Chỉ là thiếu nhi nhưng các bé cũng được khuyến khích lao vào cuộc chơi kinh doanh- lợi nhuận
Đang được chú ý và cũng được kỳ vọng hiện nay là chương trình Kiddie Shark: sếp nhí khởi nghiệp (VTV3) hướng đến việc khuyến khích sự tự tin, khơi dậy năng lực, giúp trẻ có những ước mơ, xác định mục tiêu, có ý thức quan tâm đóng góp các giải pháp cho cộng đồng và xã hội. Nhưng suy cho cùng, Kiddie Shark cũng chỉ là một chương trình truyền hình, chạy theo nhu cầu khán giả với mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận của đơn vị sản xuất.
Qua 4 tập phát sóng, 12 thí sinh nhí kêu gọi được vốn đầu tư cho mình. Những công việc kinh doanh của các bé cũng không có gì quá to tát. Ví dụ, chị em Cát Tường - Khánh Tường trong tập 3 đã bán được nhiều món đồ "hand made" cho bạn bè trong trường trước khi kêu gọi vốn đầu tư. Trong tập 4, Hồ Vy xuất hiện kêu gọi đầu tư cho dự án Lớp học dạy viết chữ đẹp. Trước khi kêu gọi đầu tư cho một lớp học khang trang, hoạt động chuyên nghiệp, Hồ Vy đã mở lớp luyện viết chữ đẹp từ khi 6 tuổi. Trong tập 3, bé Châu Anh kêu gọi đầu tư cho lớp tiếng Anh để giúp đỡ những bạn nhỏ kém may mắn. Ở tập 1, nhóm Lemon Kute gây xúc động khi trình bày dự án bán nước chanh nhằm giúp đỡ học sinh nghèo nhân dịp năm học mới dù dự án này có phần bắt chước phương thức kinh doanh của một cậu bé nước ngoài cách đây nhiều năm đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trên thế giới.
Ngập tràn trong vinh quang khi chiến thắng
Giống như người lớn, các bé cũng gây ấn tượng với ý tưởng kinh doanh, khả năng tính toán, biết tạo ra lợi nhuận từ những việc đơn giản. Nhưng chính điều này khiến người lớn thấy lo. Ý tưởng tốt nhưng biết kiếm tiền ngay từ nhỏ, liệu cuộc sống, tuổi thơ của những trẻ có còn gì ngoài những con số, những đồng tiền lợi nhuận và có khi cũng chan nước mắt với những rủi ro, thua lỗ? Ở tập 2, Khuê Lâm - Hương Lâm kêu gọi vốn cho dự án mở hồ bơi di động. Ý tưởng của dự án này xuất phát từ việc hai chị em thuê lại hồ bơi của bố với giá 300.000 đồng/bể. Và lý do các em muốn làm riêng là "không muốn chia tiền với bố nữa". Hay việc nhà đầu tư chịu chi 50 triệu đồng cho ý tưởng thành lập đội giao hàng (Shipper)nhí. Dù chỉ là giao hàng cho cư dân xung quanh nơi em sinh sống nhưng bao mối họa bủa vây, những đứa trẻ làm sao có thể chống trả? "Đừng để mất bò mới lo làm chuồng", nhiều khán giả ý kiến.
Tất cả đều do người lớn kỳ công vẽ vời
Nhiều nhất trong các sàn đấu cho thí sinh nhí vẫn là những chương trình đậm chất giải trí. Những chương trình "Giọng hát Việt nhí", "Ai sẽ thành sao nhí", "Tuyệt đỉnh song ca nhí", "Tiếu lâm tứ trụ nhí", "Vua đầu bếp nhí", "Siêu mẫu nhí", "Nhanh như chớp nhí"… Các chương trình đều có sức hút nhất định khi đối tượng xem chương trình hướng đến cả người lớn. Nhà sản xuất dĩ nhiên thu lợi khi lợi nhuận tỉ lệ thuận với lượng người xem. Nhưng cũng chính ở những sàn đấu đó, người xem cũng bàng hoàng khi chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt vị trí dẫn đầu giữa các bé. Sự ganh đua của trẻ con non nớt ngây ngô, nhưng cũng đủ để thu hút sự tham chiến của công luận. Và từ đó, những đứa trẻ trở thành "mồi ngon" của truyền thông, của cư dân mạng với những lời lẽ khó nghe, thậm chí miệt thị.
Người lớn mải mê tìm kiếm hào quang cho con trẻ mà quên mất ở tuổi của mình, chúng cần được vui chơi thể chất thế này
Không ít những phụ huynh "chơi sát ván" chỉ vì con mình đang là nhân tố triển vọng của cuộc thi. Phát hiện có phụ huynh mua view, chạy bài truyền thông thì họ cũng phải ráng đua theo chứ không để con mình thua thiệt. Không chỉ vậy, báo chí từng nhận không ít thông tin phản ảnh rằng gia đình nọ đổ hàng tỉ đồng để chạy lượt like cốt để con mình chiến thắng. Chưa kể, khi có chút tên tuổi từ các cuộc thi, phụ huynh các bé lại lao vào showbiz với quần là, áo lượt, chạy sô rồi kiếm nhà đầu tư, công ty quản lý. Khát vọng trở thành người nổi tiếng khiến những đứa trẻ bị cha mẹ điều khiển như những cây ATM thực thụ. Nhưng điều đáng lo hơn cả chính là tư duy "mình là người nổi tiếng", "là những đứa trẻ tài năng" đã giết chết tuổi thơ của những đứa trẻ non nớt.
Nhiệm vụ chính của các bé là học tập và vui chơi, không phải đi thi để nổi tiếng hay kiếm tiền
Gameshow dành cho thiếu nhi phát sóng ngày càng nhiều nhưng cũng chỉ là giải trí đơn thuần. Những chương trình mang tính giáo dục cao dần thay thế. Khán giả vẫn tiếc cho sự ra đi hay thầm lặng của "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5", "Rồng Vàng", "Chinh phục", "Trẻ em luôn đúng"… những sân chơi trí tuệ, với tư duy sáng tạo, định hướng phát triển bản thân cho trẻ em. Lợi nhuận là những gì mà khán giả có thể nhìn thấy từ những sân chơi dành cho thiếu nhi hiện tại nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Việc tham gia gameshow không xấu, là môi trường tốt để trẻ em thể hiện bản thân, rèn luyện kỹ năng và kết nối với nhiều bạn mới. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của các bé là học tập và vui chơi, không phải đi thi để nổi tiếng hay kiếm tiền.
Bình luận (0)