Mới đây, khi góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng hiện nay, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp. Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…
Nhà báo Cát Vũ cho rằng Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia là tổ chức cần thiết duy trì để "gác cổng" trong thời điểm nền điện ảnh Việt vẫn còn non trẻ, thị hiếu khán giả, trình độ dân trí chưa đồng đều. Tuy nhiên, để có thể phát triển tốt, đến lúc hội đồng này cần có sự thay đổi thành viên, bổ sung những người trẻ, am hiểu nhiều lĩnh vực, không chỉ chuyên môn điện ảnh. Những thành viên trẻ này cũng phải có kiến thức sâu rộng nắm bắt sự phát triển của thế giới, bắt kịp với những gì thế giới đang có để giúp đưa ra quan điểm không lạc hậu, không kìm hãm sáng tạo, hiểu thị hiếu khán giả hiện nay… Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia phải trở thành "bà đỡ", chỉ ra những cái thiếu hụt để giúp nâng tác phẩm lên chứ không phải con dao cắt xén, kìm hãm sáng tạo. Điều này giúp điện ảnh phát triển lâu dài.
Theo nhà biên kịch Thanh Hương, một số vị trong hội đồng này đã lớn tuổi, mệt mỏi, không còn đủ sức nên cần mời vào những thành viên trẻ, có kiến thức chuyên môn, nhanh nhạy nắm bắt cái mới. Người trẻ sẽ giảm bớt khắt khe, cứng nhắc, giữ độ an toàn như các thành viên lâu nay và giúp hội đồng có cái nhìn "màu hồng" hơn. Sự thay đổi này cần thiết để giúp nhà làm phim, biên kịch... thoải mái hơn trong sáng tạo.
Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, cho biết nếu muốn điện ảnh Việt hòa nhập với các nước khác trong khu vực nói riêng và quốc tế nói chung trong tương lai, chúng ta cũng phải chấp nhận sự tự do sáng tạo trong điện ảnh. Để Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia có thể làm tốt hơn, tránh những bức xúc trong dư luận như vừa qua thì cần đối thoại. Các nhà làm phim luôn mong được đối thoại, lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia trên cơ sở thảo luận. Việc đối thoại, trao đổi sẽ giúp các phía hiểu rõ nhau hơn và cùng hướng đến mục đích chung là sự phát triển bền vững của điện ảnh Việt.
Nhà sản xuất Jenni Trang Lê nhận thấy việc kiểm duyệt phim cần mở rộng hơn, đổi mới hơn để quốc tế còn biết về Việt Nam thông qua những tác phẩm phản ánh xã hội, những tác phẩm có dấu ấn riêng gây thích thú cho khán giả. Phim không có tiếng nói riêng thì thế giới sẽ không quan tâm, tất cả đều có tác động, ảnh hưởng vào nhau. Một sự thay đổi là cần thiết, ví dụ: bản phim chiếu ở Việt Nam có thể tuân thủ theo các quy định lâu nay nhưng bản chiếu ở nước ngoài cần được duyệt khác, thoáng hơn.
Chuyên viên truyền thông phim Châu Quang Phước cho rằng: "Đến thời điểm này, sau câu chuyện duyệt phim của Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia với nhiều tắc trách đến độ khó hiểu trong khả năng chuyên môn của các thành viên thì có lẽ việc đầu tiên nên tính đến chính là đừng để sự độc quyền trong kiểm duyệt phim từ cơ quan nhà nước, cần phải xã hội hóa để tận dụng nguồn nhân lực mới trong cộng đồng xã hội. Cơ quan nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát, tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến".
Bình luận (0)