xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hấp dẫn chương trình "Sân khấu kịch công nhân"

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Hưởng ứng Tháng Công nhân lần thứ 14 - 2022, Cung Văn hóa Lao động TP HCM tổ chức chương trình "Sân khấu kịch công nhân", thu hút sự chú ý của nhiều khán giả

Tối 29-5, đông đảo khán giả đã đến xem vở "Gánh hát chiều xuân" của nhóm Kịch Đời, khởi động chương trình đầy tâm huyết của Cung Văn hóa Lao động TP HCM.

Được trực tiếp xem "thần tượng"

Khán phòng đầy ắp người xem, cổ vũ nồng nhiệt cho vở kịch "Gánh hát chiều xuân". Họ thật sự hứng khởi khi cùng khóc - cười với các diễn viên của nhóm Kịch Đời trong đêm khai mạc chương trình "Sân khấu kịch công nhân".

Trong không gian ấm áp, các nghệ sĩ còn có tâm huyết đưa kịch nói đến gần hơn với người lao động là đoàn viên Công đoàn. Nghệ sĩ Hồng Trang - đoạt Giải Mai Vàng lần thứ 27, đại diện nhóm Kịch Đời - cho biết chương trình sẽ diễn ra vào tối chủ nhật cuối cùng của tháng. "Tôi tin nơi này sẽ là điểm hẹn dành cho khán giả công nhân. Trước mắt sẽ là các vở kịch của nhóm, sau đó dàn dựng những kịch bản mới được đầu tư chất lượng cao. Chủ đề của những kịch bản mới trong thời gian tới sẽ tập trung vào đời sống, nghề nghiệp của công nhân, những yêu thương trong cuộc sống, những điều tốt đẹp từ màu áo công nhân - lao động" - nghệ sĩ Hồng Trang tiết lộ.

Hấp dẫn chương trình Sân khấu kịch công nhân - Ảnh 1.

Một cảnh diễn của nhóm Kịch Đời trong chương trình “Sân khấu kịch công nhân” tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM

Vé của chương trình "Sân khấu kịch công nhân" được phát hành miễn phí tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM. Công nhân khi đến nhận vé cần mang theo thẻ đoàn viên, mỗi thẻ sẽ nhận được 1 vé xem kịch.

Trước đó, ngày 22-5, tại Nhà Văn hóa Lao động quận 8, nhóm Kịch Đời đã biểu diễn vở hài kịch "Ước mơ không chỉ là mơ ước", tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả. Chương trình do LĐLĐ quận 8 tổ chức, phục vụ miễn phí đoàn viên Công đoàn, CNVC-LĐ trên địa bàn, nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân lần thứ 14 - 2022.

Giới chuyên môn đánh giá cao hiệu ứng tích cực từ sân khấu dành cho đối tượng khán giả ít có điều kiện đến rạp này. Chị Lê Thị Phương Oanh - công nhân KCX Tân Thuận - cho biết lần đầu chị cùng chồng đến xem kịch. Lâu nay, chị chỉ xem kịch qua YouTube hoặc truyền hình, nay được trực tiếp gặp "thần tượng" của mình là nghệ sĩ Hồng Trang cùng các diễn viên trẻ khác thật là điều vô cùng thú vị. Chị Oanh khẳng định sẽ không bỏ lỡ suất diễn nào của "Sân khấu kịch công nhân".

Tạo sân chơi mới cho công nhân

Trong bối cảnh sân khấu nghệ thuật tại TP HCM đã và đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thu hút khán giả, sự ra đời của chương trình "Sân khấu kịch công nhân" được giới chuyên môn nhìn nhận là cú hích cho lĩnh vực kịch nói.

Ngoài việc diễn kịch miễn phí, một mô hình mới cũng được thực hiện là giao lưu "Cà phê cùng nhóm Kịch Đời". Theo các diễn viên của nhóm, từ sự tiếp cận này, những tâm sự về đời sống của công nhân hay tâm tư, hoài bão, tình cảm, thậm chí những gửi gắm dành cho nghệ sĩ, đã được thể hiện rất chân thành.

Trước đây, Cung Văn hóa Lao động TP HCM từng tổ chức thành công chương trình "Giờ thứ 9", cũng có các vở kịch ngắn được lồng ghép rất thú vị. NSƯT Ngọc Trinh - từng được mời làm giám khảo "Giờ thứ 9" - cho rằng thông qua sân chơi này, nghệ sĩ có thêm nhiều kinh nghiệm, chất liệu để xây dựng hình tượng công nhân - lao động khi thực hiện kịch bản mới.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, khi xã hội phát triển, khán giả có nhiều lựa chọn về hình thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Trong bối cảnh vừa trải qua đại dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, sân khấu phải đối mặt với việc vắng khán giả. Đổi mới để kéo khán giả đến rạp là nhiệm vụ sống còn của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, trong đó có kịch nói. Đáng mừng là các diễn viên của nhóm Kịch Đời do nghệ sĩ Hồng Trang dẫn dắt đã nhanh chóng nắm bắt được điều này.

"Sáng tạo những tác phẩm thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được chất lượng nghệ thuật, không để sa đà theo kiểu giật gân, câu khách là một thử thách lớn. Khán giả công nhân chưa đến với sàn diễn thì nghệ sĩ cần chủ động đến với họ. Từ những vở diễn miễn phí, họ sẽ được thu hút đến với các vở bán vé. Mức vé với giá ưu đãi, phù hợp khả năng của người lao động là điều cần phải đặc biệt lưu tâm" - NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.

Chương trình "Sân khấu kịch công nhân" là một tín hiệu vui khi có thêm sàn diễn đi vào hoạt động với tiêu chí dành cho người lao động. Không khó để nhận thấy sự hồ hởi của khán giả đối với chương trình này. Cách làm này vừa tạo sân chơi mới cho công nhân - lao động vừa thiết thực giúp nghệ sĩ kịch có thêm cơ hội làm nghề trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật đang gặp nhiều khó khăn.

Theo NSƯT Lê Thiện, để tạo nên thói quen và sự tò mò trong việc thưởng thức nghệ thuật kịch của khán giả công nhân thì chất lượng và tính giải trí hấp dẫn, lôi kéo được họ đến rạp là chưa đủ. Những vở kịch dành cho công nhân còn phải là những câu chuyện được đúc kết từ đời sống của người lao động.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo