Ngày 9-12, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng (Dzũng Art) khai mạc triển lãm "Vườn xưa" và ra mắt sách ảnh "Mùa nắng phai" tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Có gì trong vườn xưa mùa nắng phai?
Dzũng Art lạ ở chỗ đi được cả hai con đường: mỹ thuật và nhiếp ảnh đều chuyên nghiệp, đều để lại những dấu ấn rất riêng.
"Vườn xưa" của Dzũng Art là những tà áo dài tha thướt trong khu vườn xanh màu lá, hài hòa với thiên nhiên và vương vấn ký ức, hoài niệm; là những nếp nhà cũ kỹ ẩn mình trong vòm lá; là khung cửa sổ mở ra những vùng tưởng tượng và ước mơ. "Vườn xưa" trưng bày 37 bức, mở cửa từ ngày 9-12 đến hết ngày 16-12 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Cũng tại triển lãm "Vườn xưa", họa sĩ - nhiếp ảnh gia Dzũng Art giới thiệu tới công chúng cuốn sách ảnh "Mùa nắng phai" với 130 tác phẩm ảnh nghệ thuật mà như họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: "Cái khác lạ dễ nhận ra nhất ở cuốn sách ảnh "Mùa nắng phai" là chất hội họa bảng lảng trong từng tác phẩm".
Một trong những tác phẩm trong sách ảnh "Mùa nắng phai" và chân dung nghệ sĩ Dzũng Art.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Mùa nắng phai" là một cái tên rất gợi, chỉ riêng cái tên thôi đã đưa người đọc, người xem về những miền yêu dấu ẩn kín đâu đó trong tâm tưởng mỗi người. Những cô gái mặc áo dài cũ, yếm váy đụp cũ trên một bối cảnh cũ, nhà Bắc Bộ ba gian hai chái, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng, ao bèo. Những cô gái lặng lẽ thả hoa đăng trên sông Hương, khua mái chèo trên sông Hoài… những vẻ đẹp cũ, không khí cũ yên bình, mùa nắng cũ, mùa của thời gian đã qua…
"Với tôi áo dài chắc chắn là đẹp, phụ nữ Việt Nam mặc áo dài chắc chắn là đáng yêu. Áo dài ngày nay nhiều người nói nó là "quốc phục" của phụ nữ Việt Nam cũng không sai, bởi dù có đi đâu mà nhìn thấy tà áo dài thì biết ngay đó là người Việt Nam. Nó như một biểu tượng. Biết là đẹp đấy, nhưng chụp áo dài một chủ đề mà đã quá nhiều tay máy thử sức" - Dzũng Art chia sẻ.
Dzũng Art có cách phản ánh vẻ đẹp không nhiều tương phản mà thiên về bảng màu đơn sắc. Gần như mỗi tác phẩm hoặc loạt tác phẩm được anh chụp theo một chủ đề màu sắc và trung thành bám sát chủ đề đó trong từng chi tiết của tác phẩm. Chính nét riêng này làm cho ảnh chụp áo dài, áo yếm trở thành "thương hiệu" nổi bật, đậm đặc dấu ấn Dzũng Art.
Dành hết thời gian cho nghệ thuật
Dzũng Art vốn là người vẽ, đi học vẽ, hành nghề vẽ, có nhiều triển lãm tranh riêng chung trong ngoài nước. Có thời gian dài làm hội họa rồi mới "bỗng dưng" chuyển "gam" sang nhiếp ảnh. Nhưng mỗi một loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ biểu đạt riêng, đăc trưng và không thể thay thế. Nói cách khác, các loại hình nghệ thuật tồn tại độc lập bằng ngôn ngữ của mình mà không cần phải dựa vào cách nói của "kẻ khác".
Dzũng Art tự sự ban đầu anh chụp ảnh chỉ để lưu giữ những khoảnh khắc để rồi sau đó ngồi vẽ lại, chuyển tải ý niệm nghệ thuật sang ngôn ngữ hội họa. Nhưng chụp rồi thì mê ảnh, yêu ảnh, cuối cùng thì cầm máy với ý thức chuyên nghiệp. Khi hài hòa được cả nhiếp ảnh và hội họa trong mỗi khung hình thì cả hai cùng được tôn vinh, nếu non tay thì sẽ lợi bất cập hại, sẽ vô tình giết chết cả hai. Không ít người chụp hiện nay quá đà nên ảnh của họ như tranh và ngược lại trong hội họa cũng có một dòng tranh y như ảnh.
"Chất hội họa trong ảnh của Dũng nói chính xác phải là chất đồ họa. Tức là thiên về mảng phẳng, ít chi tiết, bố cục khúc chiết gồm 2 hoặc 3 miếng lớn, vuông bằng, sổ thẳng. Ví dụ một (hoặc một nhóm) nhân vật đứng trước một cái nền nào đó, có thể là bức tường, có thể là cánh đồng, mặt ao hoặc cơn mưa…" - họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định. Dzũng Art thường đặt góc máy chính diện, không hất lên, không úp xuống, không nghiêng ngả, cố tình triệt tiêu chiều sâu của nhiếp ảnh truyền thống, để lại dấu ấn trong cách nhìn đậm tính hội họa của riêng mình.
Dzũng Art tự sự: "Hội họa phải tĩnh, sống chậm, phải đầu tư cho nó rất nhiều mới có kết quả. Còn nhiếp ảnh cần nhanh, chớp lấy khoảnh khắc. Cả hai con đường, một bên là cái đẹp trước mắt, một bên là định hướng lâu dài, đều cần phải đi. Với nhiếp ảnh, mọi người biết đến tôi nhiều hơn. Nhưng hội họa cho tôi nhiều lắm nên tôi luôn cảm ơn hội họa.
Vì đã quen với cách tư duy của hội họa, nghĩa là điều quan trọng nhất là bản thân mình có thấy đẹp hay không và mình phản ánh nó cách gì, nên tôi quan niệm cũng không nhất thiết mẫu phải đẹp theo kiểu chuẩn mực trên sàn diễn, vai gầy, bụng phẳng, ngực mới nhú… Tôi thích và đã chụp cả các mẫu sinh ba con, cái ngấn bụng khi đánh sáng vào y như những thửa ruộng bậc thang, đẹp một cách phồn thực hoặc những bộ ngực chảy dài sau thiên chức làm mẹ. Với tôi, cái đẹp càng gần gũi với đời thường càng tốt chứ không phải thứ lấp lánh đèn màu sân khấu hay mờ ảo xa vời".
Dzũng Art vẽ nhiều, chụp nhiều, triển lãm tranh và ảnh rất đều đặn. Từ năm 2003 đến nay, anh có hơn 20 cuộc triển lãm tranh và ảnh trong nước và nước ngoài (tại Mỹ, Singapore, Ấn Độ)…
Bình luận (0)