Hôm 8-9, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh Mỹ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences, viết tắt là AMPAS) công bố bộ tiêu chuẩn xét duyệt phim tranh giải Oscar ở hạng mục Phim xuất sắc nhất, dự kiến áp dụng vào mùa giải Oscar 96 (2024).
Trên trang web chính thức của mình, AMPAS đã tuyên bố đối với giải Oscar 96, phim tranh giải hạng mục Phim hay nhất phải đáp ứng hai trong số bốn tiêu chuẩn sau để được coi là đủ điều kiện: "đại diện trên màn ảnh, chủ đề, câu chuyện", "đội ngũ lãnh đạo và nhóm dự án", "cơ hội và sự tiếp cận ngành công nghiệp" và "phát triển đối tượng".
Trong từng tiêu chuẩn lại chia thành nhiều tiêu chí quy định chi tiết như ít nhất một trong các diễn viên chính hoặc phụ phải đến từ các "sắc tộc" Á, Latin, gốc Phi... mà có thể hiểu gọn là không phải người da trắng. Chi li hơn, AMPAS còn quy định ít nhất 30% dàn diễn viên phải có màu da khác, là nữ giới hay người thuộc cộng đồng LGBT, người khuyết tật. Tiêu chí về cốt truyện và chủ đề sẽ được "ưu ái" khi tranh giải Phim hay nhất: tập trung vào nhóm thuộc thiểu số như nữ giới, nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc, LGBT, người khuyết tật.
Dựa vào những tiêu chí này, có thể thấy viện đang muốn đa dạng hóa các bộ phim tranh giải, hay nói rõ hơn, muốn hướng đến một sự bình đẳng về vấn đề chủng tộc lẫn giới tính cho một giải thưởng điện ảnh được chú ý nhất hành tinh.
Đạo diễn phim “Ký sinh trùng” Bong Joon Ho nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar 92 Ảnh: Reuters
Để đưa đến quyết định này, AMPAS cũng thăm dò dư luận qua nhiều mùa giải trước đây. Cứ đến mùa giải Oscar là dư luận lại được phen xôn xao bàn tán, khi thì cho rằng Oscar quá "trắng" vì sự xuất hiện quá ít các diễn viên, đạo diễn da màu trong các hạng mục đề cử. Có năm, Oscar lại biến thành cuộc chiến nữ quyền, đặc biệt khi phong trào #metoo bùng nổ trên toàn thế giới.
Nhìn lại giải Oscar 10 năm trở lại đây có thể thấy sự đa dạng về sắc tộc cũng như quốc tịch của đạo diễn, các chủ đề về xung đột giới và chủng tộc xuất hiện nhiều trong danh sách đề cử, nhằm có được một cuộc cạnh tranh hấp dẫn hơn, công bằng hơn. Nhưng dường như chừng đó vẫn chưa làm vừa lòng số đông. Có lẽ với những quy chuẩn trên, các thành viên của AMPAS muốn cho giải Oscar trở nên nhân văn hơn, tiệm cận với những vấn đề xã hội đang được công chúng quan tâm hơn.
Khi những tiêu chuẩn mới của AMPAS được công bố đã có nhiều ý kiến tranh cãi. Những thay đổi của AMPAS xuất phát từ thiện chí muốn cởi mở và bình đẳng hơn, điều này nằm trong xu thế chung của toàn thế giới chứ không chỉ ở ngành công nghiệp điện ảnh vốn được cho là tồn tại quá nhiều bất công này.
Dẫu những quy chuẩn này chỉ áp dụng trong một hạng mục trao giải và không có tính áp đặt như một luật lệ. Nhưng nó làm cho giải Oscar dễ đoán và kém hấp dẫn hơn (ít nhất là vào mùa giải Oscar 96) bởi khán giả và giới phê bình dựa vào những tiêu chí này phần nào đoán định được bộ phim nào sẽ đoạt giải phim hay nhất.
Trong các quy chuẩn mới, AMPAS muốn mở rộng sự đa dạng (giới tính - sắc tộc) đến cả những đối tượng làm việc ở hậu trường phải có ít nhất hai người thuộc về nhóm mà AMPAS cho là thiểu số, ít tiếng nói.
Nghịch lý ở đây là trong lúc đòi hỏi tự do và công bằng chính đáng của người này, AMPAS lại hạn chế tự do và công bằng chính đáng của người khác. Sẽ có hay không trường hợp, một bộ phim muốn có lợi thế ở giải thưởng Oscar sẽ tuyển các thành viên theo chuẩn "đa dạng" nhưng mang tính hình thức thay vì hướng đến những thay đổi thực sự về nhận thức của những người tham gia ngành công nghiệp này? Liệu khi đến mùa giải Oscar 96 như dự kiến, các thành viên chấm giải có hy sinh đi tính nghệ thuật của một bộ phim vì quá tập trung vào các tiêu chí thỏa mãn các chuẩn về sự "đa dạng" như bộ quy chuẩn vừa ban hành? Và rồi lễ trao giải Oscar sẽ trở thành nơi tôn vinh nghệ thuật hay trở thành vũ đài của những tuyên ngôn chính trị nơi AMPAS cho thế giới thấy mình luôn đứng về phe yếu thế?
Tuy nhiên, từ đây đến năm 2024 vẫn còn nhiều thời gian với biết bao cuộc đổi thay. Cũng cần hiểu cho AMPAS khi giải Oscar không phải lúc nào cũng "sóng yên bể lặng" với những quyết định gây chia rẽ ở hạng mục Phim hay nhất, chưa kể đến số người theo dõi buổi lễ trao giải qua truyền hình đang giảm dần theo thời gian.
Bradley Cooper, nam diễn viên đã quá quen với giải Oscar, trong một bài phỏng vấn gần đây, đã nói về giải thưởng này: "Nó cùng lúc thú vị và hoàn toàn vô nghĩa".
Bình luận (0)