Đầu tư lớn cho bối cảnh phim Việt để làm nổi bật cảnh đẹp Việt Nam trên màn ảnh rộng đang là xu thế mà các đạo diễn trong nước hưởng ứng. Chiến lược này đòi hỏi có chính sách hỗ trợ đặc biệt, để các nhà làm phim sáng tạo, khai thác tối đa cảnh đẹp đất nước để vươn ra thế giới sau đại dịch Covid -19.
Tận dụng phong cảnh, văn hóa Việt
Đưa cảnh đẹp Việt Nam vào điện ảnh thay vì dàn dựng cảnh giả tại phim trường hoặc ra nước ngoài thực hiện bối cảnh ảo vừa không chân thực sống động cho phim, vừa tốn kém về chi phí đầu tư đang là xu thế tất yếu. Nhìn lại hiệu ứng tích cực của các bộ phim do đạo diễn trong nước đã thực hiện như: "Tấm Cám chuyện chưa kể", "Cô Ba Sài Gòn", "Song Lang", "Hai Phượng", "Trạng Tí", "Người bất tử", "Anh thầy ngôi sao", "Gái già lắm chiêu V", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Chuyện của Pao", "Mắt biếc"… hoặc các bộ phim quốc tế đình đám quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới của đạo diễn nước ngoài như: "Người tình", "Đông Dương", "Người Mỹ trầm lặng", "Kong: Đảo đầu lâu"… đã góp phần xúc tiến việc quảng bá nhiều điểm du lịch Việt Nam đối với du khách thế giới.
Cảnh trong phim “Gái già lắm chiêu V” - Bạch Trà Viên trong cung An Định - Huế đã trở thành điểm du lịch được nhiều người tìm đến. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
NSND Đào Bá Sơn cho rằng bối cảnh đẹp của đất nước được chọn lọc đưa vào phim truyện đem đến cho hàng triệu khán giả khắp nơi biết thêm về các đặc điểm vùng miền và nền văn hóa khác nhau suốt chiều dài đất nước. "Hiệu quả kép là tạo sự thích thú cho người xem và kích thích sự mong muốn được đến vùng đất đó sau đại dịch" - NSND Đào Bá Sơn nói.
Theo các nhà chuyên môn, thế mạnh của điện ảnh so với các ngành nghệ thuật khác chính là khai thác ngôn ngữ điện ảnh bằng cảnh đẹp thiên nhiên. Nhờ sở hữu nhiều cảnh quan trên suốt chiều dài đất nước từ Bắc chí Nam, thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với chiều dài bờ biển đẹp đã thu hút các nhà làm phim quốc tế trong thời gian qua. Vấn đề quan trọng chính là từ khâu kịch bản phân cảnh, chọn lọc và tìm ra tiêu điểm để quảng bá hết sức quan trọng.
Từ hiện tượng đạo diễn Victor Vũ đưa những thước phim khiến công chúng ngây ngất với cảnh đẹp của tỉnh Phú Yên trong bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (năm 2015), đến nay đã tạo một điểm đến du lịch "Xứ sở hoa vàng cỏ xanh", thúc đẩy du lịch cho Phú Yên với tốc độ tăng trưởng 12%-13% trước đại dịch. Đạo diễn Victor Vũ đã định hình phong cách riêng khi đưa vào phim "Người bất tử" cảnh đẹp của hang Tú Làn (tỉnh Quảng Bình), để sau đó rất nhiều du khách tìm đến điểm quay này. Sau bộ phim "Gái già lắm chiêu V", đoàn làm phim đã trao tặng khu vườn "Bạch Trà Viên" tại cung An Định cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, tạo điều kiện cho du khách tham quan một trong những "phim trường chính" của bộ phim.
Cần chính sách hỗ trợ
Trong phim của Việt Nam thời gian gần đây, người xem thấy không ít cảnh đẹp được khai thác hết sức công phu, xuất hiện nhiều đại cảnh, thể hiện phong cách sáng tạo, cá tính.
Theo NSND Doãn Châu, sức lan tỏa mạnh mẽ từ điện ảnh đã thực sự tác động đến du lịch Việt Nam. Sau các bộ phim được quay tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Đồng Tháp…, các địa điểm đó đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng tận mắt những hiện vật huyền thoại được sử dụng trong phim, cùng những cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp xung quanh gắn liền với từng bộ phim. "Rất cần chế độ ưu đãi, chính sách hỗ trợ kịp thời từ nhà nước để các nhà sản xuất, đạo diễn mạnh dạn khai thác tối đa tiềm năng này" - họa sĩ NSND Doãn Châu kiến nghị. Ông dẫn chứng bộ phim "Người tình" của đạo diễn Jean Jacques Annaud, lấy ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê làm bối cảnh chính, đến nay đã trở thành một điểm du lịch văn hóa được nhiều du khách tìm đến và được ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp xây dựng, giới thiệu là một trong những điểm đến chính của du lịch địa phương.
Theo nhà thiết kế mỹ thuật Trường Quang, cơ quan quản lý và xúc tiến du lịch kết hợp điện ảnh cần có một kho dữ liệu bối cảnh bằng hình ảnh và chỉ dẫn cụ thể để các chuyên gia nước ngoài tiếp cận thông tin tốt hơn, qua đó sẽ tạo nhiều cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn, có chính sách cụ thể để cho các đạo diễn trong nước áp dụng. Theo NSND Đào Bá Sơn, cần có chính sách hoàn thuế, thông tin về nhân lực, hỗ trợ thiết bị... giúp các đoàn làm phim các khâu thực hiện như xin giấy phép, kết nối với các địa phương, tìm đúng chất liệu khai thác văn hóa bản địa trong từng bộ phim. Đồng thời, có những điều khoản để tạo ưu đãi cho doanh nghiệp, nhà sản xuất phim đến thực hiện các bối cảnh quay tại các địa phương.
Thực tế, việc tập trung đặc biệt vào bối cảnh không chỉ là lựa chọn nghệ thuật của riêng đạo diễn, mà phải khai thác được mối liên kết với Hội Văn học Nghệ thuật của các tỉnh - thành, để đi vào chiều sâu nghiên cứu văn hóa, con người, thiên nhiên của từng vùng miền. "Cảnh đẹp đưa vào phim vì thế phải có linh hồn, được chuyển tải thật lung linh nét độc đáo của cảnh quan đó. Muốn làm được điều đó, phát huy tối đa ưu thế này, rất cần chính sách và chiến lược hỗ trợ từ nhà nước, để điện ảnh Việt Nam sau đại dịch có thể cất cánh" - NSND Đào Bá Sơn nói.
Bình luận (0)