Vượt qua những khó khăn đang bủa vây nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã mạnh dạn xây dựng mô hình đưa nghệ thuật tuồng (cách gọi hát bội của người miền Trung) đến gần hơn với công chúng. Mỗi năm, đơn vị nghệ thuật này vượt chỉ tiêu từ 200 đến 250 suất diễn. Hiệu quả hoạt động của nhà hát này khiến người viết nghĩ về cách làm chưa mấy hiệu quả của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM, nơi có cơ chế hoạt động thoáng hơn nhưng số lượng suất diễn vẫn còn hạn chế.
Tuồng xuống phố, vào học đường
Trước thực tế nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng đang gặp vô vàn khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Câu hỏi làm thế nào để nghệ thuật này tiếp cận được đông đảo khán giả luôn là nỗi trăn trở của các nghệ sĩ tuồng. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại Đà Nẵng đã có giải pháp đạt hiệu quả không ngờ khi đưa tuồng xuống phố biểu diễn, đồng thời đưa tuồng vào học đường nhằm tạo cơ hội để giới trẻ tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống.
Nghệ sĩ Văn Bá Huỳnh, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, phấn khởi cho biết chính cảm nhận thích thú của khán giả địa phương và du khách khi xem chương trình biểu diễn của nhà hát tại phố đi bộ trở thành nguồn động lực tiếp sức cho các nghệ sĩ trong việc duy trì hoạt động này. "Mưa dầm thấm lâu", từ năm 2015 đến nay, những nghệ sĩ ở Đà Nẵng đã lựa chọn cách thức đưa tuồng xuống phố biểu diễn miễn phí để tiếp cận công chúng. Bên cạnh đó, nhà hát còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để đưa sân khấu tuồng vào trường học. Đây được coi là cách thức tiếp cận khán giả nhanh nhất và là cách làm tốt nhất để nghệ thuật tuồng được bảo lưu và phát triển.
Chương trình sân khấu học đường của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. (Ảnh do nhà hát cung cấp)
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho rằng: "Trước mắt, quảng bá được hình ảnh văn hóa nghệ thuật của xứ Quảng nơi có bộ môn nghệ thuật tuồng đặc sắc, sau đó là tìm giải pháp để cứu tuồng trước nguy cơ bị mai một. Nghệ thuật tuồng đang gặp nhiều khó khăn không phải vì không đủ sức thuyết phục khán giả mà vì chưa thể tiếp cận họ. Vì vậy, khi khán giả chưa tìm đến nghệ thuật tuồng, những nghệ sĩ ở nhà hát chúng tôi đã chọn cách đi tìm khán giả. Đó là cách duy nhất để vực dậy niềm đam mê cho những người làm nghệ thuật và cho cả công chúng".
Được biết đời sống, thu nhập của đội ngũ diễn viên, nhạc công của nhà hát này đã tăng lên đáng kể, nhưng niềm hạnh phúc nhất của nghệ sĩ nhà hát là có được số đông khán giả trẻ xem tuồng.
Trong khi đó, tại TP HCM, cách làm này cũng được áp dụng. Thế nhưng, để có được số suất diễn như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thì Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM vẫn cứ loay hoay. Theo ông Tuấn, vấn đề nằm ở chỗ phải tạo không gian hiệu ứng thật sự cho nghệ thuật tuồng. Việc đưa nghệ thuật hát bội ra phố đi bộ Bùi Viện của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM cũng là giải pháp để kích cầu du lịch, giới thiệu với du khách nét đẹp của văn hóa nghệ thuật tại TP HCM nhưng chiến lược đó vẫn chưa tìm được khán giả trẻ.
Đừng để tư duy bao cấp "mê ngủ"
Đặt lên bàn nhiều giải pháp, qua các hội thảo khoa học về tuồng và nghệ thuật truyền thống, ông Trần Ngọc Tuấn đã tìm được tiếng nói chung từ những bàn luận, tranh cãi để biến thành hành động thực tiễn. Ông cho rằng không phải mình tài giỏi gì mà vì biết đặt mình vào tâm trạng người con của đất Quảng để khao khát kiến tạo diện mạo văn hóa của Đà Nẵng.
Ông kể có một bầu sô sau 1 năm kinh doanh nghệ thuật tuồng theo mô hình xã hội hóa đã mua được nhà, sắm được ôtô. Chính sự khắc nghiệt của đời sống xã hội khiến họ sàng lọc và vận hành nghề một cách hiệu quả. Họ đủ sức ca diễn hàng giờ liền trên sân khấu mà vẫn không khan giọng còn diễn viên của nhà hát chỉ ca diễn tối đa 4 giờ liền là đã khàn giọng nên nhà hát buộc phải mời họ diễn tăng cường trong một số suất diễn. Điều này làm cho ông Tuấn suy nghĩ phải chăng chính thói quen ỷ lại, tư duy bao cấp mà nghệ sĩ và những người làm sân khấu truyền thống đã bị "mê ngủ", không năng động so với nghệ sĩ xã hội hóa.
Ông Tuấn so sánh trong 7 đơn vị nghệ thuật tuồng (hát bội) của cả nước, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM được cấp ngân sách nhiều nhất, mỗi năm lại có ngân sách dựng hai vở mới. Còn nhà hát của ông là đang xây lộ trình tự chủ tài chính, tiến tới tự chủ toàn phần nhằm đưa nghệ thuật tuồng đi vào vận hành chung của toàn TP Đà Nẵng là góp phần tạo ra sản phẩm du lịch, đồng thời hướng đến công chúng trẻ. "Khen các đơn vị xã hội hóa nghệ thuật truyền thống làm giỏi, năng động nhưng để định hướng và bảo tồn những giá trị đích thực của tuồng thì họ không làm, đó phải là công việc của những nhà hát công lập. Do vậy, chúng tôi học hỏi nhau, san sẻ những kinh nghiệm để làm tốt công tác bảo tồn, hướng đến sự thể nghiệm mới để tạo diện mạo văn hóa địa phương" - ông Tuấn tâm sự.
Chú trọng nguồn nhân lực
Điều đáng khen là sự đầu tư cho nguồn nhân lực của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Nhà hát đã đưa đi đào tạo được 19 diễn viên trẻ, theo học tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sắp sửa làm vở tốt nghiệp tại Đà Nẵng, đồng thời đào tạo nhạc công theo phương pháp truyền nghề. So với các đơn vị nghệ thuật hát bội trong cả nước, dàn nhạc công của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được đánh giá cao về mặt chuyên môn, nơi có các nhạc công giỏi: NSƯT Phạm Thanh Tỵ, Nguyễn Ninh, Hà Hữu Hùng, Trần Văn Ngộ, Trần Ngọc Tuấn. Họ được đánh giá là ưu việt bởi được đúc kết nền tảng rất vững vàng và có sự nghiên cứu để đưa âm nhạc tuồng đạt hiệu quả trong trình diễn, tạo hiệu ứng độc đáo cho nghệ thuật tuồng khi xuống phố hoặc vào học đường.
Bình luận (0)