xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng để tâm hồn trẻ thơ què quặt: Sân khấu cho thiếu nhi ngày càng hiếm

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Trò chơi điện tử, mạng xã hội tràn lan nội dung kích động bạo lực, thói hư tật xấu, dễ dàng thâm nhập đời sống tinh thần của trẻ em khiến cho việc hình thành nhân cách bị lệch lạc. Giáo dục nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ không gì hiệu quả bằng những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm giải trí lành mạnh có ý nghĩa tốt đẹp. Thế nhưng nhìn lại, đời sống tinh thần của trẻ thơ hôm nay có gì?


Nếu không chăm chút, đầu tư tác phẩm cho thiếu nhi thì lớn lên chúng chẳng biết gì về văn hóa cội nguồn, chẳng ưa thích nghệ thuật của nước nhà, chẳng góp phần nuôi dưỡng nền nghệ thuật ấy.

Từ nhiều năm qua, TP HCM không còn sân khấu cố định nào cho thiếu nhi, sau khi rạp Măng Non trên đường Đồng Khởi, quận 1 bị cháy và chuyển công năng. Hầu hết các bậc phụ huynh muốn tìm những sân khấu cho con em xem kịch, chương trình giải trí cho thiếu nhi vào dịp cuối tuần nhưng không có. Ở ngay thành phố được xem là trung tâm văn hóa lớn của cả nước còn vậy huống hồ các địa phương khác.

May có ngày quốc tế thiếu nhi

Giới chuyên môn cũng thừa nhận hiện nay không tìm được sân khấu dành cho thiếu nhi. Tại Hà Nội và TP HCM, hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước, qua thống kê, ngoài dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tết trung thu, thời gian còn lại trong năm, sân khấu dành cho thiếu nhi gần như không hoạt động.

Ngay cả các tháng hè là dịp đặc biệt khi các em có thời gian vui chơi, giải trí thì Hà Nội và TP HCM cũng hiếm có vở diễn sân khấu dành cho thiếu nhi. Ở Hà Nội, hiện nay, trừ Nhà hát Tuổi trẻ với chức năng thực hiện các vở diễn phục vụ thiếu nhi, hiếm hoi lắm mới có thêm sân khấu tư nhân như Lệ Ngọc dựng vở thiếu nhi "Cây tre thần" nhưng diễn xen kẽ với lịch diễn vở dành cho người lớn do không có điểm diễn cố định.

Đừng để tâm hồn trẻ thơ què quặt: Sân khấu cho thiếu nhi ngày càng hiếm - Ảnh 2.

Chương trình kịch thiếu nhi “Ngày xửa, ngày xưa” diễn hằng năm của Sân khấu IDECAF nay cũng không còn

Tại TP HCM, thương hiệu "Ngày xửa, ngày xưa" của sân khấu IDECAF tròn 20 năm cũng không tổ chức biểu diễn vào năm nay do dịch Covid-19. Một số sân khấu tư nhân đều không nghĩ tới kinh doanh mảng này vì dễ thua lỗ.

TP HCM có 4 điểm diễn múa rối chủ yếu phục vụ khách du lịch (Múa rối nước Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP HCM, Sân khấu Rồng Vàng, Sân khấu Rối nước Sài Gòn, Sân khấu Rối nước khu Thảo Điền) đến nay đều đóng cửa. Nhà hát Múa rối Tre Việt ở đường Phạm Ngọc Thạch cũng chịu chung số phận.

Trước kia, các nhà thiếu nhi trong TP đều có các CLB, đội, nhóm, dàn dựng ca múa nhạc, múa rối phục vụ thiếu nhi, hoạt động khá quy mô: CLB kịch, rối "Tuổi Ngọc" (quận 1), "Tuổi Xanh" (quận 4), đội kịch, rối "One - Two - Three" (Tân Bình), đội múa rối "Búp Bê" (quận 11), đội "Tò Tí Te" (quận 7), nhóm "Cá Cơm Con" (huyện Nhà Bè), "Si Si" (quận Gò Vấp)… Nhưng gần đây số thì hoạt động cầm chừng, èo uột, số thì mất tăm do không có kinh phí đầu tư, hoạt động. Một phụ huynh ngậm ngùi: "Không cho các cháu gí mắt vào máy tính, điện thoại vì có nhiều thứ không thể kiểm soát trên mạng xã hội nhưng biết tìm ở đâu những sản phẩm giải trí lành mạnh cho tâm hồn các cháu bây giờ?".

Bài toán chưa có lời giải

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng chức năng đầu tiên của sân khấu là nâng cao giáo dục giới tính, nhân cách, thẩm mỹ… trong khi mảng sân khấu dành cho thiếu nhi hoàn toàn bị bỏ trống. "Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người nói chung là phải thường xuyên và liên tục. Đó là nhu cầu tất yếu như ta phải ăn uống mỗi ngày. Với thiếu nhi, nhu cầu này càng cần thiết vì nó góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em hình thành nhân cách" - NSND Trần Minh Ngọc khẳng định.

Ông bầu Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn - người nặng nợ với sân khấu thiếu nhi - cho rằng diện mạo lồi lõm của sân khấu hiện nay là do thiếu sự định hướng ngay từ đầu của các cấp có thẩm quyền.

"Làm sân khấu cho thiếu nhi không đơn giản, thậm chí còn khó hơn rất nhiều sân khấu cho người lớn. Bởi để giữ chân, hấp dẫn khán giả nhí, ngoài câu chuyện kịch, các yếu tố phụ trợ rất cần được quan tâm đưa vào vở diễn, chương trình. Ngay công tác quản lý, nếu người đứng đầu ngành không am hiểu thì rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi", mà tại TP chúng ta việc này đã xảy ra. Giao hết cho sân khấu xã hội hóa làm nhưng thiếu định hướng, không có sự hỗ trợ, không có chiến lược đầu tư, mạnh ai nấy làm, dẫn đến tan rã" - ông Tuấn đúc kết thực trạng buồn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cũng đã nhiều lần kiến nghị trong các hội thảo sân khấu tại Hà Nội và TP HCM rằng nếu không chăm chút, đầu tư tác phẩm cho thiếu nhi thì tâm hồn con trẻ sẽ què quặt, lớn lên chẳng biết gì về văn hóa cội nguồn, chẳng ưa thích sân khấu thì làm sao có một thế hệ khán giả kế cận say mê nghệ thuật của nước nhà, góp phần nuôi dưỡng nền nghệ thuật ấy.

NSND Hồng Vân thừa nhận kịch bản hay cho thiếu nhi càng hiếm. Còn khó hơn là tìm tiền đầu tư và cơ sở vật chất của điểm biểu diễn. Vì để vở bay bổng, đạt hiệu quả nghệ thuật, mức đầu tư cảnh trí, ánh sáng, đạo cụ, âm thanh, phục trang… đạt đến độ lộng lẫy, hoa mỹ, hoành tráng, để thu hút trẻ con là rất tốn kém. Trong khi đó, giá vé trẻ em phải bán rất thấp. Điều đó khiến các đơn vị sân khấu xã hội hóa không thể làm được gì trong thời buổi này.

Giải pháp nào để sân khấu thiếu nhi hoạt động trở lại? NSND Trần Minh Ngọc kiến nghị: "Cần thiết tạo cơ chế đầu tư cho các đơn vị xã hội hóa theo dạng đơn đặt hàng của TP HCM. Theo từng quý, sân khấu được rót kinh phí đầu tư kịch bản, dàn dựng và lo cả đầu ra".

NSND Hồng Vân cho rằng phương thức đấu thầu mức đầu tư theo đề cương rất hợp lý. Đơn vị nào thực hiện đúng, sớm và đạt hiệu quả nghệ thuật sẽ được nhận mức đầu tư. "Trước đây, tôi đã từng kiến nghị xin nhà nước trợ giá vé để học sinh xem kịch văn học, mỗi vé 35.000 đồng, là có thể mở màn phục vụ mỗi suất 800 học sinh. Nhưng rồi chẳng ai quan tâm đến kiến nghị của tôi" - NSND Hồng Vân chua xót.

Các nhà chuyên môn nhìn nhận để thay đổi, vai trò của nhà nước là phải xây dựng ngay chiến lược hỗ trợ cho sân khấu thiếu nhi. Có hẳn lộ trình cho sân khấu công lập và sân khấu xã hội hóa. 

Truyền hình ngày càng lơ là

Truyền hình từng có nhiều chương trình giải trí hay cho thiếu nhi, nay cũng ngày càng lơ là với đối tượng này. HTV3 là kênh truyền hình xã hội hóa của Đài Truyền hình TP HCM dành cho thanh thiếu nhi với các chương trình: "Vườn âm nhạc", "Bé khỏe, bé ngoan", "Bé yêu học ăn", "Gia đình siêu nhộn", "Mỗi ngày một điều hay"... có lồng ghép những câu chuyện sân khấu, song để tăng thêm tính sinh động, gần gũi với lứa tuổi các em thì nguồn kịch bản đòi hỏi phải phong phú. Theo NSƯT Lê Cường: "Cần tổ chức thi sáng tác kịch bản cho sân khấu thiếu nhi truyền hình. Vì ngôn ngữ truyền hình khác với sân khấu sàn diễn. Muốn có nhiều vở diễn, chương trình hay dành cho các em thiếu nhi phải có chiến lược đầu tư. Ngay cả với đạo diễn truyền hình cũng cần được tập huấn để thực hiện đúng những yêu cầu phục vụ khán giả nhỏ tuổi xem truyền hình và các kênh YouTube hiện nay. Lâu rồi, tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến hiệu ứng giáo dục qua sân khấu thiếu nhi trên màn ảnh nhỏ chưa đồng bộ".

Kỳ tới: Hiếm hoi bài hát mới cho thiếu nhi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo