Vài cái kẹo như thớ măng khô, dai nhách, ướp thứ gia vị có mùi hăng hăng. Thế mà bọn trẻ con thích, chúng cứ để dành tiền bố mẹ cho ăn sáng rồi thi nhau mua. Thỉnh thoảng Loan còn cho bọn chúng vài cái thẻ in hình siêu nhân gì đó nên chúng thích lắm.
Quán nhỏ mà vui, đó cũng là nơi tụ tập của những cô dì quá lứa, lỡ thì, chồng bỏ, chồng chê, tối đến thi nhau tụ tập chuyện trò ríu ran, y như ngày xưa thanh niên tụ tập ở ngã tư làng tán gẫu. Loan có một bên chân trái bị tật bẩm sinh, đi đứng chấm phẩy nhưng cô yêu Vinh nhiều lắm. Mỗi độ Vinh ghé qua nói chuyện cùng mấy bà vào buổi tối. Cái mùi rượu từ cơ thể Vinh nồng nồng, pha cả thứ bụi mùn cưa dính trên da khi Vinh làm thợ mộc chưa kịp phủi đi. Thường thì cứ khoảng hơn 9 giờ tối, khi Thơm chào Loan ra về, ngay lúc đó Loan đóng cửa quán lại, rồi sà vào lòng Vinh đầy thổn thức.
- Mùi rượu quá anh Vinh ạ!
Vinh lại phá lên cười đầy vẻ đắc chí: Giờ thì ai chả có mùi. Đến Loan còn có mùi nữa là. Chúng ta đâu còn trẻ mười tám đôi mươi. Tuổi đấy gái hay trai đều phát ra mùi thơm cơ thể để đi tìm bạn tình. Đến giờ cũng 50 rồi. Bao nhiêu mùi mỡ từ cơ thể, mùi đời gian khổ nó ám vào. Làm sao mà chả mùi!
Loan cười tủm tỉm có phần e thẹn. Vinh lại ôm Loan vào lòng, Vinh sờ vào cái bụng phè phè mỡ mà dí vào đó lún xuống rồi nó lại nổi lều phều lên. Cả những vết rạn như mắt võng hồi Loan sinh thằng Mạnh nữa, vết rạn vẫn vẹn nguyên ở đó, vết tích của mỗi lần vượt cạn mà phụ nữ ai từng một lần sinh nở rồi chẳng có. Chỉ có mỗi Thơm, cả đời cô cũng vì khao khát có một mụn con mà đi qua hai đời chồng vẫn một mình lẻ bóng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Trời chuyển dần về đêm, tiếng ễnh ương dưới ao chuôm kêu ộp oạp. Loan ú ớ vài tiếng rên rỉ trong cổ họng ra điều sung sướng và mãn nguyện.
Xong chuyện, Vinh nhìn Loan cười hềnh hệch. Nằm thở một chút, Vinh vớ lấy cái điếu cày, châm một bi thuốc lào.
- Ngày xưa nghén thằng Mạnh, em lại thèm mùi nước điếu đấy anh Vinh ạ!
Loan nhìn vào Vinh và phá lên cười hơ hớ, thao thao kể chuyện.
- Chết cười cái ngày xưa. Lúc đi làm thợ hồ cùng bố thằng Mạnh. Lúc ấy em đang nghén nặng, cứ tầm 10 giờ trưa là thèm ngửi mùi nước điếu, cầm cái nõ điếu bát mà hít lấy hít để. Nghén rồi thấy không hôi mà thơm nức là thơm.
Vinh cười, anh vớ lấy cái quần đùi mặc vào rồi tiếp lời.
- Tôi hỏi thật Loan nhé! Thằng Mạnh không phải con của ông Quân đúng không? Là bố con ít nhiều thường sẽ giống nhau, đằng này tôi thấy thằng Mạnh giống hệt ông Kha. Người làng họ cũng kháo nhau như thế.
Loan im lặng một lúc rồi lăn mình đến chỗ Vinh đang ngồi, sờ vào cái nốt ruồi thịt sau lưng Vinh.
- Anh Quân mất rồi em mới dám kể với anh lần đầu tiên. Dân làng họ tinh lắm, chả giấu được những con mắt chuyên soi mói của người làng. Thằng Mạnh đúng là con anh Kha. Hồi trước anh Quân có biết vụ này, cái hồi họ vẫn cùng làm thợ xây với nhau. Em báo với anh Quân rằng em có mang, anh ấy biết ngay không phải của anh ấy. Nhưng anh Quân thương em chân tay què quặt, vẫn lấy em làm vợ thứ, tuy nhiên từ đó anh chẳng bao giờ thèm ngủ với em, dù chỉ một lần.
Châm thêm điếu thuốc và rít một hơi dài nữa, Vinh cúi xuống nói nhỏ:
- Công nhận ông Quân tốt thật, phải như tôi, Loan bị bỏ lâu rồi.
Vinh mặc nốt chiếc áo sơ mi cộc tay nhàu nhĩ màu cháo lòng. Anh khoác vào người nhưng chẳng thèm đóng cúc. Cứ phanh ngực rồi bước ra cửa rất thuần thục mở cái then gỗ như hành động quen thuộc lắm rồi.
- Loan ra cài then vào mà ngủ tiếp đi, tôi về đây!
Vinh cất tiếng ho phả vào màn đêm rồi khệnh khạng đi khuất ngõ. Tầm hơn 12 giờ đêm, có vài tiếng gà gáy rồi tắt hẳn. Loan nằm lại trên giường, hơi mền mệt, trở trời hay sao mà cái chân cô lại cảm thấy đau. Hôm trước, thằng Mạnh gọi điện về bảo mua cho mẹ ít thuốc ở bên Hàn Quốc gửi về. Thuốc ngoại nên giảm đau tốt. Thằng Mạnh cũng ngoan, lớn rồi học không giỏi nhưng biết đi lao động xuất khẩu để kiếm tiền giúp mẹ xây lại căn nhà dột nát từ năm ngoái. Mạnh chẳng nghĩ mẹ nó ở nhà cũng có người yêu mà lúc nào cũng sợ mẹ cô đơn ở nhà một mình không có ai bầu bạn. Nhớ có lần Mạnh đi liên hoan cùng đám bạn về nhà, nó buồn buồn hỏi mẹ:
- Mẹ có biết tại sao bạn con bảo con giống hệt chú Kha, chồng cô Mai, không? Mỗi lúc con nhìn chú ấy đi qua, con cũng thấy giống.
Lúc ấy Loan lại cố tình gạt đi.
- Ôi dào! Giống là giống thế nào, mày là con ai mẹ mới là người biết rõ nhất.
Nói vậy thôi chứ lúc đó mắt Loan không dám nhìn thẳng vào mắt thằng Mạnh. Hình như nói dối khiến con người ta phản xạ như thế. Cúi mặt xuống và tránh ánh mắt của người đối diện. Kha là người đàn ông lẻo mép và đa tình. Ngày ấy, Loan không thể cưỡng nổi sự gạ gẫm của Kha mà cái đêm trăng cả đội thợ xây liên hoan với nhau tối hôm ấy. Cô đã dan díu với Kha ngay tại vườn chuối nhà Quân, gió thổi loạt xoạt. Tiếng rên rỉ lẫn trong tiếng gió nên chẳng ai nhận ra hay nghe thấy. Loan không cưỡng nổi sự đê mê ngày hôm ấy và đã mang thai thằng Mạnh.
Nhưng Kha là người đàn ông trăng hoa, hắn ngủ với ối người đàn bà, có đếm cả mười đầu ngón tay cũng không đủ. Thế nên, việc Kha không thừa nhận thằng Mạnh là một điều bình thường với bản chất người đàn ông không tử tế. Vả lại, Kha cũng có một đống con cả trai lẫn gái, vợ hắn cũng quen với bản tính trăng hoa của hắn nên chả thèm đi đánh ghen. Mọi việc bàn tán của người làng, nói xong lại thôi, bao đời nay vẫn thế. Kha thây kệ, Loan cũng thây kệ và thằng Mạnh vẫn cứ thế lớn lên với danh phận con trai của ông Quân - người đàn ông tử tế lấy Loan làm lẽ, cho Loan một danh phận nhưng đã bị bệnh lao phổi mất từ 3 năm trước.
Bây giờ thì Loan tự do, một căn nhà nhỏ, một cửa hàng tạp hóa và những người yêu đến với cô. Trước đây khi chưa yêu Vinh, cô còn yêu khối ông khác. Nào là ông Hoan thiến lợn, ông Can lô đề, ông Mão mặt rỗ... Mỗi một người đến bên đời Loan đều cho cô một cảm xúc khác nhau. Có nhớ nhung, giận dỗi và cả niềm đau.
Nhưng với Vinh có lẽ là người Loan yêu nhất. Vinh có lời nói của kẻ lãng tử, đôi bàn tay khéo léo của người thợ mộc, đôi khi là cả một họa sĩ nếu Loan bảo Vinh viết chữ hay vẽ tranh. Vinh vẽ thân thể Loan, cả hai chân dài bằng nhau, cô ngồi nghiêng bên giường, vài chiếc quần áo cũ vương, vài thanh kẹo xanh đỏ còn chưa cắm vào ống cho bọn trẻ nhỏ chọn mua. Trong bức vẽ ấy, một người phụ nữ tật nguyền bỗng lành lặn và đẹp đẽ ngay cả khi đồ đạc xung quanh vẫn còn lôi thôi chưa xếp gọn gàng.
Nhưng cuộc đời Vinh thì chả đẹp tí nào, vợ Vinh mất khi hai con trai anh đang tuổi ăn tuổi lớn. Chúng mất mẹ, Vinh thì chán nản sa vào rượu chè, bỏ bê con cái. Chúng trở nên hư đốn khi bê tha, cờ bạc. Mỗi thằng ở một trại giáo dưỡng khác nhau. Vinh ngày nào cũng làm thợ mộc thuê cho nhà ông Lượng. Tối đến vui thì anh uống ít, không vui thì anh uống nhiều, rượu đối với cuộc đời anh không thể thiếu. Nó là men say khiến anh thấy cuộc đời bồng bềnh hơn, bớt sầu hơn. Có chút hơi men chếnh choáng, Vinh lại quen chân đến nhà Loan cốt để làm ít "mồi" ngon chốt hạ cho giấc ngủ say nồng. Loan không xinh nhưng duyên, da thịt trắng trẻo, tươi mát và bản tính dễ gần.
***
Sáng nay mưa, Thơm đã tò tò đến nhà Loan từ sáng.
- Thế nào, đêm qua hai người vui không?
Loan lại hào hứng kể hết.
Thơm lí nhí nói nhỏ với Loan và chẳng đợi câu trả lời. Ánh mắt cô không tỏ ra vui cho lắm.
- Chị còn có thằng Mạnh lo lắng cho về già, em gần 50 tuổi rồi, mụn con không có. Em chỉ thèm đứa con.
Thơm nói rồi Loan lại tiếp.
- Thì mày đi chạy chữa tiếp tục xem, biết đâu gặp thầy gặp thuốc. Mà không thì xin đại một đứa con nuôi. Mình tốt với nó, nó khắc sẽ tốt với mình.
- Ôi, "khác máu tanh lòng", em chỉ thích con của em đẻ ra. Mà bao nhiêu năm nay em đi bệnh viện khắp Bắc - Nam, họ bảo em bình thường không sao cả. Thế nên em vẫn hy vọng.
- Hy vọng thì lại tìm một ông mà lấy đi! Chứ mày cũng hai đời chồng rồi đấy. Mấy thằng chồng cũ của mày nó vợ con đề huề cả rồi. Việc không đẻ được là tại mày lù lù ra đấy.
- Haizz, cũng chưa chắc, biết đâu em lại đẻ được nữa thì sao. Em vẫn hy vọng có một mụn con chị Loan ạ!
Thơm vẫn cố chấp như nói nốt để che đậy nỗi buồn trong lòng mình. Thơm có chiếc răng khểnh rất xinh, dáng người óng ả không béo chẳng gầy. Vẫn dáng người thời con gái đã đi qua, vì chưa đẻ bao giờ nên Thơm giữ được phần óng ả, bụng không sồ sề ngấn mỡ. Bữa nay, Thơm đi làm tóc xoăn trông rất hợp mốt mà nhìn lại "Tây Tây".
***
Sáng nay, Thơm đi chợ qua nhà Loan, cô kêu nhức đầu, cái bệnh tiền đình kinh niên mỗi khi trở trời lại tái phát. Buổi tối ập đến, tự nhiên Loan thấy văng vắng. Trời chuyển gió bấc lành lạnh nên tầm gần 9 giờ, con đường làng đã thưa người qua lại. Thằng Mạnh vừa gọi điện cho mẹ đã tắt máy đi ngủ rồi, mai nó phải vào ca sớm. Loan định bụng hay có khi vào thăm Thơm một chút. Cô đóng cửa quán, mặc thêm cái áo khoác và đi vào nhà Thơm. Cô tranh thủ đi nhanh để lát kịp quay về khi Vinh đến.
Nhà Thơm ở cuối xóm, cô ở một mình trong ngôi nhà ba gian cũ kỹ bố mẹ cô mất để lại. Căn nhà thắp điện ngủ ánh sáng mờ mờ. Loan tiến gần vào phía cửa chính, bỗng trong nhà có tiếng thở hổn hển của người đàn ông, tiếng rên rỉ của Thơm, cô còn cố dành hơi thều thào để nói cho người đàn ông kia nghe thấy:
- Anh ơi… hãy... cho em một đứa con!
Loan không gõ cửa nữa, cô quay người ra về. Lòng cô cũng mừng thầm cho Thơm, biết đâu sau hôm nay, Thơm lại có thai. Loan hy vọng như thế, những hy vọng nối tiếp nhau của những người đàn bà nạ dòng vẫn mong chờ một tương lai tốt đẹp; dù khoảng đời trước kia, có lúc họ từng chan nước mắt thay nụ cười.
Loan về tới nhà, cô cởi chiếc áo khoác vắt lên ghế. Cô đóng cửa khép hờ không cài then. Trời đã trôi về khuya nhưng Loan không tài nào ngủ được. Cô nhìn ra phía cửa, mong ngóng có bóng dáng quen thuộc của Vinh lách nhẹ bước vào.
Nguyễn Thanh Nga
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng. Hiện đang sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh. Có đam mê viết lách; những tác phẩm được đăng báo: "Gió thổi bến sông", "Tình khói mây", "Những bước chân trở về"... Và nhiều tác phẩm đăng trên Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)