Vở "Số đỏ" đã giới thiệu được một thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu kịch Hồng Vân, gồm: Như Bình, Tú Tài, Phúc Lâm, Gia Ngân, Xuân Huyền, Hoàng Luân, Diệu Mai, Minh Tâm, Thuận Mỹ… Họ thật sự tỏa sáng với phong cách diễn xuất tự tin, đầy cảm xúc.
Cảnh trong vở kịch “Số đỏ” của đạo diễn Bảo Châu vừa ra mắt
NSND Việt Anh nhận xét: "Điều này phù hợp với giới trẻ, đưa được hơi thở cuộc sống hôm nay vào kịch, nhất là tạo được đất diễn vừa vặn với các diễn viên trẻ".
Khác với các chương trình sân khấu học đường giới thiệu về đờn ca tài tử và nhạc âm hưởng dân ca, Sân khấu kịch Hồng Vân đã chuẩn bị chu đáo các vở kịch dựa theo tác phẩm văn học của dòng hiện thực phê phán 1930-1945: "Bỉ vỏ", "Chí Phèo", "Kỹ nghệ lấy Tây"… và vở "Con nhà nghèo" của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
"Tôi muốn đưa kịch văn học vào trường với những bản dựng được chăm chút về mặt nội dung, hình thức biểu diễn. Thông qua đó lồng ghép vào kịch những thông điệp giàu tính nhân văn. Để sau mỗi suất diễn, học sinh tương tác với nghệ sĩ, từ đây sẽ giúp các em thẩm thấu nhanh hơn tác phẩm văn học đã được các thầy cô truyền đạt và giúp nghệ sĩ đo được mức cảm thụ nghệ thuật của các em qua vở diễn" - NSND Hồng Vân tâm đắc.
Sau bước chuyển của Nhà hát Kịch TP HCM với vở "18 tuổi" của đạo diễn Thái Kim Tùng, Sân khấu kịch Hồng Vân đã tạo thêm sự phấn khởi cho nghệ sĩ và khán giả với hàng loạt vở kịch văn học được tái dựng và trình diễn tại hai sàn diễn thuộc Sân khấu Kịch Hồng Vân: Nhà Văn hóa Phú Nhuận và Sàn diễn Kịch Hồng Vân - Chợ Lớn.
Hiện đã có nhiều trường học đặt hàng suất diễn phục vụ khán giả học sinh và cả phụ huynh thông qua việc ký kết hợp đồng với Sân khấu Kịch Hồng Vân.
Mô hình đưa kịch văn học đến với khán giả sinh viên, học sinh, được NSND Hồng Vân quan tâm, tiêu chí chất lượng nghệ thuật được đặt lên hàng đầu. Việc đưa học sinh đến sàn diễn nhà hát để xem nhằm bảo đảm hệ thống âm thanh, ánh sáng, cảnh trí trong khán phòng đạt chuẩn đã được nhiều trường hưởng ứng. Ngoài kịch văn học, Sân khấu Kịch Hồng Vân, Nhà hát Kịch TP HCM, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM… cũng đã lên kế hoạch dàn dựng kịch lịch sử và một số vở có nội dung giáo dục giới tính để đẩy mạnh phổ cập sân khấu học đường.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), nói: "Việc đưa kịch văn học đến với học đường hứa hẹn tạo thêm hiệu quả thiết thực cho việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh. Các em sẽ được học về giọng nói, diễn xuất, sáng tạo tình huống của nhân vật kịch, qua đó giúp các em tăng khả năng tập trung và ghi nhớ bài học một cách dễ dàng hơn. Còn với giáo viên, đây sẽ là dịp được tiếp cận và thực hành sân khấu để làm mới cách truyền đạt của mình sau các suất diễn kịch ngoại khóa".
Bình luận (0)