Sân Trường THPT Hùng Vương (TP HCM) mưa lất phất nhưng học sinh vẫn ngồi nghe nghệ sĩ Kim Tử Long thể hiện bài ca cổ "Hãy yên lòng mẹ ơi", nghe anh nói về xứ xuất bài vọng cổ. Nhiều tháng qua, cứ vào sáng thứ hai hằng tuần hoặc chiều thứ sáu có giờ sinh hoạt dưới cờ, nghệ sĩ Kim Tử Long và nhiều đồng nghiệp lại dành thời gian để đến với chương trình "Đưa sân khấu vào học đường".
Tạo thế hệ khán giả mới
Với thời lượng 90 phút, chọn lọc thông điệp để gửi đến khán giả là học sinh, sinh viên, các nghệ sĩ chỉ có thể gói gọn buổi sinh hoạt qua một trích đoạn cải lương lịch sử, 3 bài vọng cổ và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Chen giữa là phần trình bày về nghệ thuật đờn ca tài tử mà trọng tâm là sự hình thành của bộ môn nghệ thuật cải lương đến nay đã tròn 100 tuổi.
NSƯT Kim Tử Long trong chương trình “Đưa sân khấu vào học đường” tại Trường THPT Hùng Vương
Cũng như Kim Tử Long, nghệ sĩ Bạch Tuyết, thạc sĩ Huỳnh Khải cùng nhiều nghệ sĩ cải lương khác đã thực hiện rất nhiều chương trình đưa sân khấu vào học đường thời gian qua. Chương trình đã gây tiếng vang khi học sinh các trường trung học và một số trường đại học hưởng ứng nồng nhiệt.
Theo NSND Bạch Tuyết, hiệu ứng tích cực này là tín hiệu vui trong việc tạo nên thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống trong tương lai. "Học sinh hiện nay lớn lên trong một không gian phức hợp, chỉ cần dùng điện thoại thông minh là có thể tìm kiếm tất cả những gì mình muốn biết. Nhưng để hiểu sâu thì phải có những buổi sinh hoạt ngoại khóa như thế này nhằm nhấn mạnh trọng tâm mà nghệ sĩ muốn trao gửi đến các em. Sứ mệnh của chúng tôi là tiếp tục làm theo lời tiền nhân, không để sân khấu cải lương bị mai một" - nghệ sĩ Bạch Tuyết bày tỏ.
Theo thạc sĩ Huỳnh Khải, đưa sân khấu truyền thống vào học đường là "giúp các em học sinh hiểu rõ hơn vì sao bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, sự hình thành của bộ môn được xem là viên ngọc quý của nghệ thuật dân tộc, đó là cải lương. Sự độc đáo của hai bộ môn này sẽ bất biến theo thời gian khi có sự tiếp sức gìn giữ, nâng niu của thế hệ khán giả trẻ.
Nghệ sĩ tự cứu lấy nghề
Hầu hết các nghệ sĩ thực hiện chương trình "Đưa sân khấu vào học đường" đều có nhiều trăn trở khi sự tự phát này được dẫn dắt bởi nhu cầu cứu nguy cho chính bộ môn nghệ thuật mà họ yêu quý.
Thạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng cần một chuẩn mực trong cách làm, không để việc đưa sân khấu vào học đường mang tính tự phát, chỉ làm theo thời vụ, mà phải có chiến lược. "Hiện nay, vì cứu nguy cho bộ môn của mình mà các nghệ sĩ lao vào thực hiện không toan tính thiệt hơn. Họ dốc tâm vì muốn có được nhiều chương trình đưa đến trường học, chứ chưa thấy bóng dáng của hai cơ quan chức năng là Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM" - thạc sĩ Huỳnh Khải băn khoăn.
Chính vì thiếu sự đồng hành của cơ quan chức năng, thiếu chiến lược bài bản nên nghệ sĩ "có gì diễn nấy". Họ đem đến các trích đoạn cải lương thiếu sự chọn lọc, nội dung quá bi lụy hoặc quá giễu cợt, chưa kể đến những trích đoạn Hồ quảng, làm cho chương trình lệch đi ý nghĩa giáo dục về cải lương thuần Việt. Nghệ sĩ Ngọc Giàu bức xúc: "Phải làm sao cho học sinh được tiếp cận, phân biệt các loại nhạc cụ dân tộc, biết tính năng của chúng. Về đào tạo căn bản, rất cần phải mời thầy giỏi về dạy cho các em những bài bản của đờn ca tài tử. Đừng nói học sinh không thích, khi tôi đến trường học ca "Dạ cổ hoài lang", các em đồng thanh hát theo, rất xúc động".
"Nghệ thuật là một trong những người thầy khơi nguồn cảm xúc cho tâm hồn trẻ nhỏ. Nếu không đào tạo thì sân khấu dân tộc sẽ mai một như hát bội đang vướng phải" - "Vua hát bội" Đinh Bằng Phi tâm tư.
Cần sự đồng hành của cơ quan chức năng
"Mong muốn có thật nhiều chương trình gửi đến các em học sinh nhưng điều chúng tôi băn khoăn là chưa có sự tiếp ứng của các cơ quan chức năng để hỗ trợ lâu dài. Ngay cả với vở cải lương mà tôi đã dốc sức dàn dựng là "Rạng ngọc Côn Sơn", muốn được đưa vào học đường hoặc tổ chức biểu diễn tại rạp hát chuyên nghiệp cũng phải có sự hỗ trợ về mặt kinh phí để giá vé dành cho học sinh, sinh viên phải "mềm". Không thể mỗi chút đều kêu gọi phụ huynh" - NSƯT Kim Tử Long trăn trở.
Trước thực tế còn quá nhiều điều suy tư, lo lắng về vấn đề bảo tồn, phát triển sân khấu dân tộc và âm nhạc truyền thống, những tồn tại và thiếu sót trong giáo dục nghệ thuật học đường đang đòi hỏi những ngành chức năng như giáo dục, văn hóa phải có sự nhìn nhận, thảo luận. Có như vậy mới nhanh chóng tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm tạo sự thay đổi tích cực trong việc đào tạo giáo dục nghệ thuật nói chung, sân khấu học đường nói riêng hiện nay.
Bình luận (0)