Sinh ra trong một gia đình khó khăn, nên ông Thông phải vất vả làm đủ thứ nghề để mưu sinh từ rất nhỏ. Năm 20 tuổi, ông theo nghề chụp hình, đi nhiều nơi nên có điều kiện tiếp xúc với đồ xưa, từ đó "tình yêu" với đồ cổ xưa trong ông ngày càng lớn dần.
Ông Thông cùng với bức tượng Phật đầu tiên sưu tầm
Bức tượng Phật bằng sứ là món đồ cổ đầu tiên ông sưu tầm được. "Khi có được bức tượng Phật này, niềm vui trong tôi cứ luôn dâng trào một cách khó tả", ông Thông chia sẻ.
Những món đồ cổ trong bộ sưu tập của ông Thông
Tới thời điểm hiện tại, trong tay ông Thông đã sở hữu gần 10.000 món đồ cổ. Món gần nhất có độ tuổi khoảng 10 năm, món cổ nhất cũng vài trăm năm. Trong đó, tượng "ông Tơ, bà Nguyệt" với niên đại hàng trăm năm mà ông vất vả lắm mới sưu tầm được. Hay chiếc lư hương gốm Biên Hòa hơn 50 năm nhưng màu sắc vẫn bắt mắt với những hoa văn tinh tế và độc đáo…
Hai bức tượng "ông Tơ, bà Nguyệt" hơn 200 năm tuổi
Ông Thông bỏ tiền mua những món đồ cổ xưa về sau đó đem cho bạn bè cùng sở thích thưởng thức, chứ không bán. "Gặp và mua được đồ cổ cũng là cái duyên, vì vậy tôi rất quý và trân trọng những món đồ cổ mà mình sưu tầm được. Có nhiều người ngã giá nhưng tôi từ chối, vì tiền có nhiều mấy cũng tiêu xài hết", ông Thông tâm sự.
Cùng nhiều bộ sưu tập khác
Hàng chục năm kinh nghiệm trong việc sưu tầm đồ cổ, nhưng ông Thông tỏ ra rất khiêm tốn và cho rằng mình chỉ là "tép riu" so với các bậc đàn anh, đàn chú đi trước.
Theo ông Thông, để tránh sưu tầm phải hàng giả, hàng nhái thì mọi người nên liên kết thành một nhóm, thường xuyên trao đổi và bổ sung những thông tin mình còn khiếm khuyết để cùng đánh giá về một món đồ cổ xưa.
Ông Thông cho biết sắp tới ông sẽ mở một quán cà phê ở Cần Thơ được trang trí theo lối cổ xưa. Đây là địa điểm để mọi người đam mê đồ cổ có nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề.
Bình luận (0)