Những nghệ sĩ này đều là hạt nhân nòng cốt của các sân khấu và đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật tại TP HCM. Họ đã đóng góp rất nhiều công sức để gầy dựng vườn hoa nghệ thuật sân khấu của thành phố và trong số đó, nhiều di sản họ để lại vẫn là bài học quý cho thế hệ trẻ noi theo như: NSƯT đạo diễn Lê Văn Tĩnh - bậc thầy trong công tác đào tạo; soạn giả Bạch Mai - một đại thụ của lãnh vực cải lương tuồng cổ; nghệ sĩ - nhạc sĩ Thanh Dũng (con trai cố NSƯT Bửu Truyện); nghệ sĩ Thanh Châu; NSƯT - nhạc sĩ Khải Hoàn; nghệ sĩ Duy Khải (con trai danh cầm - cố NSƯT Vũy Chỗ); nghệ sĩ đàn bầu Quang Dũng... là linh hồn của nhiều ban nhạc cổ; NSƯT Lâm Bửu Sang - bậc thầy truyền nghề của đoàn nghệ thuật Thống Nhất, Quảng Đông, Triều Châu; nghệ sĩ Kim Phượng; nghệ sĩ Thanh Linh; Mỹ Lợi (đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long); NSƯT Lê Trí Tưởng (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam); đạo diễn - ca sĩ Bảo Vân (vợ của đạo diễn Lê Hây); nghệ sĩ Mã Cẩm Hiệp; Đức Minh; Thế Cuộc.
NSND Thanh Vy thắp hương tưởng nhớ 16 đồng nghiệp sân khấu đã mất trong đại dịch
Nghệ sĩ Bình Tinh, đại diện gia đình đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, tổ chức rất chu đáo, đầy cảm xúc của Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP HCM. Cô hứa sẽ thực hiện di nguyện của mẹ cho đến cùng, lèo lái đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long theo đúng đường lối mà mẹ cô đã vạch định.
Các văn nghệ sĩ có mặt trong buổi lễ tưởng niệm này đã khẳng định đồng nghiệp sân khấu và công chúng sẽ mãi nhớ ơn sự đóng góp âm thầm, to lớn của 16 nghệ sĩ đối với hoạt động văn hóa nghệ thuật của nước nhà.
NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng lễ tưởng niệm này còn là nơi ghi nhận lời hứa mà những đồng nghiệp may mắn còn sống sau đại dịch phải thực hiện đó là tiếp tục nhân rộng sự thương yêu, đoàn kết để vực dậy sàn diễn trước nhiều thách thức mới. Những người còn lại phải tiếp tục làm thật tốt trọng trách chăm bón cho thế hệ trẻ để họ vươn lên, đủ năng lực thay thế người đã mất.
Bình luận (0)