Đã có quá nhiều hội thảo, tọa đàm nói lên vai trò quyết định của kịch bản để có một vở diễn sân khấu chất lượng, giàu giá trị nghệ thuật. "Có bột mới gột nên hồ", thế nhưng kịch bản sân khấu ở nước ta thời gian qua thiếu và yếu một cách trầm trọng. Việc tìm ra đáp án cho bài toán khó này đang rất cấp bách đối với nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Thất vọng trại sáng tác
Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng cần mở nhiều trại sáng tác để tạo ra nguồn kịch bản và thực tế cũng đã có nhiều trại sáng tác đã mở ra, do ngân sách đài thọ. Nhưng thực tế đời sống sân khấu không thụ hưởng được gì nhiều từ những trại sáng tác này. Tại lễ tổng kết hoạt động của Liên chi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khu vực TP HCM và các tỉnh miền Đông, tác giả kịch bản sân khấu Vương Huyền Cơ đã cảnh báo thực trạng đau lòng: Nhiều tác giả tham gia các trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức đã lấy những kịch bản cũ của mình được viết cách đây 10 năm, thậm chí 15 năm dự trại. "Cái đau là Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam không thẩm định, vẫn tiếp nhận kịch bản và đưa vào trại. Sau khi công bố, giới sáng tác mới té ngửa vì là vở cũ. Thậm chí tác giả không thèm chỉnh sửa lại cho phù hợp bối cảnh mới" - tác giả Vương Huyền Cơ bức xúc.
Cảnh trong vở kịch “Kỳ án xứ mặt trời” (tác giả: Vương Huyền Cơ) được xem là một trong những kịch bản mới đáp ứng được về thẩm mỹ, tính tư tưởng trong đời sống hiện nay
Thiếu kịch bản mới cho sân khấu là thực tế đáng quan ngại, theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái. Nhìn từ Liên hoan Sân khấu kịch nói 2018, dễ dàng nhận thấy chưa có nhiều kịch bản mới, vẫn phải dựa vào số kịch bản cũ.
Đặc biệt, mảng đề tài mang hơi thở đời sống đương đại không thấy xuất hiện trên sân khấu kịch cả nước. "Theo tôi, đây là khoảng trống đáng lo ngại vì sân khấu phải mang tính đối thoại với cuộc sống, kể câu chuyện của cuộc sống hiện tại. Trong khi các trại sáng tác lại giẫm chân tại chỗ với nhiều đề tài cũ. Dù có đưa ra đề tài đương đại thì vẫn có tác giả gửi kịch bản cũ để dự trại thì quả là đáng lo" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ.
Trên thực tế, do thiếu và yếu về kịch bản, các sân khấu phải dựng lại nhiều kịch bản đã ra đời từ rất lâu, của các tác giả: Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Trần Đình Ngôn, Thanh Hương, Doãn Hoàng Giang... Nhà hát đổ lỗi cho tác giả thiếu vốn sống, thiếu năng động. Tác giả đổ lỗi cho nhà hát hời hợt tiếp nhận "đứa con tinh thần" của mình, rồi nhào nặn đến mức họ không còn nhận ra kịch bản của mình, dẫn đến hệ lụy là vở dở đều, tuổi thọ ngắn ngủi.
Muốn có trái ngọt, phải trồng cây
"Để duy trì đời sống sàn diễn kịch nói hiện nay, nhiều vở diễn được gọi là "kịch" nhưng thực chất chỉ như một sự xâu chuỗi các sự kiện, được chắp vá bởi trò diễn của nghệ sĩ. Tính tư tưởng, chủ đề, thông điệp bị đứt đoạn" - tác giả kịch bản Vương Huyền Cơ bộc bạch.
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh cho rằng sân khấu đang trong giai đoạn giao thời, thế hệ đi trước không bắt kịp cái mới, còn thế hệ viết trẻ lại thiếu đào tạo nên thiếu kiến thức văn học, thiếu bản lĩnh thích ứng để viết về sự tác động của môi trường xã hội với đời sống sàn diễn. Nhưng để tìm ra đáp án cho bài toán khó này chính là khâu đào tạo.
Giới chuyên môn phấn khởi khi biết được trong năm nay, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM sẽ mở khoa đào tạo biên kịch sân khấu và điện ảnh. Đây là một tín hiệu vui vì sau gần 2 thập niên gián đoạn, khoa biên kịch đã không được tuyển sinh. Theo PGS-TS Trần Yến Chi, Trưởng Khoa Đào tạo Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, ngoài việc đào tạo biên kịch, nhà trường còn mở các cuộc thi sáng tác để tạo cơ hội cho thế hệ viết trẻ có dịp trình bày những suy nghĩ sáng tạo của mình.
"Đây là cơ hội để những cây bút trẻ theo học, tiếp cận những nền văn học nghệ thuật phát triển thông qua giáo trình giảng dạy đã được cập nhật để giúp họ làm giàu vốn hiểu biết, kỹ năng xây dựng kịch bản hay. Khóa học này sẽ song hành lý thuyết và thực hành, có những chuyến đi thực tế để có được tác phẩm với cấu trúc, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ thời đại mới" - đạo diễn Trần Minh Ngọc tin tưởng.
Đãi ngộ chưa hấp dẫn
Tình trạng khan hiếm kịch bản sân khấu hay kéo dài lâu nay còn có nguyên nhân khác là sự đãi ngộ. Một kịch bản điện ảnh hiện nay có thể bán được tiền tỉ. Vì thù lao cho kịch bản sân khấu còn rất thấp nên các tác giả không dành nhiều thời gian để đầu tư. Họ bị chia sức khi tập trung viết kịch bản cho các chương trình game show, truyền hình thực tế, có thù lao cao hơn gấp nhiều lần.
Đổ lỗi cho nhau không là lời giải cho bài toán khó này mà phải nuôi dưỡng tài năng trẻ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để tài năng sáng tác phát triển. Các cây bút tiềm năng cần có cơ hội tham gia vào các buổi giao lưu, lớp tập huấn ngắn và dài hạn. Hình thức tìm kiếm kịch bản hay qua các trại sáng tác như thời gian qua thực chất là không hiệu quả. Bởi vậy, nói theo tác giả Vương Huyền Cơ: "Ngân sách được cấp là tiền thuế của dân, để các trại cho ra đời kịch bản hay, được dàn dựng, được công diễn và có tuổi thọ, không thể cứ tiền bỏ ra mà chẳng gặt hái được gì".
Bình luận (0)