NSƯT Thành Lộc "khoe" tượng Mai Vàng tại Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre
Trên trang cá nhân, NSƯT Thành Lộc chia sẻ: "Con về tạ ơn cụ, dâng lên cụ tượng Mai Vàng mà khán giả đã yêu thương trao tặng cho nhạc kịch "Tiên Nga" để cụ vui, cụ mừng với thành quả lao động nghệ thuật của chúng con và phù hộ tiếp tục cho vở "Tiên Nga" được tái diễn phục vụ khán giả nhiều hơn nữa".
Tác phẩm nhạc kịch "Tiên Nga" tính đến tháng 4-2019 đã là đợt tái diễn thứ 4. Đây là tác phẩm thứ ba trong sự nghiệp đạo diễn của NSƯT Thành Lộc, sau 2 tác phẩm đỉnh cao mà anh từng dàn dựng: "Bí mật vườn Lệ Chi" và "Ngàn năm tình sử".
Vở nhạc kịch "Tiên Nga" do NSƯT Thành Lộc đạo diễn và biên kịch từ kịch bản văn học của NSND Nguyễn Thành Châu, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung.
Các hướng dẫn viên Khu di tịch Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre chúc mừng NSƯT Thành Lộc
NSƯT Thành Lộc đã từng chia sẻ: "Đúng là không thể làm hay hơn vở cải lương của đạo diễn Lưu Chi Lăng trên sân khấu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, do đó tôi chọn hướng đi cho riêng mình, đó là nhạc kịch. Áp lực là nếu vẫn sử dụng phần âm nhạc thu sẵn, dù nghệ sĩ hát thật trên nền phối âm, vẫn sẽ không có gì mới, do vậy chúng tôi quyết tâm mời cho được dàn nhạc sống. Nhạc sĩ Đức Trí là người tôi nghĩ đến đầu tiên vì anh đã gắn với chúng tôi qua tác phẩm "Ngàn năm tình sử", có một ekip là học trò, cộng sự có thể gắn kết để dàn nhạc sống này theo suốt các đợt tái diễn. Áp lực rất nhiều khi diễn viên kịch không thể hát sống vì không biết nhịp. Nhạc sĩ Đức Trí và tôi đã khổ luyện cho việc này, để các bạn diễn viên hòa vào tác phẩm với tiếng hát từ nội lực và cảm xúc".
Bên cạnh đó, trong nhạc kịch "Tiên Nga" không chỉ có nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, mà NSƯT Thành Lộc còn khai thác đời sống cực kỳ tuyệt diệu của một nhân vật mà anh đọc từ kịch bản cải lương của tác giả Ngọc Cung, nhưng đã không được đào sâu, đó là nhân vật Kim Liên.
NSƯT Thành Lộc tạ lễ cụ Đồ Chiểu với niềm hạnh phúc trước sức lan tỏa của vở nhạc kịch "Tiên Nga"
"Cô đã khoác lên mình chiếc áo mỹ nhân đất Việt, để thay thế Kiều Nguyệt Nga cống Phiên. Trong tác phẩm nhạc kịch này, Kim Liên đại diện cho những người phụ nữ nước Việt dũng cảm đối mặt với hiểm nguy, bảo vệ danh dự, chống lại bạo tàn, áp bức. Tôi yêu kính tác phẩm của cụ Đồ Chiểu vì đó là tác phẩm thuần Việt, các nhân vật mang đậm tố chất trung – hiếu – tiết – nghĩa của người dân Việt nói chung và sự hào sảng vốn có của người dân Nam Bộ" – NSƯT Thành Lộc nói.
Hơn 20 năm trước khi sang Pháp lưu diễn vở "Ông Giuộc Đanh ở Sài Gòn" theo lời mời của sân khấu Pháp, NSƯT Thành Lộc đã cùng nhiều nghệ sĩ sân khấu như: Nguyễn Hồng Dung, Ngọc Huyền, Kim Tử Long dựng và diễn phục vụ kiều bào vở cải lương "Kiều Nguyệt Nga", lúc đó anh đã ao ước sẽ dựng nguyên vở này tại Việt Nam. "Và tôi đã toại nguyện ước mơ của mình. Tôi mang ơn những vầng thơ ái quốc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Tôi cảm ơn giải Mai Vàng – chiếc cầu nối thân thương đã kết chặt tình cảm của khán giả yêu vở nhạc kịch này với đôi cánh "Tiên Nga". Tôi mong ước vở diễn sẽ tiếp tục được đón nhận bằng nhịp đập trái tim và cảm xúc của khán giả khi chúng tôi mở màn trình diễn cuối tháng 4 năm nay tại Nhà hát Bến Thành" – NSƯT Thành Lộc đã xúc động cho biết.
Tượng Mai Vàng được đặt trang trọng tại ngôi mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu
Bình luận (0)