Chương trình "Vang vọng trống chầu" do Echoing Drum show tổ chức tại sân khấu 273 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Truyền tải văn hóa theo cách sáng tạo
Chương trình đầu tiên gồm 60 phút giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật này và các trích đoạn, lớp diễn trên nền tảng kỹ thuật sân khấu hiện đại. Khán giả trẻ và du khách sẽ được xem triển lãm mặt nạ tuồng, làm quen với các đạo cụ, nhạc cụ, trang phục, cách hóa trang hát bội trước khi bước vào không gian nghệ thuật.
Nghệ nhân Hữu Lập (80 tuổi) cho biết: "Chọn những gì tinh tế, các lát cắt để giới thiệu một cách dễ hiểu về hát bội, từ niêm luật diễn xuất cho đến âm nhạc, vũ đạo, không làm cho giới trẻ chán là điều mà "Vang vọng trống chầu" hướng tới".
Với cách làm mới đó, nghệ thuật múa "Tứ đại thiên vương" được trình diễn tươi trẻ, sinh động; ca cảnh "Bàn cổ mở cổng trời" cũng hết sức duyên dáng. Đặc biệt, lớp diễn anh em họ Tạ chém Khương Linh Tá trong tác phẩm "San Hậu" được làm mới, dễ hiểu, thăng hoa cảm xúc người xem. Không chỉ giảm bớt những câu ca thuộc về điển tích, điển cố khó hiểu, màn ảnh hai bên sân khấu ngoài phiên ngữ dành cho du khách còn hiện rõ những lời thoại được tóm tắt, những trình thức dễ nhận dạng để khán giả trẻ khám phá nét đẹp của bộ môn này một cách sinh động.
Các nghệ sĩ hát bội của chương trình “Vang vọng trống chầu” trong ngày ra mắt
Có hơn 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu và nhận được sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân lão thành của lĩnh vực hát bội Phan Khắc Huy và những người bạn đã mạnh dạn ra mắt "Vang vọng trống chầu". NSƯT Ngọc Khanh, người thầy của nhóm bạn trẻ say mê hát bội này, đánh giá: "Họ đau đáu một cách gìn giữ, bảo tồn hát bội nhưng không đóng khung mà phải hòa vào đời sống giới trẻ".
Phan Khắc Huy đã từng tổ chức lớp học "Đường đến hát bội" nhiều năm qua, nguồn lực diễn viên trẻ của lớp này đã đến lúc được sử dụng. Hầu hết họ hòa quyện niềm đam mê vào chương trình biểu diễn, giới thiệu đến khán giả trẻ cùng trang lứa những nét đẹp của hát bội.
Là một trong những dự án khởi nghiệp với mong muốn đưa hát bội đến với công chúng trẻ và du khách, chương trình này (do Saigon Innovation Hub bảo trợ và ươm mầm) hướng đến tầm nhìn xây dựng những sản phẩm du lịch đổi mới, trước hết thu hút được giới trẻ tại TP HCM với mục đích truyền tải chất liệu văn hóa Việt một cách sáng tạo. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub - đơn vị đầu tư cho dự án này, bày tỏ: "Khi làm việc với các bạn ở dự án "Vang vọng trống chầu", tôi nhận được nhiều cảm xúc. Trong đó, không chỉ có yếu tố cảm xúc về giá trị Việt mà còn đặt ra vấn đề nếu chúng ta đi xa hơn thì giá trị đó phải tiến hóa theo kênh quốc tế. Các bạn đã đưa vào hát bội tính hiện đại, có khát vọng từng bước đưa công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo để tạo dựng ra không gian có thể đi vào hệ thống giáo dục của Việt Nam".
Nếu không mới sẽ khó có khán giả tương lai
Thực tế cho thấy nhiều năm qua, tình trạng các bộ môn nghệ thuật truyền thống dù được tổ chức nhưng mức độ khán giả trẻ đến xem không như mong muốn dù được đầu tư tiền tỉ. Đây là bài toán khó, đòi hỏi người làm phải có độ am hiểu về văn hóa, lịch sử, xã hội và hơn hết là hiểu người trẻ nghĩ gì.
NSƯT Hữu Danh, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM, thừa nhận: "Chúng tôi đã diễn hàng trăm suất tại các trường học nhưng để các em hiểu được và say mê hát bội qua những suất diễn ngoài trời, dưới cái nắng oi bức là khó".
NSND Minh Vương nhìn nhận: "Các chương trình sân khấu học đường hay đưa đờn ca tài tử và cải lương vào sân trường lâu nay chưa mang lại hiệu quả, phần lớn các em ngồi nói chuyện riêng, bấm điện thoại, chỉ đến khi có ngôi sao thì mới hồ hởi. Cách làm này khó đạt hiệu ứng đồng bộ, phải nghĩ ra hình thức mới".
Theo NSND Đinh Bằng Phi, giới trẻ chưa thấy được giá trị của nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống của mình trong khi cách làm để quảng bá lâu nay giống như đưa tới những món ăn không hợp khẩu vị cứ ép buộc giới trẻ ăn. "Để cải thiện, đòi hỏi phải có những phương cách mới, làm sao mỗi khán giả trẻ nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống và trân trọng nó. Chính niềm tự hào dân tộc sẽ tác động đến thái độ đúng đắn trước di sản, đến gần hơn với văn hóa dân tộc. Từ đó mới nảy sinh tình yêu với nghệ thuật truyền thống" - NSND Đinh Bằng Phi nhận định.
Bình luận (0)