Ngày 29-1, ông Huỳnh Tấn Pháp, Trưởng Ban tổ chức Làng Văn hóa Cơ Tu Toom Sara đã thông tin cụ thể về chương trình "Toom Sara Fest – Tìm lại chính mình cùng tình yêu và âm nhạc" đang nhận nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua.
Theo đó, với mong muốn bảo tồn và phát triển văn hóa Cơ Tu và tạo ra sinh kế cho người dân, Làng Văn hoá Cơ Tu Toom Sara được hình thành vào tháng 3-2020, nằm trong quần thể KDL Sinh thái Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Múa Tung tung da dá nhằm cảm tạ Trời đất của người Cơ Tu
Ông Pháp cho hay, "Toom Sara Fest – Chợ Tình" là tên đầy đủ của chương trình do Làng văn hóa tổ chức. Làng chưa bao giờ sử dụng với tên gọi Chợ Tình của người Cơ Tu và không có ý ép buộc hay xuyên tạc, cho rằng người Cơ Tu có Chợ Tình.
"Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận những ý kiến đóng góp trên báo chí cũng như cộng đồng người dân, để không còn gây ra những hiểu lầm về văn hóa của người Cơ Tu, chúng tôi đã đi đến quyết định thay đổi tên gọi chính thức của chương trình thành "Toom Sara Fest – Tìm lại chính mình cùng tình yêu và âm nhạc" – ông Pháp nói.
Già làng Bhr’iu Pố khẳng định Cơ Tu không có chợ tình, nhưng vẫn có tục bắt vợ mang nhiều giá trị đặc sắc
Đồng quan điểm, ông Bhr’iu Pố - Già làng Cơ Tu cấp tỉnh Quảng Nam cho hay đồng bào Cơ Tu dù không có chợ tình, tuy nhiên vẫn có tục bắt vợ mang nhiều giá trị nhân văn.
Theo đó, trước đây, nhà nam muốn cưới vợ phải chịu thách cưới từ nhà gái. Sau khi lễ vật được đồng ý, chàng rể đến nhà gái "bắt vợ", đồng thời phải chịu nhà gái dùng một loại cây rừng quất mạnh vào người. "Loại cây này gây ngứa rát khó chịu. Tuy nhiên, chàng rể phải vượt qua để thể hiện thành tâm muốn cưới được vợ" – Già làng Bhr’iu Pố cho hay.
"Dù là "bắt vợ", tuy nhiên nhà trai cũng phải có được sự đồng ý của cô gái thì mới được gọi là thành công và dù có "bắt vợ" thành công hay không, chàng rể vẫn phải để lại một phần lễ vật để bày tỏ lòng biết ơn với nhà gái. Ngày nay dù tục lệ đó đã không còn, nhưng vẫn sẽ được tái hiện đầy đủ trong chương trình Toom Sara Fest – Tìm lại chính mình cùng tình yêu và âm nhạc" – Già làng Bhr’iu Pố nói.
Già làng A Lăng Đợi trình diễn nghề khắc gỗ của người đồng bào Cơ Tu
Thông tin thêm về chương trình, ông Huỳnh Tấn Pháp cho biết vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên ban tổ chức đã chủ động dời ngày ra mắt so với dự kiến là ngày 14 đến 16-2 (tức mùng 3 đến mùng 5 Tết Tân Sửu).
"Đối với số lượng vé đã đặt trước, du khách có thể hoàn tiền hoặc dời ngày tham gia. Mong mọi người đồng hành cùng ban tổ chức để chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19" – ông Pháp cho hay.
"Toom Sara Fest – Tìm lại chính mình cùng tình yêu và âm nhạc" sẽ trở lại ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát
Theo ban tổ chức, mỗi ngày Lễ hội đều có một chủ đề gồm: Tự Tình để nhìn nhận bản thân sau một năm vất vả; Trăng Non để hoà mình với văn hoá; Đại Ngàn để thêm yêu thiên nhiên rộng lớn nghĩa tình.
Cạnh đó, Làng tổ chức các gameshow như: bắt vợ, kén rể, mũi tên tình duyên, Lễ dựng cây nêu, Lễ mừng lúa mới, Lễ cưới truyền thống; những trò chơi dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, ném lao,… cùng các gian hàng ẩm thực truyền thống của văn hoá Cơ Tu.
Cạnh đó, "Toom Sara Fest – Tìm lại chính mình cùng tình yêu và âm nhạc" còn có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Hồ Quang Hiếu, Microwave band, Nam Cường, Hub band, On the Radio band, Tây Giang, DJ Jenny,... sẽ mang lại không khí không kém phần hiện đại ngay giữa bản làng Cơ Tu.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Hòa Vang cho hay đây là chương trình đầu tiên tổ chức ở địa phương về văn hóa, bản sắc dân tộc người Cơ Tu.
Bình luận (0)