Suốt 25 năm qua, Giải Mai Vàng đã tôn vinh nhiều nam và nữ diễn viên tạo dấu ấn trên màn ảnh theo từng năm. Đa phần, họ là những diễn viên tài danh của làng phim Việt.
Vai diễn để đời
Trong danh sách những diễn viên điện ảnh, phim truyền hình đoạt Giải Mai Vàng theo sự phát triển của phim Việt từ cột mốc năm 1995 đến nay, khán giả hẳn khó có thể quên được những vai diễn ghi đậm dấu ấn - giới chuyên môn gọi là vai diễn để đời - trong sự nghiệp diễn xuất của mỗi người.
Đầu tiên là Mỹ Duyên. Chị là nữ diễn viên điện ảnh đoạt Giải Mai Vàng năm đầu tiên (1995) với vai Nguyệt trong phim "Lưỡi dao" của đạo diễn Lê Hoàng. Chị còn đoạt tiếp Giải Mai Vàng năm 1996 với vai Hòa Bình trong phim "Lời thề" và Hà trong phim "Xóm nước đen". Nguyệt trong "Lưỡi dao" quả thật là vai khó đối với cả diễn viên giàu kinh nghiệm diễn xuất nhưng Mỹ Duyên - diễn viên múa mới bước chân sang lĩnh vực điện ảnh, khiến người trong giới phải kính nể.
Công Ninh với vai Huy và Mai Hoa vai Thoa trong "Đời cát" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (Giải Mai Vàng hạng mục Nam, nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất năm 2000) đã trở thành những vai diễn kinh điển. "Đời cát" giành giải Vàng Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương và giành luôn Giải Mai Vàng năm đó (cả giải phim lẫn nam, nữ diễn viên chính).
Diễn viên Trương Ngọc Ánh và Thanh Phương nhận Giải Mai Vàng năm 2007
Vai Dần trong phim nhựa "Áo lụa Hà Đông" của đạo diễn Lưu Huỳnh cũng là vai diễn có một không hai của Trương Ngọc Ánh. Đây là phim gây sốt phòng vé ở thời điểm đó bởi nhiều yếu tố nhưng không thể không kể đến sự góp phần không nhỏ của Trương Ngọc Ánh. Dần là vai diễn "đổ mồ hôi sôi nước mắt" của Trương Ngọc Ánh nhưng cũng mang về cho chị nhiều vinh quang, trong đó có Giải Mai Vàng năm 2007, hạng mục Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất. Bây giờ, nhắc đến Trương Ngọc Ánh, người ta nhớ nhiều đến vai Dần trong "Áo lụa Hà Đông", dù đã có nhiều vai diễn đi qua đời chị trước và sau đó.
Ninh Dương Lan Ngọc cũng có vai Nương để đời trong "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Vai diễn đầu tay này thành công đến mức tạo cái bóng lớn cho sự nghiệp của cô. Phải nỗ lực vất vả lắm cho những vai diễn về sau của mình, cô mới có thể vượt qua. Dù vậy, vai Nương gắn liền với Ninh Dương Lan Ngọc mỗi khi khán giả nhắc nhớ.
Phim truyền hình cũng có những vai diễn để đời được Giải Mai Vàng vinh danh. Đầu tiên là vai An do diễn viên Hùng Thuận thể hiện trong phim "Đất Phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Vai diễn này giúp Hùng Thuận chiến thắng Giải Mai Vàng năm 1997 và cũng là vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Đến nay, Hùng Thuận đã có rất nhiều vai diễn khác nhau nhưng An vẫn là dấu son khó phai trong lòng khán giả.
Ở mùa giải năm 1999, phim "Đồng tiền xương máu" của đạo diễn Đinh Đức Liêm tạo được sự chú ý lớn với công chúng bởi kịch bản mới lạ, hấp dẫn. Nam diễn viên Quyền Linh với vai Huy có kỹ năng diễn xuất tốt, chân thật, nhân vật phù hợp với anh nên chinh phục được khán giả.
Việt Anh với vai Thanh Lâm trong phim "Chạy án" (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - Đài Truyền hình Việt Nam) đoạt Giải Mai Vàng năm 2008 cũng là vai diễn để đời của anh.
Giải Mai Vàng năm 1999 được Bí thư Thành ủy TP HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Minh Triết trao cho diễn viên Quyền Linh và diễn viên Hồng Ánh - Ảnh tư liệu Báo Người Lao Động
Ghi dấu ấn trong sự nghiệp
Nữ diễn viên Hồng Ánh cũng từng hai lần được vinh danh trên sân khấu lễ trao Giải Mai Vàng nhờ vai Tâm trong phim "Cầu thang tối" và vai Giao trong phim "Thu lũng hoang vắng" (Giải Mai Vàng - Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất năm 2001).
"Hồng Ánh có ngoại hình đẹp, diễn xuất sáng tạo, không bị đóng khung. Sau thành công của vai Tâm, sự nghiệp Hồng Ánh ngày càng thăng hoa và diễn xuất cũng ngày càng hoàn thiện" - nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét.
Nam diễn viên Trương Minh Quốc Thái được khán giả ưu ái dành cho anh đến 2 giải Mai Vàng trong sự nghiệp: vai Phát trong phim "Người đàn bà yếu đuối" (năm 2003) và vai Việt trong phim "Hương phù sa" (năm 2006). Trương Minh Quốc Thái thừa nhận vai Phát đã tạo bệ phóng cho sự nghiệp diễn xuất của anh.
Vai anh em song sinh Quốc Hưng và Mười Ba trong "Sao đổi ngôi" mang về cho Nhan Phúc Vinh tượng Mai Vàng năm 2012 danh giá. Đây cũng được xem là vai diễn ghi dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của diễn viên trẻ này. Chính Nhan Phúc Vinh bày tỏ rằng Giải Mai Vàng đã mang lại cho anh sự tự tin về con đường diễn xuất mà mình đã chọn. Anh gặt hái tiếp tượng Mai Vàng một năm sau đó với vai Hải, phim "Đường đua".
Diễn viên Việt Anh và Thanh Hằng nhận Giải Mai Vàng năm 2008.
Vai An của Thanh Hằng trong "Nụ hôn thần chết" cũng là vai diễn khẳng định tài năng diễn xuất của một người mẫu lấn sân sang điện ảnh thành công...
Người trong giới cho rằng hầu hết các vai diễn được khán giả vinh danh thông qua Giải Mai Vàng đều xứng đáng tại cột mốc thời gian mà nó xuất hiện. Đó đều là những vai diễn ghi dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của các diễn viên này. Các vai diễn này được Giải Mai Vàng vinh danh bởi giá trị tinh thần nó mang lại cho khán giả. Trong đó, khán giả hẳn chưa quên chàng bộ đội Trường do Thiệu Ánh Dương thể hiện trong phim "Bản tình ca trong đêm" (Giải Mai Vàng năm 1996); nam diễn viên Trần Lực với vai Tống Văn Sơ trong phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông" (Giải Mai Vàng 2003); Kim Khánh với vai Thảo Linh trong phim đề tài chống tham nhũng "Lưới trời" (Giải Mai Vàng 2003); Anh Thư với vai Thủy trong "Những cô gái chân dài" (Giải Mai Vàng năm 2004); Bằng Lăng với vai Hồng trong phim "Nữ tướng cướp" (Giải Mai Vàng 2005). Nữ diễn viên Thanh Thúy có rất nhiều vai diễn nhưng Vân trong "Blouse trắng" (Giải Mai Vàng năm 2002) trở thành dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của cô...
Chi Bảo cũng từng ghi dấu ấn với vai Phẩm trong phim "Bến sông trăng" hay nam diễn viên Bình Minh hai lần chiến thắng tượng Mai Vàng với vai Phi Long trong phim "Vật chứng mong manh" và Lý Bỉnh Long trong phim "Thề không gục ngã". Với nhiều nỗ lực, Bình Minh dần tiến bộ trong diễn xuất và tạo được thành công với những vai diễn vừa đòi hỏi yếu tố hành động vừa thể hiện tốt các cảnh nội tâm. Có thể, ở những vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp, Bình Minh được khán giả chú ý nhờ vào ngoại hình nhiều hơn nhưng đến hai vai diễn trên, dấu ấn mà nam diễn viên này để lại là hình ảnh và nội tâm nhân vật.
Nam diễn viên gạo cội Lý Hùng từng được vinh danh ở Giải Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất (tiền thân của Giải Mai Vàng) cũng ghi danh ở Giải Mai Vàng nhờ vai Quang Trung - Nguyễn Huệ trong "Tây Sơn hào kiệt". Theo nhà báo Cát Vũ, đây là sự tôn vinh xứng đáng cho nỗ lực, cho tâm huyết của Lý Hùng và gia đình anh với điện ảnh.
Kim Thư vai Mai trong "Đẻ mướn", Vân Trang vai My trong "Lối sống sai lầm", Nhật Kim Anh vai Hà Linh trong "Gieo gió", Ngô Thanh Vân vai Thảo trong "Ngôi nhà trong hẻm", Trang Trần vai ma nữ trong "Biết chết liền", Phi Long vai Thái trong "Áo cưới thiên đường", Phùng Ngọc Huy vai Quốc trong "Cổng mặt trời", Trung Dũng vai Kiệt trong "Gạo nếp gạo tẻ", Trường Giang vai Thượng Phong trong "Taxi, em tên gì?", Ngô Kiến Huy vai Anh Thư trong "Cô gái đến từ hôm qua", Thúy Ngân vai Hân trong "Gạo nếp gạo tẻ", Minh Hằng với vai diễn Đông Dương trong "Vừa đi vừa khóc" và Hà My trong phim "Sắc đẹp ngàn cân", Nhã Phương vai Linh trong "Tuổi thanh xuân" và Lam trong phim "Zippo, mù tạt và em"… Đó đều là những vai diễn được đánh giá ổn nhất trong những phim tạo sức hút nhất ở thời điểm công chiếu.
Hai tài năng vắn số
Trong danh sách các diễn viên từng đoạt Giải Mai Vàng, khán giả hẳn khó có thể quên hai gương mặt tài năng nhưng vắn số là Lê Công Tuấn Anh và Thanh Phương.
Lê Công Tuấn Anh ghi dấu ấn với vai Đại trong phim "Mặt trời đêm" (Giải Mai Vàng 1995). Theo nhiều người trong giới, Lê Công Tuấn Anh là diễn viên tài năng, diễn xuất tốt. Anh ra đi là mất mát lớn cho điện ảnh nước nhà. Còn Thanh Phương từng thắng 2 Giải Mai Vàng nhờ vào vai Dũng trong phim "Công ty thời trang" (năm 2005) và vai Lợi trong phim "Miền đất phúc" (2007). Thanh Phương cũng tạo ấn tượng khó quên bởi diễn xuất thông minh, nhiệt huyết với nghề.
Bình luận (0)