Tết xưa, nhà nào cũng treo tranh dân gian mang ý nghĩa chúc phúc chứa đựng bao điều tốt đẹp, mong muốn "sức khỏe - thịnh vượng - hạnh phúc" sẽ đến trong năm mới. Hà Nội có tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống; Huế có tranh làng Sình... Tết nay, tục lệ này cứ phai dần. Một phần do các loại tranh cổ này vẫn vậy suốt bao đời. Mới đây, một nhóm họa sĩ trẻ đã hào hứng tham gia dự án hiện đại hóa tranh Đông Hồ. Liệu dự án này có thổi lên ngọn lửa hy vọng kết nối giữa văn hóa truyền thống lâu đời với con người hôm nay?
Thổi hơi thở hiện đại vào tranh cổ
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, 1 trong 2 nghệ nhân tranh Đông Hồ còn lại của Việt Nam, hiện vẫn sống với gia đình ở làng cổ Đông Hồ. Với hơn 500 năm lịch sử, làng tranh Đông Hồ đã trải qua biết bao thăng trầm để giữ cho "hồn dân tộc" mãi được "sáng bừng trên giấy điệp". Khi gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế kết nối với các họa sĩ trẻ, chia sẻ những nỗi niềm, tâm nguyện của mình, họ đã truyền cảm hứng khiến những cây cọ thời hiện đại mong muốn thổi hồn đương đại vào nghệ thuật cổ xưa này.
Bức "Bắt trọn vinh hoa" - tranh cậu bé ôm gà "selfie"
của họa sĩ trẻ Phạm Quang Phúc
Những bức tranh Đông Hồ đương đại đầu tiên vừa được trình làng bởi 3 họa sĩ trẻ: Phạm Quang Phúc, Nguyễn Thị Phương Trinh và Phạm Rồng. Họa sĩ Phạm Rồng tự sự: "Trước đây, tôi chỉ thấy tranh Đông Hồ sao đơn giản quá. Sau này, khi gặp nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tới tận làng tranh Đông Hồ, học cách làm từng bước, tôi mới hiểu để sáng tạo nên một bức tranh tối giản nhưng mang tính biểu tượng cao đến mức kinh điển là quý giá thế nào".
Bức “Thả tim se duyên” của họa sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương Trinh
"Bắt trọn vinh hoa" là tranh của họa sĩ Phạm Quang Phúc (NXB Kim Đồng) vẽ em bé ôm gà trống "selfie" (tự chụp ảnh cho mình). Kết hợp giữa nét hiện đại và truyền thống, hình ảnh em bé quàng khăn rằn ôm gà trống ngậm đồng xu "selfie" được lấy cảm hứng từ bức tranh "Cậu bé ôm gà". Vẫn giữ nguyên ý nghĩa và thông điệp chúc phúc nhưng bức tranh này trở nên gần gũi hơn với người hiện đại.
Bức “Nhà nhà đấu vật” của họa sĩ trẻ Phạm Rồng
"Thả tim se duyên" là bức tranh được họa sĩ Nguyễn Thị Phương Trinh thực hiện hiện đại hóa từ bức "Bà nguyệt se duyên". Hình ảnh bà Nguyệt se duyên trong không khí Xuân như lời chúc mọi người sẽ có cuộc sống sung túc, đủ đầy, tươi vui, con cái đông đúc sau này.
Bức tranh "Nhà nhà đấu vật" được họa sĩ Phạm Rồng thực hiện cho thấy hình ảnh các bạn trẻ tập luyện nhiều môn thể dục thể thao, là sự kết hợp giữa đấu vật trong truyền thống và không gian hiện đại. Tranh thể hiện sự mạnh mẽ của các nhân vật, từ đó mong muốn một năm mới tràn đầy sức khỏe.
Phạm Rồng là người có ảnh hưởng trong cộng đồng họa sĩ trẻ Việt và là trưởng các dự án nghệ thuật ý nghĩa. Trong đó, ấn tượng nhất là dự án "Khu phố nhỏ Việt Nam", từng được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều.
Thực hành văn hóa đương đại
Khi được hỏi có sợ dư luận phản ứng trái chiều vì không phải ai cũng thích và ủng hộ "selfie", Phạm Quang Phúc trả lời: "Sáng tạo đương đại luôn có thể nhận được nhiều ý kiến ủng hộ đồng thời với nhiều ý kiến phản đối. Khi tác phẩm đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của công chúng nghĩa là nó đã đi qua rất nhiều năm tháng, đã được sàng lọc giữa hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tác phẩm tương tự".
Trong khi đó, Phạm Rồng khẳng định: "Nghệ sĩ cứ làm nhiều nhất và tốt nhất với mọi khả năng sáng tạo của mình, còn chấp nhận nó hay không là quyền đánh giá của công chúng".
Trả lời câu hỏi liệu tranh Đông Hồ đương đại có còn giữ đúng chất tranh Đông Hồ, nghệ nhân dân gian Nguyễn Đăng Tâm - con trai của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - nhận xét: "Tranh Đông Hồ thể hiện ở chất liệu giấy dó, 5 màu tự nhiên và kỹ thuật làm tranh với các bản khắc gỗ. Tranh của các bạn trẻ ấy vẫn giữ đúng tất cả yếu tố này".
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khẳng định: "Chúng tôi không sợ giới trẻ làm mai một hình ảnh của tranh Đông Hồ xưa. Riêng về đề tài, chúng tôi cho rằng xã hội luôn thay đổi. Vì thế, cần cập nhật xu hướng, bắt kịp thời đại thì mới thực sự có hơi thở cuộc sống trong đó".
Chẳng hạn, bức tranh Đông Hồ vẽ các cầu thủ U23 Việt Nam ôm nhau ăn mừng trên tuyết ở sân vận động Thường Châu - Trung Quốc dễ khiến người xem đồng cảm và xúc động.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế năm nay đã 87 tuổi, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Ông nhớ lại: "Ngày xưa, thời kháng chiến chống Pháp, tôi có làm những bức tranh như "Không cho chúng nó thoát". Sau đó, tôi cũng làm tranh Đông Hồ về thời bao cấp. Bây giờ, thấy các bạn trẻ làm tranh Đông Hồ, tôi vui lắm. Chúng tôi không sợ tranh Đông Hồ đương đại mất đi chất tranh Đông Hồ truyền thống. Các bạn trẻ cứ làm, người thưởng thức cứ xem, hy vọng sẽ tìm ra con đường kết nối giữa truyền thống với đương đại".
Bản sắc văn hóa mở
Nhà nghiên cứu - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng mỹ thuật dân gian Việt Nam là con đường kiến lập bản sắc. "Bản sắc văn hóa là hệ thống các giá trị đặc trưng, bản chất của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài. Các giá trị đặc trưng ấy ở "tầng nền" mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn, bảo đảm cho dòng chảy văn hóa của dân tộc" - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ nhìn nhận.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng bản sắc mang tính tĩnh nhưng không phải là yếu tố chết, nó vẫn thở những hơi thở của cuộc sống thường nhật. Bản sắc vẫn mang giá trị chi phối nhiều dòng tư tưởng xã hội cũng như các thực hành văn hóa đương đại.
Bình luận (0)