Nhiều du khách tham quan Thảo Cầm Viên đưa con em đến vui chơi tại đây ghé vào xem.
Cách đây 7 năm, phương án tổ chức biểu diễn hát bội tại Thảo Cầm Viên đã được triển khai nhưng rồi do nhiều nguyên nhân nên dừng lại. Gần đây, sau chương trình phục vụ du khách định kỳ tại phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, TP HCM, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM nỗ lực mở thêm chương trình biểu diễn định kỳ vào sáng chủ nhật tại Thảo Cầm Viên. Song, hiệu quả đạt được không mấy khả quan. Loại hình nghệ thuật bác học này gần như không được mấy người tôn trọng khi chen lẫn với không khí ồn ào, náo nhiệt của âm nhạc hiện đại phát ra từ các quán bar, quán nhậu. Tương tự, trong buổi sáng khai mạc chương trình hát bội tại Thảo Cầm Viên, khán giả người ra kẻ vào cười nói, chủ yếu để chụp ảnh rồi rảo bước chứ hiếm người ngồi lại xem hết chương trình. "Trời nóng bức, các con tôi không chịu ngồi yên, mặc dù ban tổ chức có bố trí ghế nhưng vẫn không đủ chỗ, dù và bạt chưa che hết nắng nên nhìn nghệ sĩ diễn dưới nóng nắng quá thương, khán giả muốn ngồi xem trọn vẹn cũng không thể" - một khán giả dắt con đi xem bày tỏ.
Quang cảnh buổi diễn sáng 19-7 tại Thảo Cầm Viên của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM
Câu hỏi đặt ra là liệu một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học như hát bội cứ phải chịu cảnh hát rong như thế có xứng tầm đối với một trung tâm văn hóa lớn của cả nước? Nhìn ra các tỉnh - thành bạn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh của Đà Nẵng đã từng thực hiện chương trình "Đưa tuồng xuống phố", tuy nhiên, cách làm của họ không để "tuồng" lẻ loi, mà kết hợp trong không gian có chợ đêm, cạnh cầu Rồng đến giờ phun lửa, bên cạnh bờ sông Hàn gió mát. Nghệ thuật tuồng ở đây nhờ thế có cách tiếp cận khán giả bằng một chương trình gọn nhẹ, khái quát chứ không kéo dài lê thê.
Đúng là có thể có nhiều cách tiếp cận khán giả của nghệ thuật truyền thống nhưng cách hát rong như thế là đối xử không trân quý với hát bội - loại hình sân khấu bác học. Nếu trân quý di sản cha ông để lại, muốn truyền thụ cho con cháu hôm nay và mai sau thì phải chọn cách làm khác. Nghệ thuật hát bội TP HCM phải có nhà hát và được biểu diễn trong nhà hát. Nghệ sĩ phải xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống kết hợp với phương tiện kỹ thuật hiện đại biểu diễn trong khán phòng. Tổ chức cho học sinh đến xem miễn phí. Muốn phổ cập thì quay phim phát truyền hình, số hóa đưa lên các nền tảng kết nối mạng.
Hiện nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã dàn dựng thành công chương trình "Hồn Việt", biểu diễn cuối tuần phục vụ người dân và du khách ngay tại nhà hát. Tại sao TP HCM lại để Nhà hát Nghệ thuật Hát bội của mình cam chịu cảnh hát rong?
Bình luận (0)