Gần 2.000 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) hào hứng tham gia chương trình Sân khấu học đường với chủ đề "Nghệ thuật hát bội", lần đầu tiên diễn tại sân trường này. Sau đó, hơn 500 học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) tiếp tục hưởng ứng chương trình nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục trải nghiệm do Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM thực hiện.
Không hiểu sẽ không thích
Hai chương trình thí điểm này diễn ra giúp các em học sinh tìm hiểu những kiến thức cơ bản của nghệ thuật hát bội qua sự dẫn dắt của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM. Các câu hỏi như: Nghệ thuật hát bội ra đời khi nào? Nghệ nhân nào là người đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật dân tộc này? Hát bội thường xuất hiện ở đâu? Nội dung lịch sử được phản ánh trong các vở tuồng… được các nghệ sĩ giải đáp đầy đủ. Nội dung được chọn biểu diễn gồm các trích đoạn hát bội ca ngợi lịch sử dân tộc. Các em được xem 2 trích đoạn minh họa là "Trưng Nữ Vương" và "Lê Công kỳ án" qua tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ hát bội.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) xem chương trình Sân khấu học đường giới thiệu về nghệ thuật hát bội Ảnh: THANH BÌNH
Thế nhưng, để tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng các học sinh về nghệ thuật hát bội, sự biểu diễn đơn giản, nói theo NSND Đinh Bằng Phi, là "giản cách" một cách đáng tiếc, sẽ không tạo được cầu nối đưa các em đến gần hơn với hát bội.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, từ nhiều năm qua, ông đã bày tỏ sự phản đối việc đưa những trích đoạn "giản cách" vào học đường. "Nghệ thuật hát bội mang đặc thù đậm nét ước lệ tả thần. Những lớp diễn nhỏ cũng cần hội đủ tính hỷ, nộ, ái, ố vốn cần thiết để học sinh hiểu thế nào là phần hồn, phần cốt của bộ môn hát bội" - NSND Đinh Bằng Phi phân tích. Theo ông, hát bội mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa; những bài học về lẽ ứng xử của con người. Khi diễn trích đoạn mà chọn lớp diễn thiếu tiêu biểu, mang tính "giản cách" sẽ khiến các em không hiểu, khi không hiểu sẽ không thích.
Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc cũng cho rằng phải chọn lựa trích đoạn hấp dẫn. Bài thuyết trình phải thật hấp dẫn mới mong cuốn hút khán giả trẻ. Đừng biến cách trình diễn như "cưỡi ngựa xem hoa", cứ thế từ trường này sang trường khác, không cắm sâu vào tâm trí các em những ưu điểm nổi trội về hát bội, sẽ không đạt hiệu quả.
Cần giải pháp căn cơ
Tuy nhiên, qua 2 chương trình thí điểm của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM, ngoài các trích đoạn được xem, các học sinh còn được thử diễn một số động tác, điệu bộ trong nghệ thuật hát bội; tìm hiểu về trang phục, cách hóa trang, bài bản của bộ môn này.
Em Hoàng Minh Bảo (Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết đây là lần đầu tiên được xem nghệ thuật hát bội. "Nhưng nghe nghệ sĩ ca diễn có nhiều câu không hiểu, cách phân tích sơ lược sau đó, em cũng chưa thấu đáo" - em Bảo nhận xét.
Thông qua chương trình, em Huỳnh Yến Chi (Trường THCS Huỳnh Khương Ninh) đã hiểu thêm về các nhân vật lịch sử và không rời mắt khỏi các trích đoạn trên sân khấu, đặc biệt là phần trình diễn của các nghệ sĩ trong những vai nữ tướng. Tuy nhiên, Yến Chi cho rằng: "So với cải lương, chèo thì hát bội khó nghe. Nếu có được những bản photocopy kịch bản cho chúng em đọc hoặc qua các trang mạng xã hội trước đó được giới thiệu rõ thì sẽ nắm bắt nhanh hơn, có thêm kiến thức đầy đủ hơn về bộ môn này".
Để thẩm định chất lượng chương trình Sân khấu học đường, NSND Trần Minh Ngọc đề xuất nên tổ chức lấy phiếu thăm dò ý kiến, nghe chính lớp trẻ nhận xét, bày tỏ suy nghĩ về nghệ thuật hát bội thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, phải cách tân để lớp trẻ chấp nhận và cũng phải giữ hồn cốt truyền thống. "Để giải được bài toán khó này là phải chọn giải pháp căn cơ, đưa vào học đường những trích đoạn chuẩn mực. Từng quận, huyện hình thành những CLB quy tụ các em có năng khiếu, như cách làm của Hội Khuyến lệ cổ ca mà tôi đã từng làm trước năm 1975. Từ đó mới mang lại hiệu quả, không uổng phí ngân sách của nhà nước trong việc góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát bội. Hễ "dục tốc" thì "bất đạt"" - NSND Đinh Bằng Phi nêu ý kiến.
Phải được tiếp cận một cách dễ dàng
Trong kế hoạch thí điểm Sân khấu học đường với nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM đã có thêm một lứa nghệ sĩ trẻ say mê nghề. Các vai chính diễn ở Sân khấu học đường do các nghệ sĩ trẻ: Minh Khương, Ngọc Giàu, Bảo Châu, Anh Thi ca diễn. Họ đều là những diễn viên xinh đẹp, hứa hẹn là lớp diễn viên kế cận cho nghệ thuật hát bội. Những nghệ sĩ gạo cội như: Xuân Quan, Linh Hiền, Thanh Trang, Hữu Danh, Linh Phước, Ngọc Nga... đã lui về làm dàn bao cho thế hệ trẻ. Họ nỗ lực đào tạo những diễn viên trẻ nối nghiệp.
Chính vì không muốn chương trình Sân khấu học đường đưa hát bội đến với khán giả trẻ không đạt hiệu quả nên theo ông Lê Diễn (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM) chưa thể đưa những vở như "Sanh vi tướng, tử vi thần" (tác giả Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu, biên đạo múa: NSƯT Xuân Quan, âm nhạc: NSƯT Hồ Văn Thành) vào kế hoạch biểu diễn ở Sân khấu học đường. "Vì dù đó là một cách tân độc đáo nhưng với học sinh chưa biết về nghệ thuật hát bội mà xem diễn hát bội không lời, chỉ bằng vũ đạo, hình thể sẽ là "con dao hai lưỡi" - ông Lê Diễn nhấn mạnh.
Đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng hát bội muốn tiếp cận khách du lịch và khán giả học sinh thì phải có chiến lược. Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM cùng Sở Giáo dục và Đào tạo
TP HCM phải liên kết lên kế hoạch cụ thể, tạo điều kiện để khán giả học sinh tiếp cận nghệ thuật hát bội một cách dễ dàng.
Bình luận (0)