Vậy là thêm một năm nữa tôi lại không thể về quê, không thể đưa các cháu về thăm ông bà như đã hẹn. Thời gian cứ thấm thoắt trôi đi, nhanh thật nhanh mà nhiều khi lại thấy chậm thật chậm. Nhanh đến độ, thoắt cái đã 3 năm tôi không về thăm quê, đứa cháu nhỏ còn ẵm ngửa ngày nào trên tay ông bà nay đã chạy nhảy, nói cười ríu rít suốt ngày. Nhanh đến độ mới hôm qua thôi, nhìn qua cửa sổ màn hình Zalo, tôi đã phải giật mình vì bố mẹ già đi nhiều, mái tóc đã bạc đi quá nửa.
Quê tôi là một vùng đất giữa đồng bằng Bắc Bộ, nơi có con sông Kinh Thầy lặng lẽ chảy qua bồi đắp cho cánh đồng luôn trù phú lúa, ngô, khoai, sắn; nơi yên ả với những nếp nhà nằm kề bên nhau, cứ mỗi chiều về lại nghe tiếng con trẻ nô đùa gọi nhau í ới. Cánh đồng xanh rồi cánh đồng vàng, mùa nối mùa, tình nghĩa xóm làng cứ luôn nồng đượm.
Tôi lớn lên đi học xa nhà, hành trang cho tôi lập nghiệp nơi quê hương thứ hai có những ký ức về quê mình như thế. Hồn hậu với bãi mía bờ dâu, yên ả với dòng sông bên lở bên bồi. Ở đó, có bố mẹ tôi luôn dõi theo con trên bước đường đời nhiều chông gai với một niềm thương yêu vời vợi.
Tôi chọn Bình Định làm bến đỗ cuối cùng trong cuộc hành hương của cuộc đời. Vẫn là trên mảnh đất hình chữ S mình đấy thôi mà sao thấy xa xôi quá đỗi khiến tôi lâu lâu mới về thăm bố mẹ được một lần. Nhưng nhiều lúc tôi lại nghĩ xa xôi chỉ là lý do bao biện cho sự eo hẹp về kinh tế của một kẻ đang trầy trật với cuộc mưu sinh.
Đã bao lần tôi tự nhủ: mỗi năm cố gắng ít nhất một lần về quê thăm bố mẹ vào dịp hè. Tiền hết, mình còn trẻ, còn sức khỏe sẽ lại làm ra. Nhưng bố mẹ đã già rồi, biết còn được bao lần đón mình về thăm nữa! Còn bao lần tôi được ăn bữa cơm gia đình cùng bố mẹ và các em, để căn nhà nhỏ nơi quê nhà lại rộn lên những tiếng cười vui ngày đoàn tụ? Nghĩ là vậy, muốn là vậy mà sự thực thì nhiều khi chẳng như đã định.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Hè năm 2019, cũng như những hè năm trước, tôi đưa hai con vượt hơn ngàn cây số về thăm quê. Bố mẹ đón tôi trong mừng vui rưng rưng khóe mắt. Lúc chia tay, mẹ còn gói ghém đủ thứ đồ cho ba mẹ con tôi mang đi. Bà bế đứa cháu nhỏ mới 7 tháng tuổi trên tay mà cưng nựng: "Sang năm về là đi giỏi rồi!". Ông ôm thằng cháu lớn vào lòng mà xoa đầu nó hẹn hò: "Hè sang năm về, ông lại dạy tập bơi nhé!".
Rồi 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, mẹ con tôi không thể về. Dường như để khỏa lấp nỗi nhớ thương cháu con nơi quê xa, bố mẹ tôi gọi điện thoại nhiều hơn. Mỗi lần gọi điện, bố mẹ đều nhắc giữ sức khỏe, dặn dò đủ điều như thể tôi còn bé lắm. Và mỗi lần gọi, bố mẹ lại thắc thỏm: Bao giờ cho hết dịch?
Dịch chưa hết nhưng chúng ta đã thích nghi với cuộc sống trong tình hình mới, mọi hoạt động được khôi phục. Trong những cuộc điện thoại từ đầu năm, bố mẹ tôi lại nhắc đến chuyện hè đón con cháu về chơi. Điều đó là đương nhiên rồi, hè này nhất định tôi sẽ đưa hai con về thăm ông bà để thêm một lần các con được thu lượm vào hành trang ký ức những kỷ niệm ngọt ngào về quê hương xứ sở; được cảm nhận tình thương vô bờ của ông bà dành cho chúng. Còn tôi, được cho phép mình nhỏ bé, yếu mềm, để thấy lòng bình yên bên những người thân yêu nhất.
Vậy mà hè hết rồi, tôi vẫn không về được. Lại thêm một lần nữa tôi lỡ hẹn về quê. Lỡ hẹn với mẹ cha và lỡ hẹn với cả chính mình. Cũng day dứt lắm, cũng cồn cào nhớ thương nhưng… đành vậy. "Thu xếp công việc, chuyện nhà cửa, chuyện học hành cho tụi nhỏ cho ổn thỏa đi, sang năm thảnh thơi thì về". Mẹ nói vậy khi tôi thông báo không thể về. Bố tôi cười, gọi to các cháu qua màn hình: "Hè sang năm về chơi với ông bà nhé!". Rồi ông bà và các cháu nói về những việc sẽ làm cho hè sang năm.
Rằm tháng 7, mùa Vu lan, tôi ngồi lặng nghe lòng rưng rưng thương nhớ. Bố mẹ lúc nào cũng hào phóng cho tôi gia hạn lời hẹn, lúc nào cũng sẵn lòng chờ đón đứa con xa quê về thăm. Nhưng thời gian có cho bố mẹ gia hạn sức khỏe để được đón tôi bao lần nữa?
Bình luận (0)