xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông khách lạ

Truyện ngắn của Từ Nguyên Thạch

Một ông khách tới ngã giá qua đêm. Ổng đội nón che gần nửa khuôn mặt, mang kính trắng, khó đoán tuổi. Vả lại đêm đã xuống, mọi thứ nhìn không còn rõ ràng.

Kinh nghiệm trong nghề dạy tôi không có một khách làng chơi nào đàng hoàng cả. Nên tôi luôn ở thế cảnh giác. Và dĩ nhiên phải bịa ra một câu chuyện lâm ly về mình khi khách hỏi.

Ông khách này cũng hỏi. Nhưng tôi im lặng. Trong đầu nghĩ ông bỏ tiền mua thì thỏa mãn ngay đi rồi biến. Đừng hỏi lung tung, mệt lắm.

"Cô không muốn kể cũng không sao. Bây giờ mình nằm bên nhau và ngủ nha".

Hả? Ông khách này coi bộ kỳ.

"Dạ, tùy anh" - tôi đáp.

"Đó thấy chưa, tôi biết là cô sẽ nói chuyện mà!".

Trong giọng ông khách có niềm vui. Tôi không còn hồi hộp. Mỗi khi tiếp khách là tôi hồi hộp. Nhưng lần này lại khác. Cơn hồi hộp tự biến mất.

Tôi nằm. Nhắm mắt. Chờ cơn vồ vập của khách. Thân xác này còn có nghĩa lý gì. Chờ hoài. Chờ hoài. Rồi ngủ quên. Gần sáng, tôi giật mình tỉnh ngủ. Ông khách không còn bên cạnh. Nghĩ là ông đi vệ sinh nên tôi nằm chờ. Hơn mười phút vẫn không thấy động tĩnh gì. Tôi nhổm dậy. Lần này mới tin chắc là ông khách đã bỏ đi. Tôi ngơ ngác. Suốt đêm qua ông khách đã không làm gì. Lần đầu tiên tôi gặp một ông khách như vậy. Hay là tôi nằm mơ? Tôi lần tìm ví. Tiền ông khách đưa hôm qua còn đây. Lạ. Chuyện ông khách đêm qua cứ ám ảnh tâm trí tôi suốt ngày hôm đó.

Một tuần sau, ông khách lại tới.

Khi đã nằm bên nhau, ông khách nói:

"Lần trước bận việc nên tôi về sớm. Thấy cô ngủ say nên không đánh thức".

"Dạ, em xin lỗi. Hôm đó em mệt quá".

Tôi định hỏi "sao ông kỳ vậy" nhưng lại thôi. Như hiểu được ý tôi, ông khách cười:

"Cô thấy tôi kỳ kỳ phải không. Tôi không kỳ đâu. Tôi là vậy đó".

Trời ơi, người vậy mà không kỳ. Tôi nghĩ thầm.

"Anh bỏ tiền ra để ngủ với em mà sao không…".

"Thì tôi đã ngủ với cô. Cô không đồng ý sao?" - ông khách cười.

"Không phải, ý em là...".

"Tôi hiểu ý cô... Nhưng thay vì..., tôi thích trò chuyện với cô, được không?".

"Dạ, chỉ trò chuyện thôi sao?".

"Đúng rồi, nếu cô thấy thích... còn không cũng không sao, cô đừng quá bận tâm".

"Dạ, em... em... không biết trò chuyện... em... em...".

Tôi nói thật lòng. Tôi không biết trò chuyện.

"Kể chuyện phải thích mới kể được. Nếu thấy chưa thì thôi. Nằm ngủ vậy" - ông khách nói.

Chúng tôi tắt đèn. Phòng yên lặng. Tiếng cành lá khua ngoài cửa sổ. Trời hôm nay gió nhiều, ảnh hưởng một cơn áp thấp. Tôi cảm thấy khó ngủ. Bên tôi, ông khách thở đều đều. Có lẽ đêm nay cũng không có gì. Cơn hồi hộp không về. Tôi cảm thấy bình yên như ngày xưa trong nhà mình. Đã lâu lắm tôi mới có cảm giác này. Nước mắt chợt ứa ra. Tôi nhớ mẹ, nhớ em Tí của tôi vô cùng.

Ông khách lạ - Ảnh 2.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm mười bốn tuổi, tôi mất trinh. Tôi bị một lão dê xồm đáng tuổi cha tôi dụ dỗ. Tôi thường qua nhà học cùng con gái lão. Thỉnh thoảng gặp bữa, bạn rủ tôi ở lại ăn cơm. Lui tới nhiều lần nên tôi như con cháu trong nhà. Một sáng, tôi qua nhà nhưng không có bạn. Lão nói con ở lại ăn chè đậu đen nước đường, ngon lắm. Lão đưa tôi một ly đầy. Ăn xong, đầu tôi cứ ngầy ngật. Lão mở video cho coi. Phim toàn cảnh hôn hít. Tôi sợ quá định chạy về nhưng hai chân nặng trịch không bước đi nổi. Thế rồi lão đè tôi xuống nền nhà. Tôi vùng vẫy. Khóc hết nước mắt. Lão mặc lại áo quần cho tôi. Lão hết dỗ tới dọa sẽ giết nếu nói cho ai biết.

Buổi sáng đó cứ ám ảnh tôi. Nằm ngủ, tôi gặp toàn ác mộng. Cuối năm đó, tôi quyết định bỏ học. Tôi nói với mẹ theo bạn lên thành phố kiếm việc làm. Tôi không có cha. Cha bỏ đi khi tôi còn nhỏ. Nhà chỉ có mẹ, tôi và con Tí em tôi, mười một tuổi. Mẹ tôi không nói gì, đôi mắt rầu rầu. Tôi nắm hai vai con Tí: "Tí ở nhà ngoan với mẹ nghe. Chị lên thành phố kiếm tiền mua đồ đẹp cho Tí". "Tí không thèm đồ đẹp. Tí thích có chị". "Thôi mà, chị đi kiếm tiền cho Tí, cho mẹ. Mẹ rất cần tiền, Tí biết không… Chị hứa sẽ về sớm". Con Tí rớm nước mắt: "Chị hứa với Tí đi. Chị ráng về sớm nghen!".

Tôi lên thành phố. Vừa chân ướt chân ráo bước xuống xe thì có ông xe ôm sà lại: "Em về đâu lên xe anh chở… Tìm việc làm à, anh giới thiệu cho, nhiều việc làm lắm, hoàn toàn miễn phí". Tôi nhìn hắn dò hỏi. Thấy vậy, hắn cười: "Yên tâm đi, không ai lừa em đâu. Có chỗ này đang cần người phụ quán ăn, cơm ngày ba bữa, lương trăm ngàn đồng/ngày". Hắn chở tôi đi vòng vèo một hồi rồi dừng trước một ngôi nhà to, bên ngoài treo tấm bảng "Restaurant Mây Ngàn". Hắn dẫn tôi vào một căn phòng kín mít, nói đứng đó rồi biến mất. Tôi chờ khá lâu nhưng không thấy hắn trở lại. Nhìn quanh, trong ánh sáng mờ mờ tôi thấy trên tường treo nhiều hình con gái ăn mặc hở hang. Một nỗi sợ lan nhanh khắp người tôi. Đèn phòng chợt sáng. Một phụ nữ đến nói đi theo bà. Tôi được dẫn đến một căn hầm vì nó nằm dưới mặt đất, thiếu ánh sáng. Trong phòng có mấy cô gái trạc tuổi tôi. Tôi được cho ăn cơm và ngủ một giấc dài mê mệt.

Sáng hôm sau, tôi được dắt lên gặp người quản lý nhà hàng. Đó là một phụ nữ mập, lùn, bự phấn. Người ta gọi "má Hai", "má mì". Bà nói công việc của tôi là tiếp khách đến ăn uống. Lương mỗi ngày một trăm ngàn, tháng trả một lần. Tiền khách "bo" nếu có, phải nộp về cho quản lý, cuối tháng tùy theo ít hay nhiều mà được thưởng thêm.

Tôi không biết uống bia. Tôi không biết tiếp khách. Tôi còn nhỏ. Tôi không quen thế giới xa lạ này. Thế giới tôi không hình dung ra trong trí óc non nớt của tôi. Tôi từ chối và xin ra khỏi đây. Chưa nói hết câu thì bà má mì nạt ngang: "Muốn rời khỏi thì phải trả tiền chuộc hai triệu đây!". "Tiền chuộc nào, con đâu mượn". Bà cười gằn: "Tiền chuộc cho thằng xe ôm dắt mối đó, hiểu chưa cưng". Nghe vậy tôi òa khóc. Má mì đổi giọng: "Con tạm làm một thời gian rồi má sẽ cho về bộ phận bếp". Tôi đòi chuyển ngay. Mụ đập bàn: "Muốn đi phải trả hai triệu tiền cò dẫn mối, hai triệu ăn ở mấy ngày nay". Cặp mắt mụ long lên làm tôi sợ. Tôi nín re, không dám đòi đi nữa. Chỉ biết khóc thầm đêm đêm.

Một tháng sau, má mì gọi tôi lại nói phải "tiếp khách". Tôi sợ, khóc nức nở. "Sao bù lu bù loa vậy? Bộ thứ dám bỏ nhà đi như mày mà còn trinh à?". Mụ nhốt và bỏ đói tôi. Tôi thà chết đói chứ không bao giờ tiếp khách. Tôi căm thù bà, căm thù suốt đời.

Trong quán có tay dắt gái tên Tấn, khoảng ba mươi tuổi, tỏ ra có cảm tình với tôi. Hắn rủ tôi trốn theo hắn. Tôi gật đầu ngay. Một tối, thừa lúc má mì ra ngoài, hắn mở cửa phòng đưa tôi đi trốn. Hắn chở tôi bằng xe máy tới một nhà trọ tồi tàn nằm sâu trong con hẻm nhỏ miệt Gò Vấp. Tôi không có ai quen ở thành phố nên phải ở chung với hắn như vợ chồng. Lúc này, tôi mới biết hắn nghiện ma túy. Lúc lên cơn, hắn có thể giết người. Tôi buôn bán đầu tắt mặt tối cũng không đủ cho hắn thỏa cơn nghiện. Hắn bắt đầu giở thói vũ phu. Hắn đánh đập tôi. Và đau đớn hơn, hắn bắt tôi đi làm gái để nuôi hắn. Tôi bỏ trốn nhiều lần nhưng không thoát. Bởi ngoài Tấn còn bọn đàn em tai mắt của hắn. Tiền kiếm được trong ngày bị hắn lột sạch. Tôi cố giấu trong mọi ngóc ngách cơ thể của mình, hắn cũng tìm ra. Mà không tìm ra hay tìm ra ít, có chút nghi ngờ là hắn nắm tóc tôi đập vào tường bình bịch.

Đêm đêm tôi khóc. Tôi nhớ mẹ, nhớ em Tí. Tôi hứa sẽ sớm về với Tí, sẽ cho Tí nhiều tiền. Mà đã năm năm chưa lần nào về. Tôi không dám về. Vì còn mặt mũi nào nhìn mẹ, nhìn em.

Tôi mở mắt. Ông khách đã đi lúc nào. Tiền khách trả còn nằm trong ví. Tôi hé cửa sổ nhìn xuống đường. Trong lòng tôi chợt đầy lên một cảm xúc khó tả. Hay là tôi mong người khách trở lại.

Hơn một tháng rồi ông khách không lại. Tại sao lại trông chờ một khách làng chơi kia chứ. Tôi đâu còn là một cô gái mới lớn. Dẫu biết vậy nhưng lòng tôi vẫn thắc thỏm hằng đêm.

Và rồi một đêm kia, ông khách đã đến. Tôi có một chút gì như luống cuống. Nằm bên tôi, ông khách nói:

"Anh về quê có chút việc, mới lên hôm nay" - ông khách đổi cách xưng hô.

"Hèn gì lâu..." - tôi cười bối rối.

"À, sẵn dịp anh có ghé nhà em thăm mẹ và em Tí".

"Hả, trời ơi! Thật sao?" - tôi kêu lên.

"Có lá thư em Tí viết cho chị nè. Em Tí giờ lớn bộn lắm".

Tôi ngồi dậy đón lá thư từ tay ông khách. Đúng là chữ của Tí rồi. Tí viết: "... Thương nhớ chị Hai lắm. Tưởng chị Hai đi biệt tăm, mẹ và Tí buồn lắm. Hôm qua anh Hai tìm đến nhà, mẹ và Tí mừng hết lớn luôn. Anh Hai nói chị vẫn mạnh khỏe, do bận công việc nên chưa về thăm mẹ được, hứa cuối năm sẽ về. Nghe vậy, mẹ vui lắm. Tí cũng vui. Mà chị làm gì có nhiều tiền cho mẹ và Tí vậy? Mẹ cầm tiền của chị mà khóc...". Tôi bật khóc. Nước mắt cứ trào ra, không thể đọc tiếp lá thư.

Ông khách đến ngồi cạnh tôi:

"Lau mắt đi em, Nguyệt".

Tôi nhận chiếc khăn từ tay ông khách.

"Nguyệt à, từ khi anh nghe em kể cuộc đời em, anh muốn đưa em ra khỏi nơi này. Em hãy đi cùng anh nhé?".

"Em sợ tên Tấn biết sẽ giết em mất…".

"Đừng sợ, đã có anh! Anh đã có nhà, hãy về ở với anh" - ông khách tìm tay tôi bóp nhẹ.

Sáng hôm sau, tôi nói với Tấn đi chợ mua sắm vài thứ cần thiết. Hắn cẩn thận chở tôi đến chợ, đứng đợi. Tôi vào chợ, lẻn ra bằng ngõ khác, đón xe ôm chạy thẳng đến địa chỉ anh Nhơn (tên ông khách) dặn.

Anh Nhơn đứng sẵn trước nhà. Tôi xuống xe. Anh Nhơn đưa tôi vào và khép cửa.

Với số vốn anh Nhơn cho, tôi sắm một gánh chè đậu đen nước đường bán quanh xóm cũng đủ sống.

Tới lúc này, tôi mới biết anh Nhơn là một nhà sư.

15-từ-nguyên-thạch

Tác giả Từ Nguyên Thạch

Sinh năm 1956. Quê quán: Thừa Thiên - Huế. Sống và làm việc ở TP HCM.

Từng dạy học, làm báo. Bắt đầu sáng tác từ năm 1975.

Tác phẩm đã xuất bản:

- "Miền đất tôi yêu", tập thơ (NXB Sông Bé, 1989)

- "Bài hát buồn", tập thơ (NXB Văn nghệ TP HCM, 1990)

- "Tình người cách ly", truyện dài (NXB Hội Nhà văn, 2020)

- "Hai bên chiến tuyến", tập truyện và ký (NXB Tổng hợp TP HCM, 2022)

Ngoài ra, ông còn có hàng chục tác phẩm in chung với các tác giả khác.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo