Theo đạo diễn Ái Như, đây là suất mở đầu đợt diễn trong 2 tháng với 10 vở tiêu biểu vốn được đông đảo khán giả yêu thích của sân khấu kịch này, gồm: "29 anh về", "Bông hồng cài áo", "Nửa đời hương phấn", "Bàn tay của trời", "Hãy khóc đi em", "Con ma nhà họ Hứa", "Tình yêu trời đánh", "Sông dài", "Bạch Hải Đường", "Nửa đời ngơ ngác".
Sân khấu Kịch Hồng Vân cũng tái diễn những vở đã làm nên thương hiệu 22 năm của sân khấu này như: "Người vợ ma", "Kỳ án 292", "Ma nữ đa tình"…, thu hút được nhiều khán giả.
Một cảnh trong vở “Bông hồng cài áo” của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh
Trong thời gian ngắn, 2 sân khấu kịch xã hội hóa nêu trên đã lần lượt công bố thay đổi phương thức hoạt động, đặt ra những thách thức trong việc duy trì loại hình sân khấu kịch nói tại TP HCM.
NSND Việt Anh cho rằng sàn diễn kịch không thể đều đặn sáng đèn cuối tuần với các vở đan xen như lâu nay. Khán giả có nhu cầu thưởng thức các vở đỉnh cao, kịch bản xuất sắc, đạo diễn giỏi nghề, dàn diễn viên ngôi sao và công diễn theo đợt. NSND Hồng Vân đã đi trước một bước, tuyên bố đầu tư các vở đỉnh cao và tổ chức lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành.
Vậy còn sàn diễn tại chỗ, lực lượng diễn viên kế thừa sau các khóa đào tạo sẽ hoạt động như thế nào? Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, chị đã lên phương án dựng các vở mới với chất lượng nâng cao để phục vụ khán giả. "Quan trọng là hình thức dàn dựng mới, quy tụ ngôi sao kèm theo lực lượng trẻ để đáp ứng đòi hỏi đổi mới của người xem. Kịch bản, âm nhạc, cảnh trí... cũng phải mới mẻ mới mong sân khấu sáng đèn và lực lượng diễn viên kế thừa hoạt động hiệu quả" - NSƯT Trịnh Kim Chi nhìn nhận.
Ở Sân khấu Kịch Hồng Vân, con đường đi tìm khán giả đã có tín hiệu đáng mừng. Vở sử Việt "Thái hậu Dương Vân Nga" sẽ tái diễn tối 28-5 tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận theo yêu cầu của nhiều khán giả. Vở kịch này sẽ được đưa vào sân khấu học đường, đồng hành với chương trình "Học sử Việt qua từng vai diễn".
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (Kịch 5B) cũng tìm nhiều cách hoạt động để diễn viên trẻ có đất diễn và đến với khán giả trẻ. Kịch 5B đã có thêm một sân khấu dành riêng cho thiếu nhi, biểu diễn vào các sáng cuối tuần. Theo NSƯT Mỹ Uyên, Kịch 5B đang nỗ lực đẩy mạnh việc tạo hiệu ứng cho sân khấu thử; chú trọng mở rộng sự đa phong cách trong dàn dựng và biểu diễn, thông qua việc thu hút nguồn nhân lực trẻ.
Các nhà chuyên môn nhận định sàn diễn TP HCM từ các đoàn công lập đến xã hội hóa đều phải vượt qua khó khăn, đối mặt nhiều áp lực để tự tìm hướng tháo gỡ. Trước sự thay đổi quá lớn của nhu cầu đến rạp mua vé xem kịch, các sân khấu phải vận dụng mọi cách để tự cứu mình.
Theo ông bầu Sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn, lâu nay ông có nguồn tiền bù lỗ cho sàn diễn là cho thuê nhà. Vở nhạc kịch thuần Việt "Tiên Nga" của IDECAF dù có 5 đợt tái diễn vẫn lỗ 2,2 tỉ đồng.
"Chuyện bù lỗ thì hầu hết các sân khấu kịch xã hội hóa đều trải qua. Trước tình hình như vậy, sân khấu kịch xã hội hóa bắt buộc phải đổi mới để tồn tại. Các kế hoạch có thành công hay không thì chờ thời gian trả lời nhưng để nuôi được lực lượng gắn bó với từng thương hiệu là một vấn đề nan giải" - ông Tuấn băn khoăn.
Chưa biết những kế hoạch đổi mới có kết quả như thế nào nhưng hầu hết nghệ sĩ đều tin rằng sân khấu kịch xã hội hóa tại TP HCM sẽ không cam chịu cảnh tắt đèn, đóng cửa.
Bình luận (0)