Theo thống kê của Nielsen công bố ngày 10-2, lượng người xem Lễ trao Giải Oscar 92-2020 giảm 20% so với năm 2019, lượng khán giả trung bình đạt 23.6 triệu lượt xem. Năm 2018, lượng người xem lễ trao giải thuộc lĩnh vực điện ảnh danh giá nhất hành tinh này đã lập kỷ lục người xem thấp nhất với 26.5 triệu lượt xem. Năm 2020, đáng buồn thay, kỷ lục này bị phá theo hướng tiêu cực.
Oscar 92-2020 là năm thứ 2 ban tổ chức không sử dụng MC dẫn dắt toàn bộ buổi lễ
Oscar 92-2020 gây sốc khi trao chiến thắng hạng mục "Phim xuất sắc nhất" cho tác phẩm "Ký sinh trùng" (Parasite) của Hàn Quốc. Kết quả này giúp "Ký sinh trùng" làm nên lịch sử, trở thành phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên được vinh danh tại Oscar. "Ký sinh trùng" còn mang về 3 tượng vàng Oscar khác. Joaquin Phoenix và Brad Pitt cũng được vinh danh hạng mục "Nam diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất".
Có thể nói về mặt giải thưởng, diễn viên và phim được trao không bị chỉ trích. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, nhiều nhà phê bình nhận định lễ trao giải quá dài, quá chán, nhiều chi tiết ngớ ngẩn.
Brad Pitt đề cập đến chính trị trong bài phát biểu nhận giải
Joaquin Phoenix cũng không quên thông điệp xã hội, kêu gọi thuần chay trong bài phát biểu
Lễ trao giải kéo dài đến 3 giờ rưỡi mà không có MC dẫn đến không nhất quán. Các tiết mục ca hát trình diễn nhạt nhòa và màn trình diễn bất ngờ nhưng khó hiểu nhất thuộc về Eminem với ca khúc cũ kỹ.
Cây bút phê bình Dominic Patten của Dedline cho rằng lễ trao giải sớm trở thành rạp xiếc thiếu sức sống với các tiết mục đủ kiểu nhưng quá nhạt. Thêm vào đó, các diễn viên thắng giải lại mượn những giây phút phát biểu trên sân khấu đưa vào đủ các quan điểm về chính trị, xã hội một cách rao giảng, không tạo chút ấn tượng nào với khán giả xem ở nhà.
Cây bút Caroline Framke của Variety cho rằng lễ trao giải như cuộc phiêu lưu điên rồ nhưng may là cảm xúc được cứu vớt ở phút cuối với chiến thắng của "Ký sinh trùng".
"Ký sinh trùng" là cú sốc cuối giúp cứu cảm xúc cho cả buổi lễ
Mặc dù lượng khán giả xem trực tiếp truyền hình giảm mạnh nhưng Lễ trao Giải Oscar 92-2020 tăng được độ phổ biến trên mạng xã hội. Nó tạo được 20,6 triệu tương tác trên Twitter, Facebook cùng các nền tảng khác, tăng 16% so với 2019. Nguyên nhân của điều này một phần cũng vì "cú sốc" từ "Ký sinh trùng".
Theo Công ty nghiên cứu SQAD, mức giá quảng cáo truyền hình trong lễ trao giải dao động từ 1.689.300 USD - 2.272.900 USD trong 30 giây. ABC sở hữu quyền phát sóng Oscar đến năm 2028.
Bình luận (0)