Nhiều cuộc triển lãm được tổ chức ở các tỉnh, thành trong đợt kỷ niệm trọng đại này; các văn - nghệ sĩ tiếp tục ôn lại quá trình sự nghiệp của nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc nhân đạo, yêu hòa bình Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - được UNESCO vinh danh vào tháng 11-2021.
Tấm gương về cách sống
Trong những ngày qua, các hoạt động nằm trong chuỗi chương trình này đã thu hút đông đảo người dân. Du khách tìm đến không gian văn hóa này đã tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và thế giới nhân vật trong văn thơ Đồ Chiểu. Đó là vẻ đẹp tâm hồn thuần hậu, thủy chung đến nhân cách sống thấm sâu vào lòng dân tộc, hình thành nên biểu hiện văn hóa không những ở Việt Nam mà trên thế giới cũng tìm hiểu, ngưỡng mộ.
Tại Bảo tàng TP HCM, nằm trong khuôn khổ chuyến hành trình, triển lãm "Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp" đã giới thiệu 95 hình ảnh và tư liệu về quê hương, gia đình, cuộc đời của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Triển lãm cũng giới thiệu các tác phẩm văn học - nghệ thuật sáng tác trên nền các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu như: Diễn xướng các tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu: "Nói thơ Vân Tiên", Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Sân khấu cải lương vở tuồng "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga", vở nhạc kịch "Tiên Nga", phim điện ảnh "Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên".
Để chuẩn bị cho đợt triển lãm hình ảnh, di vật, tư liệu về Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, Sân khấu kịch IDECAF đã gửi tượng Mai Vàng 2018 do bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn vở nhạc kịch thuần Việt "Tiên Nga" và Bằng khen của UBND TP HCM tặng cho tác phẩm để ban tổ chức đưa vào không gian triển lãm tại Bến Tre.
Triển lãm tại TP HCM có các chủ đề: "Quê hương và gia đình"; "Sự nghiệp sáng tác và những đóng góp cho nền văn học"; "Vai trò và ảnh hưởng tư tưởng trong văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu đến phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược". Và gần 60 hình ảnh, tập sách giới thiệu các tác phẩm văn học - nghệ thuật sáng tác trên nền các tác phẩm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng với tất cả vai trò xã hội và sứ mạng của con người mà Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu phải gánh vác cho đến cuối đời, cụ vẫn kiên cường vượt qua số phận, hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình, để lại cho đời sau một tấm gương về cách sống trong sáng đến tuyệt vời. Đó là bài học quý cho đời sau, trong đó có văn nghệ sĩ, noi theo ý chí và nhân phẩm của cụ mà sáng tác văn học, nghệ thuật.
Một cảnh trong tác phẩm nhạc kịch “Tiên Nga” của sân khấu IDECAF
Ngòi bút tài hoa
Du khách và người dân địa phương sẽ được trải nghiệm các chứng tích tại chùa Tôn Thạnh và Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc). Đây là những nơi gắn liền với sự nghiệp dạy học, làm thơ và chữa bệnh của Nguyễn Đình Chiểu tại đất Long An, tiêu biểu nhất là áng văn gắn liền với tên tuổi của ông mang tên "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc".
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF cho biết sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre mang tác phẩm nhạc kịch "Tiên Nga" về Bến Tre trình diễn nhân sự kiện "Hành trình theo bước chân cụ Đồ Chiểu". Chương trình này sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi về với Bến Tre - quê hương của cụ Đồ Chiểu.
"Ông là một tấm gương sáng ngời, là một con người có nhân cách cao đẹp, hết lòng vì chính nghĩa, vì nhân dân, đất nước. Ông coi trọng đạo đức, tình nghĩa, căm ghét những thói vị kỷ, xấu xa. Dù bản thân mù lòa nhưng ông lại có một trái tim sáng chói, nhìn rõ hết mọi việc của thế nhân, ông kiên quyết chống lại những thế lực đen tối bằng chính ngòi bút tài hoa, với những câu chuyện mang đậm tính nhân văn. Ông chính là chất liệu sống động để giới văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm nghệ thuật" - tác giả Cao Đức Trường bày tỏ.
Đồng quan điểm, NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng: "Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại, mà sân khấu cải lương hôm nay phải luôn hướng tới. Đó là những áng thơ gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân; những năm đầu kháng chiến chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa của người dân yêu nước, với quan niệm sáng tác: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà". Cần phải tạo cơ hội để tác giả trẻ hôm nay tìm hiểu, nghiên cứu và viết về các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu".
Bình luận (0)