Tiếp nối thành công của mùa giải trước, Hội đồng Xét duyệt Giải thưởng Sáng tạo TP HCM lần thứ 2-2021 đang tìm kiếm các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm ở 7 lĩnh vực với giải nhất là 200 triệu đồng.
Đầu tư quy mô lớn
Theo các nhà chuyên môn, dù đối mặt nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng mùa giải năm nay vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo văn nghệ sĩ, tác giả với nhiều công trình nổi bật.
NSND Trần Minh Ngọc nhận xét Giải thưởng Sáng tạo TP HCM là giải thưởng tiêu biểu được UBND TP tổ chức xét tặng 2 năm/lần với 7 nhóm lĩnh vực nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, tác phẩm sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP HCM.
"Đây là sự kiện lớn, lan tỏa tinh thần hăng hái lao động sáng tạo của nhiều lĩnh vực, là nền tảng nêu cao ý chí khát vọng của đội ngũ tác giả, văn nghệ sĩ TP HCM luôn hướng tới tác phẩm và công trình đỉnh cao phục vụ nhân dân, vì nhân dân" - NSND Trần Minh Ngọc, người đoạt giải lần 1 với tác phẩm "Dấu xưa" do ông đạo diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, nhìn nhận.
Chương trình “À Ố Show” do Lune Production hợp tác với nhóm tác giả thực hiện đã tạo dấu ấn đẹp với công chúng tại TP HCM. (Ảnh do Lune Production cung cấp)
Năm nay, 10 hồ sơ ở lĩnh vực văn học - nghệ thuật (VHNT) được chọn vào vòng chung khảo. Từ 32 hồ sơ đăng ký gửi về Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, Hội đồng chuyên môn (do nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, làm chủ tịch) đã chọn những hồ sơ nổi bật vào vòng chung khảo, trình Hội đồng cấp TP xem xét, quyết định trao giải.
Nhiều tác phẩm năm nay được đầu tư với quy mô lớn, cho thấy sự ấp ủ cảm xúc qua thời gian, thể hiện sự tâm huyết, chuẩn bị công phu, mang dấu ấn chuyên sâu của từng lĩnh vực. "Các tác phẩm vào chung khảo cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được đánh giá cao về vai trò phát hiện, phục vụ tốt đời sống nhân dân. Nhiều tác phẩm VHNT có tính phản biện, chiến đấu, khẳng định khả năng tư duy và cách thức triển khai để đề tài tham gia Giải thưởng Sáng tạo TP HCM hòa nhịp vào xu thế chung của đất nước" - nhạc sĩ Trần Long Ẩn đánh giá.
Lan tỏa và giá trị
Lĩnh vực VHNT của Giải thưởng Sáng tạo TP HCM năm nay vẫn xét tặng cho những tác phẩm, sáng tác, công trình của tác giả/nhóm tác giả có tác động tích cực đến việc khơi dậy truyền thống và tinh thần sáng tạo, có giá trị cao về VHNT, góp phần xây dựng và phát triển TP HCM.
Trong những công trình nghệ thuật được các nhà chuyên môn đánh giá cao, chương trình "À Ố Show" thật sự tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa tinh thần vươn tới đỉnh cao nghệ thuật khi kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật xiếc và âm nhạc dân tộc. Giá trị hơn, tác phẩm đã đạt hiệu quả cao về tính nghệ thuật lẫn hiệu quả thương mại, góp phần quảng bá VHNT Việt Nam đến công chúng trong nước và du khách quốc tế. Từ khi công diễn vào tháng 2-2013 đến nay, "À Ố Show" đã cán mốc hơn 1.250 suất diễn tại Việt Nam, phục vụ hơn 300.000 khán giả trong nước và quốc tế.
Vở hát bội "Lê Công kỳ án" của tác giả NSƯT Hữu Danh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu (Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM) là vở diễn sân khấu duy nhất lọt vào vòng chung khảo Giải thưởng Sáng tạo TP HCM lần thứ 2. Câu chuyện về danh nhân của vùng đất Sài Gòn - Gia Định là Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành nguồn cảm hứng của vở để nói đến vấn đề nóng bỏng thời đại trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tác phẩm khí nhạc độc tấu đàn kìm "Ngẫu hứng sen" của NSƯT Anh Tấn (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Âm nhạc ASEAN năm 2019) là một dấu ấn tuyệt vời tôn vinh tài năng sáng tạo về mặt hòa âm, phối khí và tài nghệ trình tấu. Tác phẩm đã lưu diễn tại nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hungary, Bỉ, Thụy Điển...
Một công trình mỹ thuật có quy mô lớn là phù điêu "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968" đặt tại Khu Tưởng niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP HCM) của tác giả Nguyễn Hoàng Ánh (Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM) cũng lọt vào vòng chung khảo.
Ở lĩnh vực văn học, nhà văn Trầm Hương là đại diện duy nhất với truyện ký "Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái". Tác phẩm này đóng góp nhiều tư liệu quý báu về sự cống hiến của lực lượng Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ.
Khá bất ngờ là bộ phim "Song Lang" (đạo diễn Leon Quang Lê, Công ty CP Phim Studio 68) đã được vào vòng chung khảo. "Song Lang" khai thác một góc nhìn về đời sống sân khấu cải lương thời hoàng kim, đã tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế như: Tokyo 2018 (Nhật Bản), Goteborg lần thứ 42 (Thụy Điển), Black Nights (Estonia), Five Flavors Asian (Phần Lan), Hawaii (Mỹ)...
Ngoài ra, các tác phẩm: Sách lý luận phê bình "Văn học nghệ thuật - Đôi điều nói lại" (nhà thơ Lê Tú Lệ, Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM), sách ảnh nghệ thuật TP HCM 40 năm thành tựu và phát triển (Hội Nhiếp ảnh TP HCM), sách "Đạo diễn chương trình ca múa nhạc" (đạo diễn Phạm Ngọc Hiền, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM), sách ảnh "Lấp lánh thành phố tôi" (nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Thị Thu Ba, Hội Nhiếp ảnh TP HCM) cũng vào vòng chung khảo.
Mùa giải đã qua cho thấy sức lan tỏa cũng như giá trị của Giải thưởng Sáng tạo TP HCM đối với hoạt động VHNT tại TP ngày càng được khẳng định.
Phát triển cả về "lượng" và "chất"
"Các tác phẩm tham dự mùa giải năm nay đã có sự phát triển về "lượng" và "chất", được chọn lọc kỹ lưỡng, đòi hỏi cao hơn về nội dung và hình thức thể hiện. Đối tượng khán giả, thành phần văn nghệ sĩ tài năng tham gia đã tăng dần so với mùa giải trước. Đó là niềm hạnh phúc lớn của đội ngũ những người làm nghề hết lòng vì nghệ thuật chân chính, phục vụ công chúng" - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM Trần Long Ẩn nhận xét.
Bình luận (0)