Mỗi năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức từ 10 đến 13 trại sáng tác kịch bản. Thế nhưng với người làm nghề, trại sáng tác chưa mang lại hiệu quả, cần phải thay đổi, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Mất hàng tỉ đồng vẫn không có kịch bản hay
Với mức kinh phí mỗi trại từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hằng năm ngân sách nhà nước dành cho các trại sáng tác lên đến hàng tỉ đồng. Thế nhưng, tình trạng khan hiếm kịch bản hay vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều đoàn nghệ thuật không sáng đèn được là do không có kịch bản hay.
Trên thực tế, không khó để nhận thấy sân khấu thời gian qua từ chèo, tuồng, cải lương, kịch nói... thiếu hẳn các vở mang xu hướng hiện đại, đề cập các vấn đề mang tính thời đại.
Để cho ra đời vở diễn chất lượng, giàu giá trị nghệ thuật, khâu quan trọng nhất là kịch bản. Thời gian qua, khâu này yếu trầm trọng, cho thấy hiệu quả trại sáng tác không cao.
Nhìn từ các liên hoan sân khấu cải lương và kịch nói, dễ dàng nhận thấy chưa có nhiều kịch bản hay, chiếm số lượng lớn vẫn là vở cũ dựng lại.
Vậy nguồn kịch bản từ các trại sáng tác đi về đâu? NSND Trần Minh Ngọc nói: "Đó là vấn đề đáng bàn để sớm thay đổi cách tổ chức, đầu tư ngân sách cho các trại sáng tác. Có quá ít vở hay được dựng, đó là câu trả lời về hiệu quả của các trại sáng tác. Cũng có kịch bản được trao giải A, giải B nhưng rồi dựng chỉ diễn vài suất. Đó là sự đau đầu của nhà tổ chức".
Cảnh trong vở cải lương “Nghề nuôi quan” của tác giả Đăng Minh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, một trong những kịch bản hiếm hoi dàn dựng được trên sân khấu sau khi tham gia trại sáng tác
"Thay máu" bằng cách nào?
Tác giả Vương Huyền Cơ - Chi hội trưởng Chi hội sáng tác Hội Sân khấu TP HCM - chỉ ra: "Nhiều kịch bản tham gia trại sáng tác được gọi là "kịch" nhưng thực chất chỉ như một sự xâu chuỗi các chặp hài, chọc cười khán giả bằng mọi cách, nội dung hời hợt. Để chấm dứt chuyện chọn đề cương cũ hơn 20 năm đem dự trại, rồi được thông qua, rót kinh phí thì cách tổ chức trại sáng tác phải cần thay đổi".
Theo NSND Việt Anh: "Cần thay đổi cách thức tổ chức các trại sáng tác. Nó là sự sáng tạo mang tính độc lập, đưa đến trại một đề cương để cùng góp ý, mổ xẻ là không thực chất. Chưa kể xảy ra trường hợp ăn cắp ý tưởng. Theo tôi, nên thay đổi bằng cách đầu tư theo tiêu chí: tổ chế tác bàn luận, tranh cãi về một đề tài đã được chọn. Có quy định và thời hạn thanh lý hợp đồng để tổ chế tác cho ra đời được tác phẩm sân khấu từ kịch bản của họ".
NSND Việt Anh đề nghị thời gian tổ chức và đặt hàng tác giả theo hợp đồng có quyền lợi, trách nhiệm hẳn hoi. Có mức nhuận bút cụ thể theo đề cương, đề tài và chủ đề tư tưởng. "Bỏ ngay việc tổ chức trại khi nhiều tác giả mượn cớ để đi chơi, đề cương thì lấy từ những cái cũ, xào nấu từ trại này qua trại khác, lãng phí thời gian, tiền thuế của nhân dân" - NSND Việt Anh bức xúc.
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF), lượng tác giả giỏi nghề thì đã già yếu, giải nghệ, còn tác giả trẻ chịu đi, chịu dấn thân nhưng lại kém về bố cục, thủ pháp. "Hiện nay, thiếu kịch bản hay, trại sáng tác yếu kém, xa rời thực tế là bài toán nan giải của sân khấu Việt" - ông Tuấn nói.
Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng để có được những kịch bản sân khấu hay về đề tài hiện đại, quan trọng nhất là phải đầu tư, nuôi dưỡng người viết trẻ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để họ phát triển chứ không phải nhắm vào những trại sáng tác không hiệu quả này.
Nên có sự thay đổi
NSƯT Trần Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho hay hiện cả nước có gần 40.000 văn nghệ sĩ, mỗi trại sáng tác tổ chức cho 15 người, nếu tính quay vòng, nhanh cũng phải 30 năm văn nghệ sĩ mới được tham gia trại sáng tác lần thứ hai do cùng một hội tổ chức. Thực tế này cho thấy các nghệ sĩ, trong đó có tác giả kịch bản sân khấu, thiếu môi trường để trao đổi ý tưởng, đóng góp ý kiến, sửa chữa, hoàn thiện tác phẩm, nâng tầm nội dung tư tưởng nghệ thuật cho từng kịch bản, nên có sự thay đổi để cách tổ chức trại sáng tác trong thời kỳ mới sẽ là nơi học hỏi lẫn nhau về tư duy sáng tạo, trau dồi kỹ năng viết để cho ra đời những kịch bản hay, tạo ra những vở diễn có giá trị nghệ thuật cao.
Bình luận (0)