Sau phim "Cô gái nhà người ta" đề cập cuộc sống giới trẻ ở nông thôn và hành trình lập nghiệp nhiều khó khăn, khán giả màn ảnh nhỏ lại được thưởng thức tiếp "Nhà trọ balanha", "Tình yêu và tham vọng"... - cũng khai thác đề tài giới trẻ hiện đại.
Gây tranh cãi
"Nhà trọ balanha" là phim do Nguyễn Khải Anh đạo diễn, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, Việt hóa từ phim Hàn Quốc "Welcome to Waikiki" của đài JTBC, đang phát sóng trên VTV3. Phim kể về ba chàng trai trẻ: Lâm (Công Dương đóng), Bách (Xuân Nghị đóng) và Nhân (Trần Nghĩa đóng), khởi nghiệp bằng cách kinh doanh homestay nhưng gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, cả ba chưa bao giờ hết niềm tin vào tương lai và từng bước giải quyết mọi khó khăn. Đan xen vào câu chuyện khởi nghiệp này là chuyện tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình.
"Nhà trọ balanha" quy tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp. Tuy nhiên, tác phẩm không đủ sức chinh phục số đông khán giả, dẫn đến các ý kiến trái chiều. Một số khán giả nhận định phim trẻ trung, vui nhộn, khai thác được góc nhìn tích cực về người trẻ hiện đại. Số khác cho rằng phim lố, tiếng cười hời hợt, đôi khi gượng gạo, chưa lột tả được đúng bản chất của giới trẻ Việt. Phim này là tác phẩm Việt hóa từ kịch bản phim nước ngoài nên cũng có sự so sánh, trong khi màu sắc Việt vẫn còn nhạt, chưa đủ sức vượt qua sự ấn tượng mà tác phẩm gốc đạt được.
Nếu "Nhà trọ balanha" mang đậm tính giải trí, hài hước thì "Tình yêu và tham vọng" do Bùi Tiến Huy đạo diễn lại khác. Phim này đang được phát sóng trên VTV3 và cũng là tác phẩm làm lại từ phim Trung Quốc có tên "Thế lực cạnh tranh".
"Tình yêu và tham vọng" kể về cuộc đối đầu giữa Minh (Nhan Phúc Vinh đóng) - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Thổ và Phong (Mạnh Trường đóng) - Tổng giám đốc địa ốc Bách Hợp. Trong bối cảnh thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, cả hai dùng mọi biện pháp, thậm chí cả thủ đoạn, để vượt qua đối thủ. "Tình yêu và tham vọng" cũng là câu chuyện về người trẻ nhưng ở góc độ thương trường, với những mánh lới kinh doanh. Chuyện tình yêu, tình thân vẫn được xen kẽ để làm phong phú thêm nội dung phim.
"Tình yêu và tham vọng" với dàn diễn viên hấp dẫn, bối cảnh quay ở nhiều thành phố thuộc châu Âu nhưng không thể cuốn hút khán giả bởi câu chuyện còn nhiều xa lạ. Được kỳ vọng sẽ tạo được sức hút lớn trong giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 nhưng "Tình yêu và tham vọng" lại chưa gây tiếng vang như mong đợi. Tương tự "Nhà trọ balanha", với nhiều khán giả khó tính, phim bị chê nhạt, gượng ép, đôi chỗ lại quá "kịch". Nhà báo Cát Vũ nhận xét "Tình yêu và tham vọng" đôi chỗ vẫn còn chưa được Việt hóa tốt, dẫn đến gượng ép, xử lý chưa mượt mà.
Ngoài hai phim này, một số phim Việt hóa cũng có yếu tố lập nghiệp của người trẻ như: "Vua bánh mì", "Trái tim trong sáng" đang trong quá trình sản xuất.
"Phim về giới trẻ hiện đại là đề tài cần thiết cho việc góp phần truyền cảm hứng, nâng cao tính giáo dục bên cạnh yếu tố giải trí. Tuy nhiên, phim phải hay, hấp dẫn thì mới chinh phục được đối tượng khán giả vốn được thụ hưởng nền phim ảnh mới mẻ của thế giới. Những kiểu làm cũ kỹ, xây dựng hình tượng nhân vật nhố nhăng, xử lý tình huống kém rất khó khiến khán giả yêu thích" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Cảnh trong phim “Tình yêu và tham vọng”. (Ảnh cắt từ màn hình)
Tưởng dễ hóa khó
Nhìn bên ngoài, phim đề tài về người trẻ, về chuyện lập nghiệp, tình yêu, gia đình... dễ thực hiện. Nhưng thực tế, đây lại là đề tài khó có thể tạo tác phẩm hay, mới lạ và thuyết phục khán giả. Nó đòi hỏi nhà biên kịch vừa giữ tâm hồn tươi trẻ vừa phải có được nhiều trải nghiệm trong cuộc sống để xây dựng nhân vật thuyết phục được người xem. Nhân vật trong phim dành cho người trẻ không cần phải hoàn hảo nhưng vẫn hướng đến hy vọng, tích cực và yếu tố chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.
"Phải "đời" từ lời thoại cho đến tình huống thắt - mở, cách ứng xử trong giải quyết vấn đề; nêu bật được nét chung của giới trẻ Việt hiện nay từ suy nghĩ cho đến hành động mới mong có sự quan tâm của khán giả trẻ. Khán giả trẻ ngày nay hiểu biết nhiều và cũng chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nên nếu tác phẩm làm không tới, hẳn nhiên khó có thể khiến họ chờ đợi xem từng tập phim" - biên kịch Thanh Hương nhận định.
Theo biên kịch Thanh Hương, sự nở rộ về một đề tài trên màn ảnh không phải là điều tốt. Khán giả chỉ thích thú ở vài phim đầu, họ nhanh chóng bội thực khi có quá nhiều tác phẩm cùng đề tài phát sóng nhưng không có sức hấp dẫn riêng.
Biên kịch Châu Thổ cũng cho rằng nhà sản xuất phim Việt ít có nghiên cứu xã hội, định hướng thị trường mà ngược lại. Họ thấy phim đề tài nào đang thu hút khán giả là đua nhau khai thác, không dám đi lối riêng để dẫn dắt thị hiếu. Thêm vào đó, hiện nay có quá nhiều phim truyền hình Việt hóa, thiếu thốn kịch bản gốc nên dẫu có chút khởi sắc vẫn nặng tính vay mượn, thiếu bền vững. Nếu chia đều các "món ăn" cho khán giả vừa có tình cảm gia đình vừa có giới trẻ lập nghiệp vừa có đời sống nông thôn... nhưng khai thác sự mới lạ, yếu tố thu hút vẫn tốt hơn.
Theo nhiều người trong giới, dòng phim cho giới trẻ hiện đại được khai thác trở lại trên màn ảnh nhỏ là vì muốn thu hút đối tượng khán giả trẻ, song việc vay mượn hoàn toàn kịch bản nước ngoài khiến phim khó thành công.
Biên kịch Việt đủ sức viết
"Những tác phẩm từng thành công trên màn ảnh nhỏ như: "Đồng tiền xương máu", "Cổng mặt trời"... đã chứng minh biên kịch Việt đủ sức viết về giới trẻ. Hiện nay, phim Việt hóa quá nhiều nhưng không phải phim nào cũng được Việt hóa tốt, vượt bản gốc mà vẫn lưu giữ nét truyền thống, văn hóa Việt.
Phim về giới trẻ nếu không khai thác đúng các giá trị Việt thì rất dễ đánh mất lượng khán giả này. Trong khi đó, năng lực của biên kịch Việt Nam về phim cho giới trẻ qua các tác phẩm như "Cô gái nhà người ta" hay "Về nhà đi con" cũng đã chứng minh họ đủ sức làm nên thành công.
Bình luận (0)