Không trao giải Nobel cho văn chương vốn đã có tiền lệ, thà không trao còn đỡ hơn trao trong bê bối, thà không trao cho ai còn hơn trao cho một ông ca - nhạc sĩ như Bob Dylan hồi năm 2016 khiến nhiều người chưng hửng, kéo theo những chuyện bẽ bàng của Hàn lâm Viện Thụy Điển trước thái độ lạ kỳ của Dylan. Rút kinh nghiệm, năm 2017, Nobel Văn chương trao cho Kazuo Ishiguro, một nhà văn có tác phẩm mà rằng hay thì thực là hay nhưng hay như ông thì có cả vạn và hay hơn ông thì có hàng tá, mới biết các viện sĩ trong ủy ban xét giải Nobel đúng vào cái vị thế làm dâu trăm họ.
Tại sao văn chương được soi kỹ đến vậy? Có lẽ vì nó là lĩnh vực duy nhất trong các giải Nobel mà đại chúng có khả năng hiểu được và bàn được. So với các công thức hóa học, các phát hiện về nguyên tố mới hay việc tìm ra liều thuốc chữa bệnh dịch... mà không phải ai cũng có khả năng hiểu thì khi đứng trước Nobel Văn chương, người ta chỉ việc tìm sách của tác giả ấy mà đọc. Nobel Văn chương thuộc về số đông, vì nó có hàng triệu "nhà phê bình", để đánh giá, kiểm chứng, xét nét xem giải Nobel đó xứng đáng hay không.
Cho nên khi tin giải Nobel Văn chương không trao năm nay, người ta cuống cuồng lập một giải để lấp vào khoảng trống của giải Nobel và rồi 4 cái tên vào chung khảo được xướng lên: nhà văn Pháp Maryse Condé, nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy, tiểu thuyết gia giả tưởng người Anh Neil Gaiman và khuôn mặt quen thuộc của những mùa Nobel: Haruki Murakami.
Đến giờ phút này, nhiều người vẫn nhầm lẫn gọi đây là giải thưởng "Nobel mới" trong khi Ann Palsson, Chủ tịch Giải thưởng Viện hàn lâm mới, xác nhận nó không liên quan gì đến giải Nobel, chỉ trao duy nhất một năm sau đó giải tán.
Chưa hết, mấy tuần trước, Haruki Murakami tuyên bố rút khỏi danh sách chung khảo. Ai lại muốn đi nhận một giải thưởng thay thế cái giải thưởng chính thức mà năm nào mình cũng là ứng viên nặng ký? Bốn người rút một còn ba. Cơ hội thắng giải chia đều cho cả ba người nhưng nếu muốn an toàn và ít điều tiếng với một giải được lập ra để thay thế một giải vốn tai tiếng thì Maryse Conde là một lựa chọn lý tưởng. Conde đã bước vào độ tuổi gần như hoàn tất văn nghiệp của mình, không non trẻ như Kim Thúy hay quá đại chúng như Neil Gaiman. Tuy vậy, nếu kế thừa tính bất ngờ vốn có của Nobel Văn chương thì ứng viên người Canada hay Anh đoạt giải cũng không có gì làm lạ. Nhưng tên họ sẽ không xếp cùng danh sách những nhà văn đoạt giải Nobel, trước bìa sách của họ không có tấm huy chương khắc khuôn mặt nghiêng nghiêng bí ẩn của Alfred Nobel, đó là điều chắc chắn.
Khi giải thưởng mới này được trao và hoàn tất sứ mệnh một lần và mãi mãi của nó, độc giả lại nhận ra rằng năm nay, chúng ta đã không có Nobel Văn chương để trầm trồ thán phục hay dè bỉu chê trách. Ba trăm sáu lăm ngày là mấy, quãng thời gian ấy độc giả có thể chiêm nghiệm về khoảng lặng của một mùa giải thưởng vốn được xem là danh giá và cũng lắm tranh cãi này với tất cả những hư danh và phù phiếm xung quanh nó, rốt cuộc chỉ có giá trị văn chương đích thực mới tồn tại lâu bền.
Bình luận (0)