Phim "Ròm", "Sài Gòn trong cơn mưa" là những tác phẩm điện ảnh mới nhất lấy bối cảnh Sài Gòn - TP HCM. Trước phim này, khán giả từng thưởng thức một Sài Gòn - TP HCM gần gũi, chân thật qua "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" hay dễ thương, tràn đầy tình yêu trong "Sài Gòn, anh yêu em"… Nhiều người trong giới nhận định khai thác Sài Gòn - TP HCM trong điện ảnh nhìn qua tưởng rất dễ nhưng để có một tác phẩm hay, chinh phục khán giả lại vô cùng khó khăn.
Đau đáu chữ tình
"Sài Gòn trong cơn mưa" là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Lê Minh Hoàng, do anh và những người trẻ cùng chí hướng trong ê-kíp ấp ủ từ năm 2018 đến nay. Phim dự kiến ra rạp vào đầu tháng 10 này kể về câu chuyện tình yêu và ước mơ của những người trẻ tứ xứ tìm thấy nhau giữa miền "đất lành" này rồi lạc mất nhau cũng ở đó. Nhân vật nhạc sĩ đầy mộng mơ Anh Vũ (Avin Lu đóng) vô tình chạm mắt với cô gái xinh đẹp, sống thực tế tên Đồng Mây (Thu Anh đóng) dưới cơn mưa nặng hạt giữa Sài Gòn. Một câu chuyện tình được lồng ghép qua những đặc trưng riêng biệt nhắc là nhớ của Sài Gòn đã xa như những chiếc xe máy Honda Cub, con hẻm nhỏ, mái hiên cũ và cơn mưa chợt đến, chợt đi. Đây là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi khai thác mùa mưa nơi này và cũng nhận được kỳ vọng góp phần làm dày thêm hình ảnh Sài Gòn - TP HCM trên màn ảnh rộng.
Hình ảnh Sài Gòn - TP HCM đã từng được kể trên màn ảnh rộng theo một cách mộc mạc, gần gũi qua phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" của đạo diễn Chung Chí Công. Ở đó, khán giả từng thấy một đô thị lớn nhất Việt Nam về đêm, dưới ánh đèn vàng thân quen, có những người trẻ ôm ấp ước mơ, khát vọng vào đời nhưng cũng có người sớm "thấm đòn" với vết thương lòng, vấp váp, chơi vơi trong hành trình trưởng thành. Bằng giọng kể đầy tự sự, vùng đất thân quen này hiện lên qua khu chung cư cũ, bảo tàng, những ngôi chùa cổ, góc nhà thờ, tiệm cà phê, con kênh, đường hầm Thủ Thiêm, chợ Bến Thành… cộng hưởng trong chất nhạc Indie. Xa hơn, Sài Gòn xưa cũng từng được khắc họa duyên dáng, thu hút qua "Cô Ba Sài Gòn" của đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn với điểm nhấn là chiếc áo dài. Tác phẩm khắc họa Sài Gòn - TP HCM trực diện, tạo được thiện cảm trong khán giả còn có "Sài Gòn, anh yêu em" của nhóm đạo diễn: Lý Minh Thắng, Huỳnh Lập và La Quốc Hùng. Phim xây dựng theo lối đa tuyến nhân vật, dùng tình yêu thương đơn lẻ để nói đến tình yêu lớn hơn dành cho vùng đất lành, nơi cưu mang nhiều người đến để mưu sinh. Phim nhận được sự đồng cảm của khán giả với những lời khen ngợi chân thành.
"Hòn ngọc Viễn Đông" ở mặt tối, góc khuất với những phận người "dưới đáy xã hội", trong khu "ổ chuột" từng được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lột tả trong phim "Hot boy nổi loạn, thằng cười, cô gái điếm và con vịt" và "Hot boy nổi loạn 2", nay đạo diễn Trần Thanh Huy khai thác trong phim "Ròm", dự kiến ra rạp vào cuối tháng 7, cũng khắc họa một cách dữ dội với cuộc sống khó khăn của những người dân lao động nghèo. Những đứa trẻ trong "Ròm" tuy khổ nhưng không hề nguội tắt ước mơ, cũng như tình người ấm áp vẫn lóe sáng giữa cuộc mưu sinh khắc nghiệt. Chữ tình được những người làm phim để tâm khắc họa trong những phim về Sài Gòn - TP HCM hoặc có sử dụng bối cảnh nơi này.
Cảnh trong phim “Sài Gòn trong cơn mưa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Tưởng dễ nhưng khó
Nhiều người trong giới cho rằng Hà Nội và Sài Gòn - TP HCM đều là những địa danh tiêu biểu cho Việt Nam, xứng đáng trở thành đề tài trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Sài Gòn từng hiển hiện đầy ấn tượng, đa dạng trong âm nhạc, thơ ca, văn học nhưng trên điện ảnh thì số lượng tác phẩm khai thác không nhiều nên chưa tạo được sự đa dạng, ấn tượng xứng đáng với vị thế của vùng đất này. Lý giải việc vẫn chưa nhiều tác phẩm khai thác trực diện về Sài Gòn - TP HCM hoặc chọn bối cảnh riêng về Sài Gòn trên màn ảnh rộng, người trong giới cho rằng đây là đề tài nhìn vào tưởng rất dễ nhưng thực tế lại rất khó. "Việc đưa Sài Gòn vào phim không phải việc dễ dàng. Nó đòi hỏi nhà làm phim phải có hiểu biết nhất định, có nghiên cứu, tìm tòi, có tình yêu đối với vùng đất này mới kể được câu chuyện chạm cảm xúc người xem. Một câu chuyện không dàn trải, kể lể mà cần nêu bật nét riêng, đặc thù để nhìn là thấy và hiểu ngay về Sài Gòn - TP HCM mà không nhầm lẫn với bất kỳ địa phương nào khác. Trước đây, khán giả từng được thưởng thức phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" khắc họa nên Hà Nội trong một thời kỳ của tiến trình phát triển. Nhưng với Sài Gòn, đến nay chưa có được tác phẩm xứng tầm vóc" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng từng chia sẻ vùng đất này có rất nhiều điều để nói nên sẽ là thách thức không nhỏ bởi nếu không cẩn thận sẽ sa đà sang dạng liệt kê, giới thiệu thông tin. Để tránh điều này, anh và ê-kíp muốn tập trung vào cái tình, sự ấm áp, yêu thương đằng sau mỗi câu chuyện để bất kể khán giả độ tuổi nào cũng tìm được sự đồng cảm và cảm nhận rằng Sài Gòn - TP HCM không của riêng ai nhưng không ai không có một khoảng trời riêng cho mình nơi đó.
Dẫu nhiều thách thức nhưng việc các nhà sản xuất nỗ lực khắc họa Sài Gòn - TP HCM không đơn điệu trong gam màu sáng mà càng đi sâu vào chi tiết, đặc tả cả những gam màu tối tạo nên sự đa dạng góc nhìn. Nó giúp khán giả có quyền kỳ vọng điện ảnh Việt có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao, xứng tầm về vùng đất này, truyền cảm hứng cho người xem.
Thách thức nhà biên kịch
Sài Gòn - TP HCM là vùng đất năng động, không chỉ có mỗi khía cạnh tình yêu. Nếu phim nào có bóng dáng Sài Gòn mà cũng lồng ghép câu chuyện tình yêu nam nữ hoặc kể quá trình người trẻ trưởng thành thì chỉ đôi ba phim là dễ làm khán giả chán. "Sài Gòn - TP HCM đặc biệt bởi hội tụ yếu tố xưa - nay, đan xen truyền thống và hiện đại. Nếu khai thác câu chuyện về Sài Gòn xưa đòi hỏi sự am hiểu, tinh tế thì câu chuyện ngày nay cũng cần hơi thở cuộc sống, chân thật và gần gũi. Đề tài khó khai thác bởi muốn viết phải đầu tư sâu, không hời hợt, nhợt nhạt dễ phản tác dụng với khán giả, nhất là những người đã quá hiểu vùng đất và con người nơi đây, có tình cảm gắn bó. Việc bố cục, tạo nên một câu chuyện hay là thách thức, mạo hiểm cho nhà biên kịch và cả nhà sản xuất" - biên kịch Đông Hoa cho biết.
Bình luận (0)