ Hoài Long, soạn giả Phạm Văn Đằng, giảng viên Vũ Kim Yến, nghệ sĩ Diệp Duy tại không gian văn hóa Bưu Điện TP HCM
Nghệ sĩ Võ Hoài Long (người diễn vai Nguyễn Hữu Cảnh) chia sẻ: "Tôi rất hãnh diện khi lần đầu tiên phục vụ du khách quốc tế đến tham quan TP của chúng ta. Nhiều du khách đã xin chụp ảnh với tôi, họ bày tỏ sự thích thú khi biết rõ hơn về ý nghĩa của chương trình nhằm quảng bá những tác phẩm sân khấu cải lương viết về sử Việt".
Đông đảo du khách xem chương trình giới thiệu Nhạc cụ dân tộc do Trường ĐH FPT TP HCM tổ chức tại Bưu điện TP HCM sáng 11-12.
Soạn giả Phạm Văn Đằng - người sáng tác "Bài ca mở cõi" - cho biết hoạt động này cho anh thêm niềm tin để tiếp tục viết thêm nhiều ca cảnh, kịch bản cải lương. "Đưa nhạc cụ dân tộc, đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với công chúng là trọng trách của người nghệ sĩ hôm nay. Tôi cảm ơn sự phối hợp ý nghĩa của Trường ĐH FPT TP HCM trong giai đoạn cần nhân rộng mô hình giúp giới trẻ, du khách hiểu về cội nguồn văn hóa Việt".
Nhà chế tác nhạc cụ dân tộc Phùng Ngọc Thúy (tiệm đàn Đức Ngân) tham gia biểu diễn giao lưu với nhạc cụ Tỳ Bà
Sáng 18-12, chương trình Giới thiệu nhạc cụ dân tộc và sân khấu cải lương sẽ tái diễn tại Bưu Điện TP HCM, cũng như từ ngày 12 đến 22-12 sẽ diễn tại các trường: THCS Hoa Lư, THPT Dương Văn Thì, Tiểu học Lê Văn Việt, Tiểu học Nguyễn Hiền, Tiểu học Phước Bình, Tiểu học Linh Chiểu (TP Thủ Đức).
Bình luận (0)