Ngoài công việc của một nữ phóng viên Báo Phú Yên, nhà văn Phương Trà dành dụm thời gian để theo đuổi đam mê viết lách. Cảm hứng chủ đạo của "Dưới ánh sáng thiên đường" là những con người giản dị với những sinh hoạt thầm lặng. Nhà văn Phương Trà có xu hướng nâng đỡ những nhân vật có chút khiêm nhu, có chút lẩn khuất và có chút thua thiệt. Họ đi qua trang văn, đôi lúc như cái bóng mờ nhòe nhưng để lại hơi ấm ân cần.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” cho tác giả Phương Trà, ngày 25-7-2019. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bìa tập truyện ngắn “Dưới ánh sáng thiên đường”
Truyện ngắn trong tập "Dưới ánh sáng thiên đường" thể hiện đầy đủ phong cách của một người vừa viết văn vừa làm báo là "Sự tha thứ cuối cùng". Ở đó, tác giả Phương Trà không chỉ thu nạp dữ kiện thời sự mà còn trưng dụng ngôn ngữ thời sự: "Người ta nói đúng, mất ghế là mất hết. Thật ra, cái ghế không mất, nó được chuyển giao từ người này qua người khác, tức là chuyển giao luôn những bổng lộc, hoa hồng hoa huệ, những bợ đỡ xun xoe, những xinh tươi ngơ ngác cần được nâng đỡ không trong sáng".
Chiếm dung lượng vượt trội trong tập "Dưới ánh sáng thiên đường" là những truyện ngắn viết về giới bác sĩ. Năm truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường", "Chỗ nghẽn trong tim", "Máu hiếm", "Bão" và "Đợi" đưa ra 5 góc nhìn khác nhau về những con người khoác áo blouse trắng.
Tác giả huy động một hệ thống chi tiết tương đối phong phú để soi rọi sứ mệnh của họ trong bệnh viện và tâm tư của họ ngoài đời thường. Họ cũng có những bận bịu, những vướng mắc, những đắm say, những đổ vỡ... nhưng khi đối diện lằn ranh sinh tử của tính mạng người cần cứu giúp thì họ toàn tâm toàn ý phụng sự và cống hiến.
Tô đậm hình ảnh bác sĩ trong tập truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường", nhà văn Phương Trà muốn cùng độc giả khám phá những câu chuyện phía trước lẫn phía sau ánh đèn phòng phẫu thuật, mà nhiều nhất là lĩnh vực can thiệp tim mạch. Nhà văn Phương Trà không giấu giếm mục đích biểu dương những con người biết cho đi mà không cần người khác phải khiến mình vừa ý đẹp lòng, những con người biết cưu mang người khác mà không cần đợi bản thân phải nhàn rỗi hoặc thuận lợi, những con người dám hy sinh mà không cần xã hội phải tôn vinh hay trọng vọng.
Mục đích ấy gián tiếp nhắc nhở lời thề Hippocrates khi đâu đây đã vang lên hồi chuông cảnh tỉnh y đức. Mục đích ấy trực tiếp hồi sức tích cực cho vẻ đẹp của những trái tim nhân hậu vẫn thường xuyên chìm lấp trên cõi nhân gian đang sôi sùng sục danh lợi.
Bình luận (0)