Nói theo ngôn ngữ bây giờ là nên đi du lịch cho người khôn ra: "Chơi cho biết thói biết người/ Xông pha gió bụi, vẽ vời non sông/ Ấy chẳng phải chơi không vô ích/ Chơi rồi đem sự tích viết ra" (Tỉnh quốc hồn ca). Không biết lời kêu gọi này có ảnh hưởng tới lớp trẻ tân học hay không, mà đọc lại Tạp chí Nam Phong (số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1-7-1917), tôi thấy có nhiều bài du ký, đại thể như: "Hạn mạn du ký" của Nguyễn Bá Trác, "Lại tới Thần kinh" của Nguyễn Tiến Lãng; "Mười ngày ở Huế", "Một tháng ở Nam kỳ" và nhất là "Pháp du hành trình nhật ký" của Phạm Quỳnh…
Nhưng đến thời của Phan Quang có khác, khác lắm. Nhờ cách mạng, nhờ đất nước được độc lập tự do, bước chân của Phan Quang đạp lên nhiều vùng miền trên thế giới và ông "đã đem sự tích viết ra" phục vụ người đọc.
Hầu hết các du ký này đã đăng trên báo, in vào sách, nhưng nay Nhà Xuất bản Văn học liên kết với Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A, chọn 50 tác phẩm đưa người đọc đi qua các nước và châu lục, như Pháp, Bỉ, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Úc, châu Á… lấy tên chung: "Tiếc nuối hoa hồng", kèm theo hình ảnh cụ thể, chứ không du ký trong phòng làm việc.
Gần 700 trang in, khổ lớn (16x24) nhưng đọc không thấy ngán, vì Phan Quang là nhà báo chuyên nghiệp và là nhà văn chuyên nghiệp, lại tinh thông ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp. Trong 50 du ký này, có một số bài tôi đã đọc nhưng nay đọc lại cũng thấy thú vị, cứ như mới, bởi vì ngoài ngôn ngữ báo chí, người đọc còn thấy ngôn ngữ văn học trong từng tác phẩm của ông.
Chẳng hạn, đến Paris, ông viết: "Paris vẫn thế thôi, không lạ mà lại lạ. Paris thời nào cũng như thời nào, hầu như không mấy thay đổi, Paris vẫn thế: đẹp sang, trang trọng, cổ kính. Đồng thời, Paris lúc nào cũng có cái mới đủ để làm khách quen không nhàm và những người mới tới đây lần đầu cảm thấy thú vị" (tr.193).
Từ kiến thức của ông, người đọc biết thêm rằng điều gì đã làm nên một Paris như thế, dẫu trước đây nó cũng lầy lội "chắc là giống hệt kinh thành Thăng Long ta xưa mỗi khi gió mùa về, mưa sụt sùi cả tháng" (tr.194).
Khi đến xem Bảo tàng Bến Branly, ông xúc động trước những di vật của Việt Nam được trưng bày, từ "cây dao phát rẫy của đồng bào Xrê (Lâm Đồng), đến chuôi dao là một khúc tre già như hình con rắn lượn có bọc da trâu bên ngoài" (tr.216)… nhưng ông có cái nhìn tỉnh táo của con người văn hóa: "Lịch sử bao giờ cũng có lắm chuyện vui buồn. Khi chủ trương tạm khép lại quá khứ, người Việt Nam ta vẫn ngỏ lời cảm tạ những ai đã gìn giữ những báu vật này khỏi sự tàn phá của thời gian và chiến trận, để hôm nay mang ra trưng bày trang trọng cho khách du đến từ mọi nước, trong đó có tác giả bài này, được dịp tận mắt ngắm nhìn, cho dù các hiện vật ấy đã "ra đi" bằng cách nào…" (tr.218).
Tập du ký “Tiếc nuối hoa hồng” (Ảnh: NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC)
Người đọc sẽ thú vị cùng Phan Quang "Vui cùng các nàng geisha": "Một điệu dân ca nỉ non, trầm bổng, nghe nói điệu thức này vốn có từ xưa, xưa lắm, tôi tạm dịch lời như sau:… Nhấp chén rượu vào môi/ Chàng cầm cây thương ra múa/ Đường thương đi như làn gió thoảng/ Chén rượu này là hơi thở dài/ Hay cái ly này đang đầy nước mắt em?" (tr.495).
Tâm sự này dễ làm trái tim người nghe thổn thức. Khi ra về, ông hỏi tên "em maiko bé bỏng suốt buổi tối ngồi bên cạnh mình". Em chìa ra tấm danh thiếp nhỏ như quân bài tam cúc của ta. Nhưng rồi ông biết: "Các nàng thường chọn những từ thơ mộng làm tên hiệu. Không bao giờ khách có thể biết rõ các nàng tên họ thật là chi, quê quán ở đâu" (tr.497), nếu chàng còn nhớ thì cứ đến quán này tìm em. Thật thú vị!
Nhìn chung, tập du ký "Tiếc nuối hoa hồng" rất đáng đọc và nên đọc để mở rộng tầm nhìn, thêm kiến thức cho bản thân, bởi không phải cũng có dịp đi du lịch nước ngoài và nếu có đi cũng khó đủ kiến thức cũng như điều kiện để hiểu nơi mình đến như nhà báo Phan Quang.
Bình luận (0)