Đây là lần đầu tiên, một đêm nhạc trực tuyến được kết nối từ Việt Nam đến Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Hàn, Singapore, gắn kết trái tim của cộng đồng trong nước và thế giới.
Chương trình hòa nhạc kết nối thế giới với Việt Nam bằng những bản nhạc giao hưởng, những giai điệu quen thuộc, ấm áp như "Trở về đất mẹ", "Thân thương dòng máu Việt", "Bài ca người chiến sĩ áo trắng"... thông qua màn trình diễn từ những nghệ sĩ tài năng như nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy từ châu Âu, NSƯT Trần Vương Thạch cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM, NSND Tạ Minh Tâm, ca sĩ Thu Minh từ Singapore, ca sĩ Tùng Dương, nhóm Oplus...
Nhạc trưởng Lê Phi Phi chia sẻ: "Âm nhạc có khả năng tuyệt vời trong việc nâng đỡ tinh thần con người khi nó phi biên giới, phi giới hạn, có thể chạm tới bất cứ ai"... Anh hy vọng những tiết mục âm nhạc trong chương trình không chỉ góp phần vào việc thôi thúc mỗi người ủng hộ cho quỹ vắc-xin mà còn là một liều "vắc-xin tinh thần" giúp mỗi người Việt Nam trong nước và trên khắp thế giới mạnh mẽ hơn, lạc quan, tin tưởng vào ngày Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi đã từng chiến thắng Covid-19 sau 10 ngày nằm viện. Sự xuất hiện của anh trong chương trình cũng đặc biệt hơn với một sáng tác từ chính người cha của mình, bài hát từ những năm 1960 và là một trong những bài hát đầu tiên viết về ngành y tế Việt Nam.
Ngoài ra, khán giả còn được thưởng thức nhiều nhạc phẩm nổi tiếng qua phần kết hợp của dàn nhạc HBSO và các nghệ sĩ như: "Hello Vietnam" (Phạm Quỳnh Anh sáng tác), "William tell Overture" (Gioachino Rossini), "Come back to Sorrento" (Ernesto De Curtis), "Conquest of Paradise" (Vangelis), "When you believe" (nhạc phim "Prince of Egypt", tác giả Stephen Schwartz), "You raise me up"...
NSND Tạ Minh Tâm biểu diễn trong buổi hòa nhạc trực tuyến
Các câu chuyện của những người Việt xa xứ bị chia cách bởi dịch Covid-19 được chia sẻ trong chương trình cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Đó là câu chuyện truyền cảm hứng của một sinh viên Việt Nam tại Đại học Oxford (Anh) từ chối lời đề nghị được trở về Việt Nam để mong muốn dành tiền đó làm từ thiện. Câu chuyện cô dâu Việt ở Hàn có nhiều hoạt động hướng về quỹ vắc-xin.
Người Việt ở bốn phương, mỗi người một công việc, ngành nghề nhưng đều nhìn về cùng một hướng, đó là Tổ quốc. Ca sĩ Thu Minh không kìm được xúc động vì được gặp khán giả sau thời gian dài không thể trình diễn trên sân khấu và mong muốn: "Chương trình không chỉ xoa dịu tâm hồn khán giả bằng âm nhạc mà còn trở thành nơi kết nối cộng đồng cùng chung tay chống đại dịch".
Đặc biệt, không chỉ là nơi mang âm nhạc kết nối trái tim, làm phong phú thêm tâm hồn trong những ngày cả nước đang căng thẳng vì đại dịch, chương trình hòa nhạc trực tuyến còn quyên góp, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ.
Buổi hòa nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn" rõ ràng không phải là giải pháp tạm thời của nhạc hàn lâm trong mùa dịch. Trực tuyến không phải một hình thức "nghệ thuật mùa sân khấu tạm tắt đèn" vì dịch mà chính là giải pháp để đưa nhạc hàn lâm đến gần hơn với khán giả.
Tư duy mặc định "nhạc hàn lâm phải được chơi ở "thánh đường" của nó mới xứng tầm" đã không còn hợp thời. Việc nhạc hàn lâm xuống phố, đi tìm khán giả hay tham gia vào guồng quay linh hoạt như phương thức tồn tại của thế giới nhạc pop không làm cho bộ môn nghệ thuật sang trọng này mất đi giá trị. Ngược lại, nó trở thành hành trình kết nối sâu rộng hơn đại đa số khán giả với nhạc hàn lâm.
Bình luận (0)