Bị chinh phục bởi tư tưởng Phật giáo, Kazantzakis hướng cánh buồm Hy Lạp đến phương Đông. Ông đã nhiều lần vỡ mộng.
Những mối hận thù không đáng
Ngay từ rất sớm, trong "Vườn đá tảng" (Bửu Ý dịch, Phanbook, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019) đã thấy rất rõ phương Đông không chỉ có mùi hương trầm, có Đường thi, nó còn có lịch sử của những cuộc tranh đoạt kéo dài mấy ngàn năm với lớp lớp phế hưng, hết triều đại này đến triều đại khác, mà mỗi lần thay đổi là phải trả giá bằng máu của nhân dân.
Cuốn tiểu thuyết mô tả một thế giới đang đến hồi phân rã, trên mép rìa của thời gian, chông chênh giữa quá khứ với tương lai, trong một thế giới cổ xưa vững chãi bị đe dọa bởi những cuộc nổi dậy, đang cơn hăng say đòi phá sạch những điều cũ kỹ để dựng lại một trật tự mới.
Kazantzakis không hiểu nổi thứ trật tự ấy, hay rõ hơn, ông không hiểu tại sao lại dựng một thứ nhân nghĩa mới bằng những hành động phi nhân, tại sao muốn tiêu diệt cái mê tín quá khứ bằng một thứ mê tín tương lai.
Tất cả nhân vật châu Á trong "Vườn đá tảng" đều thấy ẩn họa của chiến tranh nhưng họ đều bị cám dỗ bởi những gì chiến tranh có thể mang lại. Từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến nam giới, nhất loạt tin rằng có thể sắp đặt một trật tự thế giới mới bằng vũ lực. Từ rất sớm, nhân vật "tôi" trong tác phẩm này đã thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát-xít cũng như chủ nghĩa quân phiệt sẽ phủ bóng xuống châu Á và toàn thế giới.
Họ bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hiến mình cho một cuộc loạn ly đương sắp sửa. Cái tôi phương Tây của Kazantzakis không thể hiểu những con người đó. Quê hương Hy Lạp của ông từng bị xâm lược, ông đã viết "Tự do hay là chết" để tôn vinh quê hương mình. Phương Đông mà ông thấy trong "Vườn đá tảng" chẳng khác gì với phương Tây, đều đang sụp đổ, những tư tưởng khiêm cung, chuộng hòa bình đã không cứu được nó lao vào vòng xoáy chiến tranh. Đối với Kazantzakis, đó là xiềng xích trói con người vào những mối hận thù không đáng.
Khát khao tự do
Trong văn chương thế kỷ XX, nhân vật Zorba bước ra vừa huyền thoại và đời thường như thể các vị á thần đến từ vùng đất Hy Lạp sản sinh ra ông.
Người tạo ra nhân vật Zorba, Nikos Kazantzakis, trước khi đặt bút viết nên tác phẩm "Alexis Zorba - Con người hoan lạc" (Dương Tường dịch, Nhã Nam, NXB Văn học, 2015) đã có cuộc diện kiến với người thợ mỏ George Zorbas phóng khoáng và nhiệt thành để cho ra được hình hài của Alexis Zorba trong tiểu thuyết. Nhưng nếu tự thân Nikos Kazantzakis không có niềm giao cảm tâm linh sâu sắc hẳn đã không thổi bức tượng đất sét kia thành một con người hấp dẫn và sống động đến thế.
Kazantzakis dành đời mình đắm say trong tình yêu với Phật Thích Ca và Chúa Cứu Thế. Ta có thể thấy một tập hợp không thuần nhất nhưng tựu trung họ đều mang tư tưởng mong đưa nhân loại đến tự do và giải thoát. Đó chính là khát khao suốt đời của Kazantzakis, đi tìm thứ tự do tuyệt đối, giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc mang tính quy phạm của xã hội.
"Vườn đá tảng" được viết trước "Alexis Zorba - Con người hoan lạc" khoảng 10 năm, như một bán tự truyện ghi nhận lại buổi đầu ông tiếp xúc với văn minh phương Đông. Cả đời Kazantakis dành cho những chuyến viễn du, như một lữ nhân lang thang khám phá các vùng đất lạ. Hết Athens, Paris qua Vienna, Berlin đến Palestine, Ai Cập, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh… nhìn khắp chốn với dáng vẻ nguyên sơ nhất của nó, như cây kim lúc nào cũng bị hấp lực của những thỏi nam châm khổng lồ cuốn lấy, ông say sưa trước những miền đất lạ. Nhưng có lẽ Đông Á là vùng đất hấp dẫn ông nhất, bởi ông đã tìm được ở đây điều khiến ông ngưỡng mộ và tự nguyện làm môn đệ: đạo Phật.
Tinh thần Phật giáo xuất hiện trong các tác phẩm của ông như phong cách sống hơn là triết học. Ông tiếp thu được ở đó một ít, kết hợp với cá tính riêng, có thể thấy kết tinh của điều đó trong nhân vật Zorba. Trong "Alexis Zorba - Con người hoan lạc", người kể chuyện nhìn Zorba như một vị Bồ Tát hoan hỷ - người đã loại bỏ hết những ràng buộc, kể cả những giáo luật của đạo Phật.
Càng khao khát tự do cá nhân bao nhiêu Kazantzakis lại càng căm giận chiến tranh, dân tộc này tước đoạt tự do của dân tộc khác. Từ "Vườn đá tảng" đến "Alexis Zorba - Con người hoan lạc" là một cuộc hành trình đi tìm phương Đông trong cái vẻ u ẩn mà hài hòa của nó. Ngoài đời thật, dù mắc bệnh bạch cầu, ông vẫn thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Trung Quốc và Nhật Bản. Bị ngã trên chuyến bay trở về, ông được chuyển đến Đức rồi qua đời nơi đây. Trên tấm bia mộ ông ở Heraklion khắc dòng di bút: "Tôi không hy vọng gì. Tôi không sợ gì. Tôi tự do".
Nikos Kazantzakis (1883 -1957) là một tên tuổi lớn của văn chương, tư tưởng thế giới hiện đại của Hy Lạp. Ông là tiến sĩ luật tại Đại học Tổng hợp Athens; có thời gian nghiên cứu triết học, văn học, nghệ thuật tại Pháp, Đức và Ý; từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Hy Lạp. Nikos Kazantzakis thành công với các tác phẩm dành cho thiếu nhi, thơ, kịch, du ký và những tiểu luận lịch sử, triết học.
Ở địa hạt tiểu thuyết, ông gây bất ngờ lớn với những tác phẩm có chiều hướng khám phá tinh thần phương Đông phóng khoáng, hài hòa; tiêu biểu nhất là "Vườn đá tảng" (Le Jardin des Rochers).
Bình luận (0)