Buổi giao lưu "Trăm năm sử Việt: Gặp gỡ hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư" mới đây tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM đã được dư luận đặc biệt quan tâm.
Những trang sử viết từ gian khó
Sự kiện hiếm có này không chỉ quy tụ nhiều nhân sĩ trí thức tại TP HCM, những người yêu sử từ khắp các tỉnh, thành mà còn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ từ các trường đại học, trí thức nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.
Bên cạnh sự say mê, dấn thân hết lòng với những trang sử của hai ông cũng là tháng ngày đầy truân chuyên và chìm nổi vì mưu sinh. Nhưng không vì thế mà hai nhà nghiên cứu lỗi lạc từ bỏ tình yêu với sử Việt.
Từ một cậu bé phải đi tráng bánh cuốn vì nhà nghèo cho đến khi trở thành một thanh niên trí thức yêu nước, một học giả uy tín, ông Nguyễn Đình Đầu chưa bao giờ ngừng say mê làm khảo cứu, tâm huyết cả đời vì đau đáu với dáng hình đất nước.
Hay khi tuổi đã ngoài 60, dù phải sửa xe để kiếm tiền mua gạo nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn lui tới thư viện tìm sách. Và rồi cuốn tiểu thuyết lịch sử "Loạn 12 sứ quân" đã được ra đời bên bộ đồ nghề sửa xe, cùng với sự động viên của nhiều khách hàng là sinh viên thời bấy giờ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư (thứ 2 và 3, từ trái sang) tại buổi giao lưu “Trăm năm sử Việt” tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM
Với sự nghiệp hơn 80 năm cầm bút nghiên cứu về lịch sử, hai nhà nghiên cứu lão thành đã cho ra đời rất nhiều công trình nghiên cứu, với hàm lượng kiến thức đồ sộ. Đặc biệt là những tác phẩm nổi tiếng về địa bạ, bản đồ, lịch sử vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ của ông Nguyễn Đình Đầu; và các tài liệu về tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa của ông Nguyễn Đình Tư.
Đồng thời, cả hai nhà nghiên cứu đều dành sự quan tâm đặc biệt đến việc khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với nhiều xác tín lịch sử quan trọng, thể hiện qua các tấm bản đồ cổ.
Trải qua một thế kỷ chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử dân tộc, những trang sử trung thực, khách quan, ngồn ngộn tri thức của hai nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu - Nguyễn Đình Tư đã trở thành nguồn tham khảo quý giá trong kho tàng tư liệu lịch sử Việt Nam.
Truyền cảm hứng
Trong buổi giao lưu, dù tuổi đã cao, thính lực không còn tốt nhưng hai nhà nghiên cứu vẫn rất hăng say trả lời tất cả câu hỏi từ khách mời, nhất là của các bạn trẻ. Trong trang phục áo dài truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư khiến hội trường phải vỗ tay liên tục bởi những câu chuyện dí dỏm được kể tỉ mỉ, tường tận. Các vấn đề lịch sử gây tranh cãi đã được ông Nguyễn Đình Tư mổ xẻ, bàn luận, phân tích thẳng thắn, khách quan trên cơ sở khoa học, sự thật của lịch sử.
Cả hai nhà nghiên cứu đều bày tỏ mong muốn các thế hệ con cháu sẽ tìm hiểu và hiểu đúng về những sự kiện lịch sử đã xảy ra. Từ đó, cùng xây dựng nên các phong trào yêu lịch sử, lan tỏa tình yêu lịch sử của nước nhà đến với mọi tầng lớp người dân.
Có mặt tại buổi giao lưu "Trăm năm sử Việt", luật sư người Mỹ Thomas Treutler, có 29 năm sống tại Việt Nam và đang theo học chương trình thạc sĩ về lịch sử bằng tiếng Việt ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hai nhà nghiên cứu. "Tôi đã thêm yêu sử Việt từ "Tạp ghi Việt Sử Địa" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và từ "Non nước Phú Yên", "Non nước Khánh Hòa" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư" - Thomas Treutler nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh lịch sử có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời đại mới. Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư đã dành cả đời cống hiến bằng nguồn năng lượng mạnh mẽ, tinh thần lạc quan bởi lòng tin lớn lao ở đất nước, trân trọng từng sự biến chuyển dù là nhỏ nhất của lịch sử dân tộc.
Ông Dương Trung Quốc mong rằng cuộc đời vượt khó với tinh thần kiên cường tự học, những tác phẩm giá trị của hai ông Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư sẽ truyền được cảm hứng tới các bạn trẻ, trở thành nguồn động lực cho những người nghiên cứu lịch sử hiện nay.
Bình luận (0)