. Phóng viên: Hai mươi lăm năm sau lần nhà báo - MC Lại Văn Sâm có mặt tại Đầm Sen trong lễ trao Giải Mai Vàng 1996 của Báo Người Lao Động, bây giờ xem những bức ảnh ngày đó, hẳn ông cũng sống lại nhiều ký ức tuổi trẻ?
- Nhà báo, MC LẠI VĂN SÂM: Thật sự là rất nhớ những năm tháng đẹp đẽ ấy, nhìn lại cũng tự hào vì mình đã làm được nhiều điều hay ho. Thời điểm tôi có mặt ở Giải Mai Vàng cũng chính là lúc tôi đang làm chương trình SV96. Đây cũng là chương trình đoạt Giải Mai Vàng năm đó. Hồi ấy, khi đưa ra ý tưởng làm chương trình, không phải chúng tôi đã được ủng hộ. Nhưng sau đó, khi tôi đề nghị tổ chức một trận demo để mọi người cùng xem, tất cả đều rất thích và SV96 đã có thể đến với khán giả.
SV96 thực sự là một dấu mốc, là chương trình mà tôi được các bạn sinh viên rất yêu. Hồi ấy mỗi lần đến các trường để tổng duyệt, trường nào cũng treo băng rôn "Chúng em yêu anh Lại Văn Sâm". Rất hạnh phúc!.
Tôi cũng nhớ buổi giao lưu ở Công viên Văn hóa Đầm Sen, lần đầu tiên tôi gặp nghệ sĩ Thành Lộc. Những ngày ấy vui và rất trẻ trung.
Nhà báo, MC Lại Văn Sâm trong vòng vây khán giả hâm mộ tại lễ trao Giải Mai Vàng 1996 ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (Ảnh tư liệu Báo Người Lao Động)
Chỉ làm những gì mình cho là đúng
. Ông vừa nói nhìn lại, mình cũng làm được những điều hay ho. Vậy có bao giờ ông nhìn lại để thấy mình đã làm được gì, tiếc gì?
- Chưa đến lúc tổng kết. Tôi cũng không phải là tuýp người hay nhìn lại để tiếc những gì mình làm chưa được. Có một câu trong bài hát của Nga, đại ý là ngày mai tốt hơn ngày hôm qua chứ không phải ngày hôm nay. Vì ngày hôm nay mình đang sống, mình hài lòng với những gì của ngày hôm nay. Những gì hôm qua chưa tốt, hôm nay mình đã cố gắng tốt hơn rồi.
Những gì đã làm, tôi không bao giờ nghĩ lại mình đã làm đúng hay sai. Bởi trước khi làm, tôi đã biết là chỉ làm những gì mình thích, những gì mình cho là đúng. Tôi không làm để vừa lòng ai đấy. Mọi người thường nói tôi làm cái này vì khán giả hay cái này cái kia, còn tôi chỉ làm những gì mình cho là đúng. Đến bây giờ nếu có thể tổng kết, tôi chỉ có thể nói rằng con người ta hạnh phúc nhất khi làm những gì mình thích.
. Có trường hợp nào ngoại lệ, như sự nể nang chẳng hạn?
- Nể nang thì không, nhưng trách nhiệm thì có. Khi lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam yêu cầu tôi làm quản lý, tôi từ chối, tốt nhất để tôi làm nghề. Bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm thì để ông ấy phẫu thuật cứu người chứ đừng nhấc ông ấy lên làm giám đốc bệnh viện. Có lẽ nhiều người ghét tôi vì tôi không nể nang.
Sau này khi tôi làm quản lý, lãnh đạo đài cũng nhượng bộ một số thứ. Thay vì phải đi họp, tôi có thể cử cấp phó đi, tôi cũng vẫn làm chuyên môn bình thường. Có lẽ ở hàng trưởng ban, tôi là người đi làm nghề nhiều nhất. Tôi vẫn làm nghề đến tận khi nghỉ hưu.
Là người thích thì làm
. Khi người ta trẻ và khi người ta có tuổi có gì khác nhau hay không, theo ông?
- Có chứ, tất nhiên sự nhiệt tình máu lửa bị giảm đi và óc sáng tạo cũng bị thui đi. Tôi nghĩ đàn ông 60 tuổi nghỉ hưu là đúng, vì trừ một số trường hợp đặc biệt, còn như tôi thì chẳng cống hiến được gì. Sức sáng tạo đã hết, ý tưởng thời gian cuối là các bạn trẻ đưa ra, mình được mỗi cái là có ủng hộ họ hay không mà thôi. Tôi đưa ra những lời khuyên từ kinh nghiệm, trải nghiệm của mình, nhưng nhiều khi lại khuyên sai bét, cản "máu" của các bạn ấy.
Khi tôi về hưu, nhiều nơi mời làm cố vấn. Tôi bảo không, đời tôi ghét nhất là làm cố vấn. Cứ để bọn trẻ làm. Quan trọng nhất là người lãnh đạo ủng hộ những ý tưởng mới của người trẻ.
Khi tôi mới vào làm ở đài, trẻ, có lúc tôi cũng "bố láo" bật lại thành viên Hội đồng Nghiệm thu chương trình VKT khi ông yêu cầu tôi phải đổi tên chương trình của mình. Tôi không đồng ý, bảo nếu bỏ tên thì bỏ luôn chương trình. Sau đó, tôi đưa lên chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, đưa lên tổng giám đốc đài. Tổng giám đốc đài lúc ấy xem xong phê "chương trình tốt, phát sóng". Sau khi chương trình ấy phát sóng, tôi bảo với thành viên Hội đồng Nghiệm thu, anh nên bỏ đi, vì anh còn ở lại thì còn cản trở người khác.
Đó là hồi trẻ, chứ sau này mình không thế. Khi về già, mình dè dặt hơn. Người trẻ thì không biết sợ ai vì họ chỉ sống thật với cảm xúc của mình. Người lớn thì e dè, cần sự an toàn nhưng chính điều đó cũng làm chậm đi sự phát triển. Người trẻ có thể đam mê, có thể sai nhưng họ sống thật.
. Nhưng hình như "gừng càng già càng cay", từ khi về hưu, MC Lại Văn Sâm đắt sô hơn cả khi còn ở VTV?
- Không phải. Xưa tôi không nhận lời mời, chỉ tham gia những chương trình của VTV. Bây giờ nghỉ rồi, ai mời mà thấy thích thì tôi nhận. Tôi cũng đã từ chối nhiều đấy chứ.
Khi tôi nghỉ hưu, 2 năm trước, đã vạch ra kế hoạch mỗi ngày viết một ít nhưng có viết được gì đâu. Tuần đầu tiên viết được khoảng hơn chục trang, sau đó lịch của tôi loạn lên.
Tôi là người thích thì làm. Không ai bắt được tôi làm. Còn nếu bắt buộc phải làm thì người ta phải chấp nhận những gì tôi đưa ra hoặc can thiệp không thô bạo.
Nhà báo, MC Lại Văn Sâm dẫn chương trình lễ trao Giải Mai Vàng 1996 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen. (Ảnh tư liệu Báo Người Lao Động)
. Và đa phần đều được đáp ứng?
- Đúng thế. Vì những gì tôi làm đều bằng cái tâm, không vì điều gì khác. Tôi đơn giản chỉ làm những cái cần làm, nên làm và thích làm.
Không có sự bon chen nào cả
. Và có vẻ như MC Lại Văn Sâm đang rất hạnh phúc với những gì đang có?
- Con người ta sống mà không hài lòng với cuộc sống của mình thì khó lắm. Tôi không tham tiền, không tham quyền, khi về hưu rất sướng vì không có sự bon chen nào cả. Tôi không AQ (phép thắng lợi tinh thần - TS) bởi thấy mình quá may mắn. Ngày xưa, tôi rất khổ. Từ một người ở tỉnh lẻ (Phú Thọ), thi vào ĐH Tổng hợp Hà Nội, cứ nghĩ trong đầu là thi thế thôi nhưng kiểu gì mình cũng phải đi bộ đội, vì đất nước đang có chiến tranh. Tự nhiên, nhận được giấy báo đi học ngoại ngữ, về đến Hà Nội mới biết đi học ngoại ngữ một năm để chuẩn bị đi nước ngoài, vì mình thi đạt điểm cao. Khi sang nước ngoài học, rõ ràng sướng quá. Tôi quá hạnh phúc với những gì mình đang có. Tất nhiên là cũng có lúc thất vọng vì chưa tìm được việc làm. Nhưng khổ cũng là do từ cái đầu của mình mà ra, lúc ấy tại cứ chăm chăm bám cơ quan nhà nước để tìm việc, bất kể có liên quan đến ngành nghề mình học hay không, cứ ai mách chỗ nào là đâm đơn tìm việc chỗ ấy.
Tôi nói với các bạn trẻ rằng bây giờ các cháu sướng nhưng không thể nào sướng được bằng các chú. Vì các chú đã qua thời khổ, từ khổ chuyển sang sướng nên người ta mới cảm nhận được rõ, hiểu được ý nghĩa của những gì đang có. Phải biết khổ mới biết sướng.
. Vậy "biết đủ là đủ", phải không?
- Trước đây, nhà mẹ vợ tôi ở phố Đồng Xuân, bán đồ thủ công mỹ nghệ. Hồi mới về nước, những năm tám mươi, vì chưa có việc nên tôi xuống đó làm phiên dịch, bán hàng phụ mẹ vợ. Một hôm, đang bán thì gặp ông bạn học cùng ở Nga đưa một cô Tây đi mua đồ. Gặp nhau hỏi han đang làm ở đâu, tôi bảo chưa có việc gì, thế là ông ấy giới thiệu cho về làm cộng tác viên phòng thể thao của Đài Truyền hình Việt Nam.
Nghĩ lại, tất cả mọi thứ trên đời đều là do số phận. Chỉ cần chuyển một mắt xích thôi, mọi thứ đã khác. Thanh thản nhất là đừng có nuối tiếc, so bì. Thấy người ta có cái này, sao mình không có cái kia hay lại nghĩ mình làm cái này có được đền đáp hay không? Chẳng có ý nghĩa gì cả. Sống thế đi cho thanh thản.
Cố gắng sống tử tế
"Tôi lần lại đời mình, thấy quá may mắn. Và vì nhận được những điều may mắn như thế nên tôi luôn cố gắng sống tử tế. Nghe thì đơn giản thôi nhưng khó lắm. Tôi quan niệm con người ta, ai cũng thế, thiện và ác luôn song hành. Nếu thiện nhích lên thì thành thiện, ác nhích lên thì thành ác. Tôi có thể nói rằng mình không dám làm điều gì tệ hại, tổn thương ai đó chứ đừng nói là làm hại ai" - nhà báo, MC Lại Văn Sâm bày tỏ.
Bình luận (0)